Diễn viên đi giao đồ ăn: Ngành điện ảnh Trung Quốc đang “nghèo khó trở lại”?
- Phương Hiểu
- •
Gần đây, làng giải trí Đại Lục dậy sóng với một sự kiện gây sốc: đoạn video nam diễn viên kỳ cựu 41 tuổi Vu Thanh Bân đi giao đồ ăn trên đường phố đã làm bùng nổ mạng xã hội. Từ một ngôi sao màn ảnh hào nhoáng, anh giờ đây trở thành một người giao hàng đổ mồ hôi nhễ nhại, sự tương phản lớn khiến nhiều người xót xa. Đáng tiếc, trường hợp của Vu Thanh Bân không phải là cá biệt. Câu chuyện của anh không chỉ phơi bày thực trạng ngành giải trí Trung Quốc đang trải qua một “mùa đông khắc nghiệt” chưa từng có, mà còn phản ánh sự suy thoái toàn diện của ngành công nghiệp từng được xem là “cỗ máy tạo giấc mơ” trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đi xuống. Từ các ngôi sao hạng A đến những diễn viên quần chúng, từ công ty sản xuất đến đội ngũ hậu trường, không ai thoát khỏi cuộc thử thách sinh tồn này.
Áp lực cuộc sống: Diễn viên buộc phải đi làm nhân viên giao hàng để mưu sinh
Tuần trước, trong video do Vu Thanh Bân đăng tải, anh xuất hiện trên chiếc xe điện, mồ hôi nhễ nhại, tay cầm hộp đồ ăn, hối hả chạy khắp nơi. “Mùa đông ngành phim ảnh” ập đến, cơ hội đóng phim ngày càng ít. Tiền tiết kiệm cạn kiệt, cuộc sống khó khăn, anh trở thành một nhân viên giao hàng. Anh tự giễu rằng mình gần như quên mất trước đây mình làm nghề gì. Tin tức này lập tức gây sốt trên mạng.
Sau đó, Vu Thanh Bân đăng một video dài 4 phút để giải thích. Anh nói rằng mình không hề muốn trở thành người nổi tiếng trên mạng, việc hạ mình kiếm tiền bằng đôi tay không có gì đáng xấu hổ, và anh đang nỗ lực để sống tiếp. Anh thẳng thắn chia sẻ rằng mình cần được chú ý, cần công việc, cần cơ hội diễn xuất, và cần các đạo diễn, nhà sản xuất để mắt đến.
Năm 2020, anh mua một căn hộ 80m² ở Nam Lục Hoàn, Bắc Kinh, với hy vọng cuộc sống sẽ khá hơn. Nhưng không ngờ, “mùa đông ngành phim ảnh” ập đến, không có phim để đóng, không có thu nhập, khoản vay mua nhà hơn 10.000 tệ mỗi tháng khiến anh ngạt thở. Anh vẫn cố gắng trả nợ đúng hạn, nhưng khi mất việc, tiền tiết kiệm cạn kiệt, anh bị ngân hàng đòi nợ. Trong lúc túng quẫn nhất, anh thậm chí không có nổi 1.000 tệ trong người. Tin nhắn đòi nợ từ ngân hàng mà anh công khai khiến nhiều người cảm nhận được sự bất lực của anh.
Chủ đề “#Nam diễn viên 41 tuổi nghẹn ngào đáp phản hồi về việc giao hàng#” đã lọt top tìm kiếm hot.
Vu Thanh Bân từng góp mặt trong các tác phẩm quen thuộc như Tiệc Gia Đình, Tân Biên Thành Lãng Tử, Tân Tiêu Thập Nhất Lang, Tình Định Tam Sinh, Ám Hoa, Khổng Tú… với diễn xuất được đánh giá cao và được khán giả yêu mến.
Nhiều cư dân mạng cảm thán rằng cuộc sống của Vu Thanh Bân là hình mẫu của khủng hoảng tuổi trung niên. Đằng sau ánh hào quang của ngành giải trí, khi dòng vốn rút đi và ngành phim ảnh rơi vào mùa đông, biết bao diễn viên đang phải chật vật?
Bài viết của một tài khoản nổi tiếng trên Sohu, “FancyMusic”, cho rằng hoàn cảnh của Vu Thanh Bân chính là hình ảnh thu nhỏ của vô số diễn viên ở tầng lớp thấp, ít tên tuổi. Một diễn viên đã đóng phim hơn chục năm, có chút danh tiếng mà còn phải đi giao hàng, vậy những diễn viên ít tên tuổi hơn sẽ phải đối mặt với khó khăn sinh tồn như thế nào? Khi ngày càng nhiều người bước vào nghề diễn, thu nhập của diễn viên giảm mạnh. Dù diễn xuất tốt, nền tảng vững chắc, nhưng nếu không có nguồn lực hay hậu thuẫn, trước mặt các nhà đầu tư, họ vẫn phải chịu lép vế.
