Biểu tình chống dự luật dẫn độ tiếp tục bùng nổ khắp Hồng Kông
- Trí Đạt
- •
Trong 3 ngày cuối tuần vừa rồi, tại nhiều nơi ở Hồng Kông liên tiếp có 2 cuộc diễu hành quy mô lớn và 3 cuộc tập trung mít tinh; tổng số người xuống đường tham gia lên đến hàng trăm nghìn người, từ công chức, y tá bác sĩ cho đến người dân thường. Phong trào phản đối dự luật dẫn độ kéo dài gần 2 tháng qua, vẫn tiếp tục khảo nghiệm sự quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại của người Hồng Kông.
Người dân ở quận Tseung Kwan O biểu tình phản đối dự luật dẫn độ hôm 4/8. (Ảnh: Getty Images)
Hôm qua (Chủ Nhật, 4/8), tại quận Tseung Kwan O và phía Tây Đảo Hồng Kông, tiếp tục diễn ra các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, số người tham gia lần lượt là 150.000 người và 20.000 người. Người biểu tình sau đó đến các trụ sở cảnh sát ở nhiều khu vực để kháng nghị chính quyền dùng bạo lực đàn áp người biểu tình. Ngày hôm nay (5/8) tiếp tục có phong trào bãi công, bãi thị và bãi khoá trên toàn Hồng Kông.
Số người tham gia 5 cuộc diễu hành và mít tinh:
Ngày 8/4 tại Tseung Kwan O: 150.000 người.
Ngày 4/8, cuộc mít tinh diễu hành tại Tây Đảo Hồng Kông: 20.000 người.
Ngày 3/8, cuộc đại diễu hành tại Vượng Giác: 120.000 người.
Ngày 2/8, cuộc mít tinh của công chức Hồng Kông: hơn 40.000 người.
Ngày 2/8, cuộc mít tinh của giới Y tế Hồng Kông: hơn 10.000 người.
Phong trào diễu hành phản đối luật dẫn độ lần đầu tiên được tổ chức ở quận Tseung Kwan O. Khoảng 1 giờ chiều ngày 4/8, người dân tập trung tại công viên Po Tsui, hơn 2:30 chiều bắt đầu diễu hành đến Công viên Velodrome. Cuộc diễu hành nhắc lại 5 yêu cầu lớn của người dân, bao gồm triệt để thu hồi lại dự thảo “Luật đào phạm” sửa đổi, thu hồi lại định tính người biểu tình là bạo động, huỷ bỏ cáo buộc tội danh đối với tất cả những người tham gia kháng nghị, thành lập Uỷ ban điều tra tư pháp độc lập, lập tức thực hành bầu cử phổ thông. Do trụ sở chính của Đài TVB cũng nằm ở Tseung Kwan O, đây là một đài truyền hình được cho là thân với đảng Cộng sản Trung Quốc và đưa tin thiên lệch có lợi cho đảng Cộng sản Trung Quốc, nên cuộc diễu hành cũng thêm vào yêu cầu “phản đối truyền thông đưa tin sai sự thật”.
Ngô Vĩ Hằng – Người kêu gọi cuộc diễu hành tại Tseung Kwan O, cho biết, ông và một nhóm người chuẩn bị cho cuộc diễu hành này đều là cư dân ở Tseung Kwan O, với mong muốn biểu đạt tấm lòng người dân yêu Hồng Kông. Ông nhấn mạnh, chứng kiến hơn 40 người trẻ tuổi bị cáo buộc tội bạo động vì chống dự luật dẫn độ, nên việc đòi 5 yêu cầu là không thiếu điều nào, ông cũng tin rằng các cuộc diễu hành hàng tuần sẽ có áp lực nhất định đối với chính phủ Hồng Kông, “Người Hồng Kông chưa bao giờ lạnh nhạt đối với sự kiện này, nhất định sẽ tiếp tục theo đuổi, không rút lại dự luật thì sẽ không giải tán”.
Khoảng 2:30 chiều ngày 4/8, cuộc diễu hành bắt đầu, những người tham gia từ từ rời khỏi Công viên Po Tsui, số người tham gia tăng lên nhanh chóng, và chật kín đường. Họ vừa đi vừa hô to khẩu hiệu “Rút lại định tính bạo động”, “Thực hiện bầu cử thực sự”, “Thành lập Uỷ ban điều tra độc lập”, “Tseung Kwan O cố lên! Người Hồng Kông cố lên!”, “Bãi công ngày thứ Hai”, v.v, cũng có người hô khẩu hiệu “TVB bán đứng người Hồng Kông”.
