Cuộc chiến tranh giành quyền lực tại Trung Quốc đã tiến đến Hồng Kông, Ma Cao?
- Hoàng Vũ
- •
Cuộc chiến tranh giành quyền lực chính trị tại Trung Quốc đã tiến đến Hồng Kông, Ma Cao, hiện rõ trên mặt báo trong vài tháng qua và ngày càng rõ ràng hơn.
Cơ quan kỷ luật nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa công bố một thông cáo chỉ trích bộ sậu lãnh đạo của Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Ma Cao và yêu cầu những người này tuân theo chặt chẽ sự lãnh đạo tối cao của Đảng.
Thông cáo được ban hành ngay sau khi cuộc điều tra nhắm vào Văn phòng này vừa kết thúc. Trước đó, một tờ báo thân Bắc Kinh ở Hồng Kông cũng ra loạt bài thu hút dư luận nhắm vào các lãnh đạo liên quan đến Văn phòng này.
Việc Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Ma Cao bị đánh giá không tốt đóng vai trò gián tiếp nhắm vào ông Trương Đức Giang, một trong 7 vị lãnh đạo thuộc Bộ Chính trị Trung ương Trung Quốc trước thềm một hội nghị quan trọng của Đảng.
Theo một tuyên bố từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ngày 15/10, lãnh đạo Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Ma Cao bị phê bình là không “đủ mạnh hay đủ quyền lực” và không kiên quyết thực thi “các chính sách thích hợp của Trung ương Đảng”.
Văn phòng do Bắc Kinh kiểm soát này cũng không áp dụng “quy trình nghiêm ngặt” đối với việc chỉ định nhân sự, quản lý lỏng lẽo và không “nỗ lực hết sức” trong vấn đề “quản lý nghiêm Đảng viên” mà ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh nhiều lần.
Ngoài ra, tuyên bố còn đề cập đến việc nhóm điều tra đã nhận được “manh mối” liên quan đến “các vấn đề rắc rối của một số cán bộ lãnh đạo”, và đã được phản ánh đến cơ quan chống tham nhũng và Tổ chức Đảng để xử lý.
Ông Vương Quang Á, Giám đốc Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Ma Cao cho biết, ông “chân thành thừa nhận” các hành vi vi phạm kỷ luật liệt kê trong báo cáo và cơ quan của ông sẽ khắc phục vấn đề này cũng như sẽ thắt chặt kỷ luật Đảng.
Nhà phân tích và bình luận thời sự Heng He cho biết, thông qua báo cáo kỷ luật này thì “Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Ma Cao đang gặp rắc rối“. Tuy nhiên, “những vấn đề được xác định trong báo cáo lại không quan trọng, vì những vấn đề thật sự quan trọng thì thường không được phản ánh trong các báo cáo công khai”.
Ngoài ra, ông Heng He còn nói thêm rằng báo cáo này chắc chắn nhắm vào ông Trương Đức Giang, người đứng đầu nhóm chính sách nhỏ nhưng quyền lực tại các khu tự trị Hồng Kông, Ma Cao, chịu trách nhiệm hoàn toàn cho các vấn đề của Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Ma Cao.
Gần đây, tờ Sing Pao Daily mở chiến dịch bôi nhọ nhắm vào ông Trương Đức Giang và người đỡ đầu chính trị của ông này là ông Giang Trạch Dân. Sing Pao, một tờ báo Hồng Kông thân Bắc Kinh cho rằng ông Trương phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề rắc rối của Hồng Kông, và sở dĩ ông chưa bị ‘sờ gáy’ là vì có chiếc ô dù của ông Giang Trạch Dân bảo hộ.
>> Kịch đã khai màn, Thường ủy viên Bộ Chính trị TQ Trương Đức Giang khó “hạ cánh” an toàn
Các nhà bình luận cho rằng việc một tờ báo thân Bắc Kinh mở cuộc công kích vào lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc là điều bất thường. Nó cho thấy ông Giang Trạch Dân đã bị đưa vào tầm ngắm.
Ông Heng He cho rằng thời điểm công bố báo cáo kiểm tra kỷ luật cũng rất quan trọng. Nó diễn ra ngay trước thềm Phiên họp Toàn thể ĐCSTQ lần thứ 6, một hội nghị chính trị quan trọng sẽ bàn về vấn đề “quản lý nghiêm Đảng viên“.
Trong một thông báo vào cuối tháng Bảy, ông Tập Cận Bình từng nói rằng hành vi và kỷ luật của “cán bộ cấp cao trong Ủy ban Trung ương, Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị” là nội dung trong chương trình thảo luận tại Hội nghị lần thứ 6.
Hoàng Vũ
Xem thêm: