Vài ngày trước, Chính phủ Hồng Kông đã lên kế hoạch thiết lập cơ chế hợp tác ghép tạng và hỗ trợ lâu dài với Trung Quốc Đại Lục. Điều này làm dấy lên sự chỉ trích của dư luận Hồng Kông.

p3020851a388255568
Mô phỏng hoạt động thu hoạch nội tạng sống do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn trên đường phố Hồng Kông. (Ảnh: Wrightbus, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Ngày 16/5, theo báo cáo “Lianhe Zaobao” (Liên Hợp Tảo Báo) của Singapore, tại một sự kiện công cộng vào tuần trước, ông Lư Sủng Mậu (Lo Chung Mau), Giám đốc Cục Y tế Hồng Kông, đã tiết lộ trong tuần này rằng Ban quản lý bệnh viện sẽ dẫn các chuyên gia cấy ghép đến tỉnh Quảng Đông đến trao đổi, và giúp hình thành các thỏa thuận về cơ chế hỗ trợ nội tạng giữa hai nơi.

Ông Lư nói rằng hệ thống quản lý dữ liệu hiến tạng ở Trung Quốc Đại Lục rất “tiên tiến”, các quan chức hy vọng rằng chuyến đi này có thể củng cố sự hiểu biết của cộng đồng ghép tạng Hồng Kông về sự phát triển của việc hiến tặng, phân phối, chia sẻ và cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc Đại Lục.

Theo thông tin được công khai, lần đầu tiên Hồng Kông sử dụng nội tạng từ Đại Lục là năm 2022. Ngày 17/12/2022, một bệnh viện nhi ở Hồng Kông đã thực hiện ca ghép tim cho một bé gái 4 tháng tuổi có tên Chỉ Hy (Zhixi).

Truyền thông của ĐCSTQ đưa tin rằng việc lấy quả tim ở Thâm Quyến đến khi vận chuyển nó đến Hồng Kông để phẫu thuật chỉ mất chưa đầy 3 giờ. Trong đó, thủ tục hải quan hoàn tất chỉ trong 8 phút. Nguồn gốc chính xác của quả tim này hiện vẫn chưa được xác minh.

Vào thời điểm việc “chia sẻ” cấy ghép nội tạng xuyên biên giới Hồng Kông-Trung Quốc thu hút nhiều sự chú ý, cư dân mạng tự hỏi, liệu ĐCSTQ có lợi dụng danh nghĩa hợp tác để lấy nội tạng của người dân Hồng Kông cho các quan chức cấp cao ở Đại Lục sử dụng hay không.

Chính phủ Hồng Kông đã đưa ra một thông cáo báo chí vào thứ Hai (22/5), cho thấy số lượng hủy bỏ “đăng ký hiến tặng nội tạng trung ương” của Hồng Kông đã tăng vọt.

“Thông cáo báo chí” đề cập rằng gần đây, từ tháng 12/2022 – 4/2023, trên trang web của Cơ quan đăng ký hiến tạng trung ương, tổng cộng có 5.793 đơn xin hủy đăng ký, cao hơn nhiều so với con số trước đó.

Hơn một nửa trong số 2.907 hồ sơ hủy đăng ký là những người chưa từng đăng ký hiến tạng, hoặc bị hủy nhiều lần. Tỷ lệ hồ sơ hủy không hợp lệ trong tháng 2 đạt 74%, còn lại 2.880 đơn hủy hợp lệ, con số này cũng cao hơn nhiều so với trước đây. Cục Y tế và Sức khỏe cùng Cơ quan Quản lý Bệnh viện chỉ ra rằng có nhiều lý do đằng sau vụ việc.

Thông cáo báo chí cũng cho biết, rất tiếc khi gần đây một số người trên mạng truyền bá rằng những người đã đăng ký hiến tạng nên kiểm tra danh tính của người thụ hưởng, thậm chí còn kêu gọi những người khác hủy đăng ký hiến tạng.

Bài viết cũng lên án “các cá nhân cố ý coi thường việc thành lập cơ chế hỗ trợ lẫn nhau về cấy ghép nội tạng thường xuyên giữa Đại lục và Hồng Kông”, “làm méo mó hệ thống phân phối và phát triển hiến tặng và cấy ghép nội tạng của đất nước”.

