Cuộc đàn áp tôn giáo của ĐCSTQ qua chuyện Đức Đạt Lai Lạt Ma nói sẽ chuyển thế
- Hoành Hà
- •
Tuần trước, Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố sẽ chuyển thế và không tái sinh ở Trung Quốc Đại Lục. Đây là lần đầu tiên Ngài xác nhận điều này trong một sự kiện công khai. Tuần qua cũng là chuỗi hoạt động kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của Ngài.

Trong bài phát biểu qua video tại lễ khai mạc Hội nghị Lãnh đạo Tôn giáo tổ chức ở Dharamsala, Ngài nói: “Tôi xin xác nhận rằng chế độ Đạt Lai Lạt Ma sẽ tiếp tục tồn tại”, “Không ai có quyền can thiệp vào vấn đề này”. Rõ ràng, tuyên bố này nhắm vào chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bởi từ trước tới nay, lực lượng bị cho là can thiệp vào chế độ chuyển thế chính là ĐCSTQ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma từng tuyên bố sẽ kết thúc truyền thống chuyển thế – Vì sao thay đổi?
Từ năm 2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhiều lần công khai bày tỏ khả năng sẽ kết thúc truyền thống chuyển thế của mình, đặc biệt là trong tuyên bố chính thức ngày 24/9/2011, cùng các cuộc phỏng vấn vào các năm 2014, 2019 và 2024, Ngài rõ ràng cho biết “chế độ Đạt Lai Lạt Ma có thể không còn cần thiết nữa”. Lý do chính được cho là vì lo ngại ĐCSTQ sẽ lợi dụng chế độ này để kiểm soát Tây Tạng.
Ngài nhiều lần nhấn mạnh rằng chính quyền ĐCSTQ tìm cách thao túng quá trình chuyển thế của Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma, đặc biệt là thông qua lễ “rút thẻ bình vàng” ( lễ “Kim bình xiết thiêm“) và sự phê chuẩn của Cục Quản lý Tôn giáo Quốc gia. Ví dụ điển hình là vào năm 1995, ĐCSTQ phủ nhận vị Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 do Đạt Lai Lạt Ma xác nhận là Gedhun Choekyi Nyima, thay vào đó phong một linh đồng khác là Gyaltsen Norbu, gây ra làn sóng phản đối của người Tây Tạng. Ngài lo ngại rằng linh đồng chuyển thế của mình cũng có thể bị ĐCSTQ thao túng để trở thành công cụ chính trị.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC năm 2019, Ngài nói: “Nếu sau khi tôi qua đời, Trung Quốc chỉ định một Đạt Lai Lạt Ma giả, người Tây Tạng sẽ không chấp nhận điều đó và nó sẽ làm tổn hại đến tính thiêng liêng của chế độ”. Do đó, việc chấm dứt chuyển thế là để ngăn ngừa ĐCSTQ lợi dụng linh đồng giả nhằm kiểm soát tôn giáo Tây Tạng.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Ngài đã mềm mỏng hơn, bày tỏ rằng nếu cộng đồng người Tây Tạng lưu vong nhìn chung ủng hộ việc tiếp tục chế độ chuyển thế thì Ngài sẽ tiếp tục tái sinh.
Ngài đưa ra lý do cho quyết định tái sinh là: trong 14 năm qua, các lãnh đạo tôn giáo của mọi phái Tây Tạng, nghị viện lưu vong Tây Tạng, chính quyền Tây Tạng lưu vong, các tổ chức phi chính phủ, cùng tín đồ Phật giáo Tây Tạng ở Mông Cổ, Nga, Trung Quốc và đặc biệt là người Tây Tạng trong nước đã viết thư yêu cầu giữ lại chế độ chuyển thế của Đạt Lai Lạt Ma.
