Sau khi Trung Quốc chính thức công bố các biện pháp giải cứu lớn nhất trong lịch sử thị trường bất động sản (BĐS), cổ phiếu BĐS đã lao dốc 20% trong nửa tháng. Các chuyên gia cho rằng rất khó dự đoán liệu gói cứu trợ của chính phủ có thành công hay không.

Bat dong san Trung Quoc
Một “thành phố ma” ở khu Ordos, Nội Mông, Trung Quốc, ảnh chụp ngày 12/09/2011. (Nguồn ảnh: MARK RALSTON/AFP qua Getty Images)

Bloomberg đưa tin, ngày 6/6 chỉ số giá cổ phiếu của các nhà phát triển Trung Quốc đã giảm 3,2%, tiếp tục đà giảm kể từ mức cao nhất vào giữa tháng Năm, với mức giảm khoảng 20%. Sunac China Holdings giảm tới 11% và Shimao Group Holdings giảm 8,3%.

Báo cáo cho biết, do nghi ngờ về kế hoạch giải cứu sâu rộng thị trường BĐS của chính quyền Bắc Kinh đưa ra vào ngày 17/5, giá cổ phiếu BĐS đã giảm.

Ban đầu các nhà đầu tư được khuyến khích bởi các chính sách, bao gồm yêu cầu trả trước thấp hơn cho người mua nhà. Nhưng sau đó họ lại hoài nghi phải làm gì để phục hồi nhu cầu, và giải quyết lượng tồn kho nhà ở dư thừa.

Báo cáo dẫn lời nhà phân tích BĐS Jeff Zhan của Morningstar cho biết, dữ liệu bán hàng mới nhất cho thấy, các yếu tố cơ bản của ngành BĐS chưa được cải thiện nhiều, có thể phải đợi đến cuối năm mới thấy doanh số bán hàng tăng hay sụt hàng tháng sau khi thực hiện kế hoạch giải cứu của chính phủ.

Trong khi đó, Fitch Ratings hạ dự báo giá trị doanh số bán nhà mới vào năm 2024, dự đoán mức giảm từ 15% đến 20% do xu hướng doanh số bán thấp hơn dự kiến ​​trong 4 tháng đầu năm và áp lực giảm giá nhà mới.

Các nhà phát triển BĐS vẫn đang trong cơn khủng hoảng

Thật khó để dự đoán liệu gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử có thành công hay không. Ngành BĐS Trung Quốc rơi vào khủng hoảng kể từ khi các cơ quan quản lý bắt đầu giảm nợ và điều chỉnh vào năm 2021.

Khủng hoảng nợ lần lượt nổ ra ở các công ty BĐS quy mô lớn do ngân hàng Evergrande, Country Garden, Vanke, Brilliance, Agile… liên tiếp vỡ nợ, khiến Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, rơi vào khủng hoảng nợ nần và doanh số bán hàng ế ẩm ở ngành trụ cột này.

Để thúc đẩy thị trường BĐS, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra 3 chính sách vào trưa ngày 17/5, gồm hủy bỏ giới hạn dưới lãi suất nhà ở thương mại, hạ lãi suất quỹ dự phòng 0,25% và giảm tỷ lệ trả trước cho ngôi nhà đầu tiên lên tới 15%, làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên thị trường.

Vào lúc 4h chiều ngày 17/5, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn Trung Quốc và Bộ Tài nguyên, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc, Cục Quản lý và Giám sát Tài chính Nhà nước đã tập trung tại Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, cùng tổ chức một cuộc họp nhằm đưa ra các chính sách hỗ trợ.

Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc tuyên bố, họ sẽ cấp 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41,4 tỷ USD) tái cấp vốn nhà ở giá rẻ, khuyến khích và hướng dẫn các tổ chức tài chính tuân theo nguyên tắc thị trường hóa và pháp quyền.

Đồng thời ngân hàng cũng hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước địa phương mua lại những tòa nhà thương mại đã hoàn thiện, nhưng chưa bán được với giá hợp lý. Sau đó, họ sẽ sử dụng làm nhà ở giá rẻ để bán hoặc cho thuê. Dự kiến ​​việc này sẽ mang lại khoản vay ngân hàng trị giá 500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 68,98 tỷ USD).

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các biện pháp cứu trợ thị trường BĐS của chính quyền Bắc Kinh có thể đạt được mục tiêu như mong đợi hay không.

Khoản cho vay lại nhà ở giá rẻ trị giá 300 tỷ nhân dân tệ do Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc công bố chỉ là một phần nhỏ trong số tiền cần thiết, để giải quyết sự mất cân đối giữa cung và cầu nhà ở. Nhiều người mua nhà tiềm năng đang chờ giá nhà giảm thêm trước khi lao vào.

Cần thận trọng trong việc giải quyết sự sụp đổ của ngành nhà ở

Một bài viết trên trang web New York Times tiếng Trung ngày 6/6 phân tích, khi Trung Quốc nỗ lực vực dậy thị trường BĐS đang suy thoái nghiêm trọng, nhiều hạn chế đã được dỡ bỏ. Từ năm ngoái, hơn 25 thành phố ở Trung Quốc đã dỡ bỏ mọi hạn chế mua BĐS, nhiều nơi cũng dỡ bỏ các quy định ngăn cản các chủ đầu tư giảm giá.

Chính phủ phải thận trọng trong việc giải quyết sự sụp đổ của lĩnh vực BĐS, lĩnh vực chiếm 1/4 nền kinh tế Trung Quốc. Vì sự bất mãn với nền kinh tế có nguy cơ gây bất ổn cho xã hội.

Nhiều hạn chế đã được dỡ bỏ bởi các nhà hoạch định chính sách, những người đã đưa ra các biện pháp này từ vài năm trước, nhằm tuân thủ chỉ thị của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình: “Nhà là để ở, không phải để đầu cơ”.

Giá nhà mới tại các thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 11 tháng liên tiếp. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong tháng Tư năm nay, giá nhà đất đã giảm 0,6% so với tháng trước. Giá nhà ở các thành phố cấp hai và cấp ba nhỏ hơn cũng có mức giảm tương tự.