Hoạt động chia sẻ nội tạng này nhằm thực hiện tuyên bố của cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu. Nửa đầu năm nay, ông Hoàng Khiết Phu từng nói rằng ông sẽ xuất khẩu nội tạng sang Hồng Kông và Ma Cao, thúc đẩy việc “xây dựng cơ chế chia sẻ nội tạng giữa Đại lục và Đài Loan”, đồng thời kết nối các quốc gia dọc theo Vành đai và Con đường.

Nói cách khác, ĐCSTQ coi nội tạng Trung Quốc như những sản phẩm mua bán trao đổi vì lợi ích của các quốc gia dọc theo “Vành đai và Con đường”.

Ông Hoàng Khiết Phu cũng từng đến Đài Loan và đề xuất “thiết lập nền tảng ghép tạng hợp tác xuyên eo biển”, điều này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ dư luận Đài Loan.

Đầu năm nay, có thông tin cho rằng ĐCSTQ đang thảo luận về việc chia sẻ nội tạng với các nhóm Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng đã bị “Hiệp hội Quốc gia về Cấy ghép nội tạng có đạo đức” (KAEOT) của Hàn Quốc và “Hiệp hội Cân nhắc Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc” của Nhật Bản phản đối.

Tại khu vực Tam giác vàng nơi Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan giao nhau, Hải Ba (Haibo), một nhân vật nổi tiếng trên Internet, người tự xưng là Tổng giám đốc của Tập đoàn Henry đã từng tung tin trên truyền thông đại chúng rằng nội tạng người được bán ở miền bắc Myanmar với giá: 950.000 nhân dân tệ (khoảng 134.600 USD) cho một quả tim và 1,25 triệu nhân dân tệ (khoảng 170.000 USD) cho một quả thận… Họ kiếm tiền thông qua việc thu hoạch nội tạng sống.

Một cư dân mạng đã tiết lộ tên thật của người tung tin là Triệu Hải Ba, quê ở châu tự trị Diên Biên, tỉnh Cát Lâm, hiện là con rể của một thủ lĩnh nổi loạn có vũ trang ở miền bắc Myanmar, và chính ĐCSTQ đứng sau nhóm thu hoạch nội tạng sống ở miền bắc Myanmar.

Một số hội Chữ thập đỏ và bệnh viện ở Trung Quốc Đại Lục đã thông đồng với cảnh sát chính trị, bí mật cung cấp nguồn nội tạng cho một số “công ty”, “đoàn thể” “doanh nghiệp” ở miền bắc Myanmar, dưới danh nghĩa nghiên cứu sự sống và sức khỏe và các dự án thiên sứ…

Liên quan đến kế hoạch thành lập “Cơ chế hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong ghép tạng” của Hồng Kông với Đại lục, Tiến sĩ Jacob Lavee, một bác sĩ phẫu thuật ghép tim nổi tiếng người Israel, cho biết: “Việc này có thể kéo Hồng Kông vào tình trạng sử dụng nội tạng thu được thông qua việc mổ cướp nội tạng sống.”

Tiến sĩ Jacob Lavee từng là cựu Chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép Nội tạng Israel, và là bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tim nổi tiếng của Israel. Ông nói với giới truyền thông rằng động thái này chắc chắn sẽ dẫn đến sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.

Tiến sĩ gợi ý rằng các nước phương Tây nên “kết hợp các nỗ lực ngoại giao và kinh tế để chống lại những hành động tàn bạo này, và chấm dứt hoạt động mổ cướp nội tạng người ở Hồng Kông”.

Hiện tại, Hoa Kỳ, Canada, Anh và nhiều quốc gia khác đang thực hiện những hành động lập pháp nhằm trấn áp hoạt động thu hoạch nội tạng sống vô nhân đạo của ĐCSTQ.

Ngày 27/3/2023, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua “Dự luật chấm dứt mổ cướp nội tạng năm 2023”, nhằm trừng phạt ĐCSTQ vì tội thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm. Dự luật hiện đang chờ Thượng viện thông qua và chữ ký của Tổng thống.

Theo các chi tiết liên quan của dự luật, các hình phạt đối với những người tham gia thu hoạch nội tạng sống bao gồm: Hình phạt dân sự lên tới 250.000 USD, hình phạt hình sự lên tới 1 triệu đô la và 20 năm tù.

Trước đó vào năm 2019, sau cuộc điều tra kéo dài 1 năm, một tòa án độc lập ở London đã ra kết luận “việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức quy mô lớn đã được thực hiện ở Trung Quốc trong nhiều năm”, và các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ là nguồn cung cấp nội tạng chính.

Bình Minh (t/h)