Về quy trình chuyển thế, Ngài cho biết tuyên bố của Ngài năm 2011 đã xác định rõ quy trình nhận diện chuyển thế, sẽ do các thành viên Quỹ Ganden Phodrang thuộc Văn phòng Đạt Lai Lạt Ma đảm nhiệm, tham khảo ý kiến các lãnh đạo tôn giáo của mọi phái Tây Tạng và tiến hành tìm kiếm, xác nhận linh đồng theo truyền thống. Tuy nhiên, Ngài luôn kiên quyết rằng linh đồng tái sinh của Ngài sẽ không sinh ra tại Trung Quốc.
‘Chuyển thế phải xin phép chính quyền’ khiến cả thế giới cười nhạo
Chính quyền ĐCSTQ lập tức phản ứng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Mao Ninh cùng ngày nói rằng chuyển thế của các hóa thân sống là một hình thức đặc thù trong Phật giáo Tây Tạng, nên việc chuyển thế của Đạt Lai và các hóa thân khác cần được Chính phủ Trung ương Trung Quốc phê chuẩn. Chính phủ Trung Quốc theo đuổi chính sách tự do tín ngưỡng, nên quá trình chuyển thế của Đạt Lai Lạt Ma cần tuân theo quy định tại Trung Quốc, bao gồm việc tìm kiếm và công nhận linh đồng, thông qua rút thăm bằng bình vàng và được trung ương phê chuẩn, theo pháp luật, nghi lễ tôn giáo và truyền thống lịch sử của Trung Quốc.
Mao Ninh lẽ ra phải nói [theo thông lệ thường thấy] rằng đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không phải thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao, vậy nên [có việc gì] xin hãy hỏi các bộ ngành có liên quan.
Vậy thì ban ngành nào phải chịu trách nhiệm về vấn đề này? Chính là Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Ương của ĐCSTQ. Nhưng là một cơ quan chính phủ như Bộ Ngoại giao, ‘đá bóng’ chuyện sang cơ quan đảng là điều không phù hợp. Đây là cái bẫy mà Tập Cận Bình đã tự đào cho mình trong cuộc cải cách hệ thống đảng-chính quyền năm 2018.
Ban đầu, ĐCSTQ có một Cục Quản lý Tôn giáo, được đặt trực thuộc dưới Quốc vụ viện để giả vờ là một cơ quan chính phủ. Ngoài ra còn có hai ban ngành chính phủ khác là Văn phòng Công tác Hoa kiều của Quốc vụ viện và Ủy ban Công tác Dân tộc, cả hai đều thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Tập Cận Bình không thích việc các cơ quan đảng đội lốt cơ quan chính phủ, nên gom cả 3 cơ quan này về trực tiếp dưới quyền của Ban Công tác Thống nhất.
Cục Quản lý Tôn giáo vào năm 2007 đã ban hành “Quy định về Quản lý Việc Chuyển Thế của Hóa Thân Phật giáo Tây Tạng”, trong đó điều 4 quy định rằng nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được chuyển thế: (1) Giáo lý Phật giáo Tây Tạng quy định không được chuyển thế; (2) Chính quyền cấp thành phố trở lên ra lệnh không được chuyển thế. Quy định này bị cả thế giới coi là một trò cười.
Chuyển thế hóa thân là khái niệm trong Phật giáo Tây Tạng, hoàn toàn không cần xin phép chính quyền thế tục. Nếu giáo lý đã quy định không được chuyển thế thì đương nhiên sẽ không chuyển, chẳng cần ai quy định thêm. Chuyển thế là việc thuộc về tâm linh, chính quyền thế tục không có thẩm quyền cấm hay cho phép. Không cần nói đến Phật, ngay cả một vị thần bình thường nếu muốn chuyển thế hay giáng thế thì con người cũng không ngăn được. Cùng lắm, chính quyền chỉ có thể không công nhận. Đã là giáo lý tôn giáo quy định thì chỉ cần tín đồ công nhận là đủ, không cần chính quyền thế tục thừa nhận.