Một cư dân mạng bình luận: “Giờ đây, diễn viên đi giao hàng không còn là chuyện hiếm. Vu Thanh Bân không phải người đầu tiên, và lựa chọn của anh là minh chứng chung cho nhiều diễn viên trong ‘mùa đông khắc nghiệt của ngành giải trí’ hiện nay.”
Ngày 2/1/2024, ngay sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, một cư dân mạng bắt gặp nam diễn viên Đại lục Cao Hổ trên đường phố Bắc Kinh và đăng video về tình hình của anh. Người quay video cũng là một nhân viên giao hàng. Trong video, Cao Hổ mặc đồng phục giao hàng của một nền tảng, đội mũ bảo hộ màu vàng, không khác gì những người giao hàng khác.
Việc một nam diễn viên từng nổi tiếng giờ trở thành nhân viên giao hàng khiến nhiều người bất ngờ và tiếc nuối. Một số bình luận hỏi liệu Cao Hổ có thực sự đi giao hàng, và câu trả lời là có.
Theo người quay video, Cao Hổ đã hoàn tất thủ tục tham gia vào một nền tảng giao hàng. Cư dân mạng không khỏi xót xa.
Mùa đông ngành giải trí: Nữ diễn viên Đại lục đăng bài xin việc gây sốc
Sự thật cho thấy, “mùa đông” của ngành giải trí đã ảnh hưởng vượt xa tầng lớp thấp nhất. Nhiều diễn viên quần chúng vô danh vẫn đang chật vật, nhưng ngay cả những nghệ sĩ từng có chút danh tiếng và lượng fan tương đối, cũng đang đối mặt với áp lực sinh tồn chưa từng có.
Tối 15/5, nữ diễn viên 30 tuổi Ngô Tuyên Nghi đăng bài xin việc trên mạng xã hội: “Đang tìm việc! Tôi là Ngô Tuyên Nghi, nghệ danh Ngô Mỹ Lệ trong các chương trình truyền hình, là một ca sĩ kiêm diễn viên chăm chỉ. Mong các đạo diễn để ý đến sự nỗ lực của tôi! Tôi có rất nhiều tiềm năng, xin hãy để kịch bản đến với tôi!” Bài đăng lập tức gây bão, chủ đề “Ngô Tuyên Nghi xin việc” đã leo lên top tìm kiếm.
Từng là thành viên nổi tiếng của một nhóm nhạc nữ, hành động công khai tìm kiếm cơ hội việc làm của cô mang tính biểu tượng hơn cả trường hợp của Vu Thanh Bân, càng củng cố thêm thực trạng khó khăn của ngành giải trí.
Thù lao diễn viên quần chúng giảm mạnh
Hoành Điếm (Hengdian) là trung tâm sản xuất phim lớn nhất Trung Quốc, từng có thời kỳ đỉnh cao với hàng chục ngàn diễn viên quần chúng chen chúc để giành một vai phụ nhỏ, thậm chí là vai xác chết. Đạo cụ phục vụ quay phim có giá trị lên tới hàng tỷ nhân dân tệ.
Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều báo cáo chỉ ra rằng ở Hoành Điếm, nơi từng là “thiên đường mỹ nữ”, không ít người phải sống cảnh phơi sương gió, ngủ ngoài đường. Họ từng là một phần của hàng chục ngàn diễn viên quần chúng ở đây. Để tiết kiệm 70 tệ tiền lương mỗi ngày, nhiều người chọn ở trong những căn nhà sắp bị phá dỡ, thậm chí ngủ ngoài đường. Rác chất đống, cửa sổ vỡ nát, giường làm từ bìa cứng… 4 – 5h sáng, họ ngồi xổm ở lề đường chờ các đoàn phim đến chọn diễn viên, chen lấn để tranh công việc. Dù vậy, số lượng diễn viên tạm thời ở Hoành Điếm vẫn rất đông, vai phụ không bao giờ thiếu người.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 ập đến, thị trường phim ảnh rơi vào mùa đông, dân số thường trú ở Hoành Điếm giảm mạnh, nhiều người rời đi tìm lối thoát khác.