Tiếp diễn phong trào phản đối dự luật dẫn độ kéo dài 2 tháng qua, với người tham gia chủ yếu là thanh niên. Cuộc diễu hành hôm 4/8 này cũng có rất nhiều gương mặt trẻ.
Một học sinh cấp 3 họ Trịnh từng nhiều lần tham gia các cuộc diễu hành quy mô lớn, tham gia cuộc diễu hành lần này cho biết, chỉ cần chính phủ ngày nào chưa trả lời, thì sẽ vẫn tiếp tục tham gia để biểu đạt yêu cầu: “Các sự kiện bạo lực của cảnh sát từ tháng 6, tháng 7, còn có sự kiện côn đồ tấn công người biểu tình ở ga Yuen Long, đều khiến cho chúng tôi rất tức giận, cảnh sát sao lại có thể như thế? Cho đến sáng sớm ngày 3/8, họ tiếp tục ném lựu đạn hơi cay vào người dân. Do đó, chúng tôi cần phản bước ra, tiếp tục nói với xã hội rằng người dân Hồng Kông đoàn kết thế nào, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục kiên trì 5 yêu cầu đối với chính phủ”.
‘Một quốc gia hai chế độ’ thất bại, yêu cầu bầu cử phổ thông
Một sinh viên họ Trần mới tốt nghiệp đại học cho biết, người dân Hồng Kông hầu như tuần nào cũng xuống đường phản đối luật dẫn độ; ngay cả khi 2 triệu người biểu tình, mà chính phủ đều không muốn nghe những yêu cầu của người biểu tình, con đường bầu cử dân chủ cũng bị chặn đứng. Vị thanh niên họ Trần này chia sẻ, điều này phản ánh sự thất bại của ‘một quốc gia hai chế độ’, “Tất nhiều người không nhìn thấy đường ra, do đó mới dùng đến phương pháp cực đoan, kỳ thực rất nhiều người Hồng Kông không hy vọng nhìn thấy tình huống này phát sinh, bao gồm cả bản thân tôi, nhìn thấy Hồng Kông rơi vào tình cảnh này, cũng rất đau lòng.”
Anh cho rằng, nguyên nhân gốc rễ các vấn đề này chính là không có bầu cử phổ thông, “Các yêu cầu lớn mà thiếu đi yêu cầu bầu cử phổ thông, thực ra cuối cùng chính là trị phần ngọn chứ không trị phần gốc, biến tướng là một Trưởng đặc khu tiếp theo, Hộ đồng Lập pháp khoá tiếp theo vẫn sẽ không lắng nghe ý nguyện của người dân, và như thế chỉ có thể tiếp tục có “phản đối luật dẫn độ’ lần nữa.”
Sau khoảng 1,5 giờ đồng hồ, đầu đoàn diễu hành đã đến điểm cuối Công viên Velodrome, nhưng cuối đoàn diễu hành phải mất hơn 4 giờ đồng hồ mới đến điểm cuối hành trình. Tổng thể cuộc diễu hành diễn ra trong hoà bình, chỉ có số ít người biểu tình ném trứng gà và chai nước vào đồn cảnh sát. Nhiều cửa kính ở đồn cảnh sát bị ném vỡ. Sau đó, cảnh sát phòng chống bạo động được điều động xua đuổi đám đông. Ngoài ra còn có người biểu tình dỡ cả lan can thép trên đường và cậy gach để chặn đường.
Chiều tối cùng ngày, ông Ngô Vĩ Hằng tuyên bố, có khoảng 150.000 người tham gia diễu hành tại Tseung Kwan O, nhiều hơn so với dự kiến trước đó. Còn cảnh sát cho biết, thời điểm cao nhất, số người tham gia vào khoảng 27.000 người.
Cuộc mít tinh tại phía Tây Đảo Hồng Kông
Bên cạnh cuộc diễu hành tại Tseung Kwan O, ở khu vực Sai Wan, cũng có hàng nghìn người kêu gọi tổ chức mít tinh từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối tại Công viên Belcher Bay và Tây Đảo Hồng Kông, có khoảng 20.000 người tham gia.