Về hai nguyên tắc ĐCSTQ nhấn mạnh là: quá trình chuyển thế phải được thực hiện ở Trung Quốc và được phê chuẩn bởi trung ương thông qua bình vàng, thì hoàn toàn không vững vàng. Khi chế độ chuyển thế bắt đầu, Trung Quốc vẫn còn ở thời Nam Tống, không có quan hệ gì với Tây Tạng, cũng không hề có quy định về việc phải tìm kiếm linh đồng ở đâu. Còn quy định rút thăm bằng bình vàng là do Hoàng đế Càn Long đặt ra năm 1792 trong “Tây Tạng Chương Trình Chế Định” – là quy tắc do nhà Thanh áp đặt chứ không phải truyền thống chân chính.
Hơn nữa, triều Thanh – nhất là các hoàng đế Khang Hy, Ung Chính và Càn Long – đều sùng bái Phật giáo Tây Tạng, coi Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma là lãnh tụ tinh thần. Các hoàng đế nhà Thanh thường tự xưng là hóa thân của Văn Thù Bồ Tát, có mối liên hệ tôn giáo với Đạt Lai Lạt Ma – hóa thân của Quan Âm Bồ Tát.
Trong khi đó, ĐCSTQ hoàn toàn theo chủ nghĩa vô thần, không có bất kỳ lý do hay quyền lợi nào để kế thừa mối quan hệ chứng nhận hóa thân giữa nhà Thanh và Tây Tạng.
ĐCSTQ luôn đàn áp tín ngưỡng tôn giáo
Kể từ khi thành lập chính quyền đến nay, ĐCSTQ luôn nỗ lực đàn áp tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên, nếu liệt kê ra thì những trường hợp đàn áp hoàn toàn thành công lại không nhiều.
Xét về 5 tôn giáo lớn mà ĐCSTQ công nhận, thì ĐCSTQ đã thâu tóm và cải tạo Giáo hội Công giáo bằng cách thành lập Hội Công giáo Yêu nước và Đoàn Giám mục Công giáo Trung Quốc; đồng thời cải tạo các giáo hội Cơ đốc giáo, đưa tất cả vào Hội Tam Tự Yêu nước Cơ đốc giáo và Hiệp hội Cơ đốc giáo Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn có một lượng lớn tín đồ không chịu tham gia các giáo hội chính thức của ĐCSTQ, mà lựa chọn tham gia các hội thánh tư gia trong lòng đất, được cho là có đến hàng chục triệu tín đồ.
ĐCSTQ tương đối thành công trong việc cải tạo Phật giáo và Đạo giáo, vì vốn dĩ các tôn giáo này đã rất phân tán, không có tổ chức thống nhất trong lịch sử. Khi thành lập Hiệp hội Phật giáo và Hiệp hội Đạo giáo, thì việc thâu tóm cơ bản hoàn thành. Sau đó, ĐCSTQ tiếp tục thúc đẩy thương mại hóa các địa điểm tôn giáo, và qua đó hoàn toàn biến đổi tôn giáo này.
Tuy nhiên, gần như toàn dân người Tây Tạng tin Phật giáo, lại bất đồng ngôn ngữ, hơn nữa lãnh tụ tôn giáo thì ở Ấn Độ, ĐCSTQ không với tay tới được, nên việc cải tạo Phật giáo Tây Tạng cực kỳ thất bại. ĐCSTQ đành dồn trọng tâm vào vấn đề chuyển thế hóa thân trong các chùa chiền, cho rằng nếu kiểm soát được tất cả chuyển thế hóa thân thì có thể kiểm soát được Phật giáo Tây Tạng.
Về mặt này, ĐCSTQ đã đầu tư rất nhiều công sức vào vị Ban Thiền Lạt Ma ở lại trong nước, cuối cùng cho biến mất linh đồng chuyển thế thật, dựng lên một linh đồng giả. Nhưng đến nay, linh đồng giả này hoàn toàn không có ảnh hưởng gì trong cộng đồng người Tây Tạng.
Khi nói đến Cục Quản lý Sự vụ Tôn giáo, không thể không nhắc tới người từng giữ chức cục trưởng lâu dài là Diệp Tiểu Văn.
Sau khi Ban Thiền Lạt Ma viên tịch năm 1989, đến năm 1995, ĐCSTQ đã bắt cóc linh đồng chuyển thế Gedhun Choekyi Nyima được Đạt Lai Lạt Ma xác nhận, cùng với toàn bộ gia đình cậu, và dàn dựng vụ rút thăm bình vàng gian lận để chọn một linh đồng mới.