Tháng 11/2024, hiệp hội diễn viên ở Hoành Điếm thông báo điều chỉnh lương diễn viên quần chúng: từ 120 tệ/8 giờ xuống còn 135 tệ/10 giờ. Ngày 15/11, sự kiện “Hoành Điếm giảm lương diễn viên quần chúng” lọt top tìm kiếm trên nhiều nền tảng.
Theo nguồn tin, mức lương của diễn viên quần chúng đã thấp đến thảm hại, lại còn bị công đoàn trừ 10%, như “đổ thêm dầu vào lửa”.
Đại dịch tàn phá, ngành phim ảnh suy thoái toàn diện
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát liên tiếp, nhiều rạp chiếu phim ở Trung Quốc Đại Lục đã phải đóng cửa. Sự thật đã chứng minh, khi rạp phim đóng cửa, cả ngành không chỉ đối mặt với vấn đề tốt hay xấu, mà là sống hay chết.
Năm 2020, 5.328 công ty phim ảnh ở Trung Quốc bị hủy đăng ký hoặc phá sản, gấp 1,78 lần so với năm trước đó. Nhiều đoàn phim tạm dừng hoạt động, hoãn sáng tác kịch bản, thậm chí có đoàn tuyên bố giải tán vì không chịu nổi áp lực.
Sau đại dịch, ngành phim ảnh vẫn chưa hồi phục. Nhiều người đã thay đổi suy nghĩ, thay vì chi vài chục tệ xem phim, họ thà mua đồ ăn, thức uống hoặc để dành tiền.
Trong bối cảnh này, nhiều diễn viên không có tiếng tăm trở thành “vật hy sinh”, rơi vào cảnh không có phim để đóng. Các công ty phim ảnh ưu tiên ký hợp đồng với những ngôi sao nổi tiếng có lượng fan lớn, vì họ tự mang theo lưu lượng truy cập, giúp tiết kiệm chi phí quảng bá. Dù các diễn viên nổi tiếng vẫn có phim để đóng, thù lao của họ bị cắt giảm gần một nửa. Trong khi đó, diễn viên quần chúng đối mặt với áp lực sinh tồn lớn hơn bao giờ hết.
Nhiều diễn viên nổi tiếng đã bày tỏ sự tiếc nuối. Tạ Đình Phong từng chia sẻ, vào một thời điểm, anh nhận ra nhiều người làm việc trong ngành đột nhiên mất việc, khiến anh cảm thấy rất buồn. Ngay cả những người làm ánh sáng hay thiết kế sân khấu cũng không thể duy trì cuộc sống. Diễn viên Trần Tư Thành cũng cho rằng ngành điện ảnh Trung Quốc rất yếu trong việc chống lại rủi ro.
Năm ngoái, thị trường điện ảnh Trung Quốc chịu thiệt hại chưa từng có, minh chứng rõ nhất là doanh thu phòng vé sụt giảm.
Một số liệu điển hình: trong kỳ nghỉ Giáng sinh năm đó, tổng doanh thu phòng vé trong 2 ngày chỉ đạt 77,24 triệu nhân dân tệ, trong đó doanh thu ngày Giáng sinh chỉ vỏn vẹn 38,46 triệu nhân dân tệ. So với dữ liệu hơn một thập kỷ trước, con số này có thể gọi là “gây sốc”.
Theo dữ liệu từ Tuopu, doanh thu phòng vé cả năm 2024 của Trung Quốc đạt 42,502 tỷ nhân dân tệ, giảm 22,6% so với năm 2023 và giảm 1,277 tỷ nhân dân tệ so với 43,779 tỷ nhân dân tệ của năm 2015.
Trong bối cảnh môi trường kinh tế chung đang suy thoái, ngành “công nghiệp điện ảnh và truyền hình” từng một thời phồn thịnh nay ngày càng trở nên ảm đạm. Nhiều công ty điện ảnh và truyền hình chứng kiến doanh thu sụt giảm đáng kể, một số thậm chí còn đối mặt với nguy cơ phá sản. Vào ngày 1/11/2024, nhóm cổ phiếu ngành điện ảnh và truyền hình đã chịu tổn thất nặng nề, với mức giảm chung đạt 4%. Con số này không chỉ phản ánh sự biến động của thị trường mà còn cho thấy những khó khăn và thách thức mà ngành điện ảnh và truyền hình đang phải đối mặt trong thời kỳ hậu đại dịch.
Từ khóa Điện ảnh Trung Quốc Showbiz Trung Quốc kinh tế Trung quốc Nhân viên giao hàng