Cuộc mít tinh chưa kết thúc, nhiều người biểu tình tự phát đi đến khu vực gần Văn phòng liên lạc Trung ương Trung Quốc tại Hồng Kông, nhưng họ đã thay đổi sách lược, không ở một địa điểm cố định để xảy ra xung đột với cảnh sát. Lần lượt các ngả đường tại khu vực Sai Wan, Causeway Bay, Tseung Kwan O bị chặn, và có thời điểm chặn cả đường hầm chui Cross-Harbor đi vào Đảo Hồng Kông cũng bị tắc. Cảnh sát đã sử dụng lựu đạn hơi cay để xua đuổi đám đông người biểu tình.
Coco – người nộp đơn xin tổ chức cuộc mít tinh tại Tây Đảo Hồng Kông cho biết, bản thân cũng chỉ là một người dân bình thường, có một cuộc sống bình yên, nhưng bị chính phủ Hồng Kông ép buộc đến không có đường lui. Chính phủ Hồng Kông từ chối trả lời 5 yêu cầu lớn, phớt lờ ý nguyện của người dân, thái độ này mới là nguyên nhân dẫn đến sự tức giận và xung đột trong thời gian dài vừa qua. Tối hôm 3/8, cảnh sát ném lựu đạn hơi cay tại gần khu dân cư Jordan và Hoàng Đại Tiên, khiến nhiều người dân khó chịu và nhiều người già bị ngất xỉu, hành động này lại càng khiến người dân tức giận hơn, “Do đó, người dân Hồng Kông dù là mệt đến đâu cũng cần phải đứng ra để biểu đạt sự bất mãn của chúng ta.”
Quyền Hội trưởng Hội Sinh viên Hồng Kông Hoàng Trình Phong cho biết, tận mắt chứng kiến cảnh người dân khu Hoàng Đại Tiên đi dép bước ra ủng hộ người biểu tình, tham gia phong trào toàn bộ người dân Hồng Kông chống lại bạo lực. Trong hai tháng qua, điều khiến người ta cảm động nhất chính là quyết tâm chống lại chính quyền bạo lực của người dân Hồng Kông không hề suy yếu, mà giống như càng đốt càng cháy mãnh liệt.
Ném lưu đạn hơi cay khu vực gần viện dưỡng lão
Khoảng 6:45 tối, khu vực Sai Wan có nhiều người biểu tình mặc áo đen bắt đầu đi về phía khu vực Văn phòng liên lạc Trung Quốc tại Hồng Kông, nhiều người, nhiều người dân tham gia mít tinh cũng rời Công viên Belcher Bay để tham gia đoàn diễu hành.
Khoảng 7:15 tối, cảnh sát tại khu phía Tây đường Queen’s Road đã giơ cờ đen cảnh cáo người biểu tình, chưa đầy nửa phút thì ném lựu đạn hơi cay để xưa đuổi người biểu tình, tuy nhiên tại hiện trường còng có rất nhiều cư dân tại ở đó. Ông Phùng, một cư dân sống tầng 15 tại một toà nhà gần đó đã đi xuống và tức giận nói với các nhân viên cảnh sát rằng họ đang ném lựu đạn hơi cay gần khu dân cư và viện dưỡng lão, có 3 quả lựu đạn đã bị ném lên ban công tầng 1, cả nhà chưa kịp đóng cửa, cháu gái 2 tuổi hít phải và liên tục chảy nước mắt. Sau đó, có không ít người dân hô to kêu cảnh sát rời đi, và không hoan nghênh cảnh sát đến nơi đây.
Cảnh sát đánh người, dân chúng tức giận
Đến khoảng 11 giờ tối, tại Công viên King Lam ở thị trấn Tseung Kwan O, nhiều cư dân biểu thị không hoan nghênh cảnh sát, sau đó, một nhóm cảnh sát phòng chống bạo động vào công viên xua đuổi người dân, trong thời gian này, một người dân bị cảnh sát dùng dùi cui đánh chảy máu đầu, khiến người dân vô cùng tức giận.
Rạng sáng 5/8, các hoạt động chống lại bạo lực của người dân lan rộng khắp Hồng Kông. Tseung Kwan O, đồn cảnh sát Kwun Tong, đồn cảnh sát Tin Shui Wai có đông đảo người dân kháng nghị cảnh sát dùng bạo lực để thực thi pháp luật; có thời điểm các khu vực như Lai Chi Kok, Yau Ma Tei bị người dân chặn đường.
Người biểu tình bị cảnh sát ném lựu đạn hơi cay. (Ảnh từ Getty Images)
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông biểu tình ở Hồng Kông Dòng sự kiện phản đối luật dẫn độ