Sự thật này chính là do Diệp Tiểu Văn đích thân tiết lộ với Aja Rinpoche trên chuyến bay từ Tây Tạng về Bắc Kinh. Chính vụ gian lận rút thăm bằng bình vàng này đã dẫn đến việc Aja Rinpoche chạy trốn khỏi Trung Quốc sau đó. Aja Rinpoche là trụ trì của chùa Tháp Nhĩ – 1 trong 6 đại tự viện của Phật giáo Tây Tạng, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Ủy viên Thường vụ Chính hiệp Toàn quốc, Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Thanh Hải, và đã lưu vong sang Mỹ năm 1998.
ĐCSTQ tiêu diệt niềm tin vào thần linh bằng 3 thủ đoạn
Diệp Tiểu Văn còn liên quan đến một sự kiện khác: năm 1999, khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, để thuyết phục các cán bộ trung và cao cấp trong đảng, với tư cách là Cục trưởng Cục Quản lý Sự vụ Tôn giáo, ông ta đã tổ chức một buổi thuyết giảng kéo dài 3-4 tiếng đồng hồ cho các Bí thư Đảng ủy thuộc các cơ quan trung ương và các bộ ngành Quốc vụ viện.
Ông ta nhấn mạnh: Lý tưởng của xã hội cộng sản là tiêu diệt sự chênh lệch giàu nghèo và giai cấp xã hội, nhưng một nhiệm vụ quan trọng và gian nan hơn chính là: Đảng Cộng sản cuối cùng phải tiêu diệt tất cả tôn giáo trên trái đất này, tiêu diệt niềm tin của con người vào thần linh.
Diệp Tiểu Văn công khai thừa nhận rằng ĐCSTQ thực hiện kế hoạch này bằng 3 thủ đoạn:
Thủ đoạn thứ nhất: Mời các lãnh tụ tôn giáo của dân tộc thiểu số đến Bắc Kinh, cho họ làm quan to, hưởng thụ cuộc sống, khiến họ quên mất tín ngưỡng của mình.
Thủ đoạn thứ hai: Đối với những lãnh tụ tôn giáo hoặc thủ lĩnh môn phái không phục tùng, sẽ đàn áp khắc nghiệt, bỏ tù, không để họ có chỗ sống sót.
Thủ đoạn thứ ba: Tăng cường mạnh mẽ giáo dục vô thần ở các khu vực có tín ngưỡng, để thế hệ trẻ không còn tin vào cha ông họ, cuối cùng khiến cho tôn giáo đó không còn tồn tại nữa.
Diệp Tiểu Văn đặc biệt đề cập đến sự xuất hiện của Pháp Luân Công, đã khiến mọi nỗ lực của ĐCSTQ trong 50 năm tiêu diệt niềm tin của con người vào thần linh đổ sông đổ bể. Nếu cho phép Pháp Luân Công tồn tại, ĐCSTQ sẽ diệt vong; nếu muốn tồn tại, và đạt được mục tiêu cuối cùng của mình, thì phải tận diệt Pháp Luân Công.

Hoa Kỳ: Phân biệt rõ ràng giữa tôn giáo và chính quyền
Ngay từ khi lập quốc, Hoa Kỳ đã xác lập nguyên tắc tự do tôn giáo và phân tách giữa giáo hội và chính quyền. Nguyên tắc cốt lõi của việc phân tách này là: “Không lập quốc giáo” và “tự do tôn giáo”, do đó không bao giờ xảy ra việc chính phủ can thiệp vào tôn giáo.
Còn ĐCSTQ thực chất là một chế độ chính trị – tôn giáo hợp nhất, trong đó phần tôn giáo chính là chủ nghĩa cộng sản, nhưng đó lại là một tà giáo, vì vậy nó có tính độc quyền tôn giáo mạnh mẽ.
Từ khóa Pháp Luân Công Phật giáo Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma Đàn áp tôn giáo
