Doanh nhân Đại Lục: Jack Ma ở nước ngoài và đi du lịch là an toàn nhất
- Bình Minh
- •
Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, đã trở về Trung Quốc sau hơn 1 năm sống ở nước ngoài. Một doanh nhân Đại Lục nói rằng Jack Ma ở nước ngoài mới là là sự lựa chọn an toàn nhất, ở Trung Quốc việc kinh doanh càng lớn, ông sẽ càng gặp nguy hiểm.
Trước đó vào thứ Hai (27/3), tin tức về việc Jack Ma trở lại Trung Quốc đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, sau đó được Nam Hoa Tảo Báo, một tờ báo tiếng Anh thuộc sở hữu của Alibaba, xác nhận.
Một số kênh truyền thông trích dẫn các nguồn tin nói rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây áp lực buộc Jack Ma phải trở về Trung Quốc, với hy vọng đảo ngược kỳ vọng của thế giới bên ngoài về sự suy thoái của môi trường kinh doanh tại nước này.
Reuters dẫn lời một nguồn tin nói rằng ông Lý Cường (Li Qiang), Thủ tướng mới của Quốc Vụ viện, đã yêu cầu Jack Ma trở lại Trung Quốc từ cuối năm ngoái. Ông tin rằng điều này sẽ giúp xoa dịu những lo ngại bên ngoài về cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với khu vực tư nhân.
Năm 2020, tỷ phú Jack Ma đã có một bài phát biểu chỉ trích hệ thống quản lý của Trung Quốc, và đây được xem là nguyên nhân khiến Bắc Kinh nhắm mục tiêu vào đế chế Alibaba và ép ông Jack Ma rút lui khỏi các hoạt động công khai.
Vào thời điểm đó, Alibaba phải chịu mức phạt ngất ngưởng 18,23 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỷ USD). Alibaba và Tencent đã bốc hơi hơn 1.000 tỷ đô la giá trị thị trường.
Cuối năm 2021, vị tỷ phú này rời Trung Quốc Đại lục và có mặt trong các bức ảnh tại Nhật Bản, Tây Ban Nha, Úc và Thái Lan.
Doanh nhân: Jack Ma đi du lịch vòng quanh thế giới là an toàn nhất
“Tôi muốn nói rằng doanh nghiệp của chúng tôi càng lớn thì càng nguy hiểm cho chúng tôi”, ông Hồ, người sáng lập một công ty tư nhân cỡ trung bình, nói với Bloomberg.
“Jack Ma nên tiếp tục là nhà lãnh đạo tinh thần của Alibaba và đi khắp thế giới. Đây là sự lựa chọn an toàn nhất.”
Vào tháng 2, giới doanh nhân Trung Quốc và các nhà đầu tư nước ngoài lại một lần nữa bàng hoàng trước sự biến mất của ông trùm công nghệ Trung Quốc Bao Phàm (Bao Fan). Công ty của ông Bao Phàm đã công bố một “thông tin nội bộ” ngắn gọn, rằng ông đang hợp tác với một cuộc điều tra của chính quyền ĐCSTQ.
Ông là một nhà đầu tư, kiêm chủ ngân hàng đầu tư người Trung Quốc, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của China Renaissance. Công ty ông thành lập năm 2005. Năm 2015, ông Bao Phàm được giới thiệu trong danh sách 50 Người có ảnh hưởng nhất trên tạp chí Bloomberg Markets, xếp thứ 22. Tháng 2/2023, ông bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ.
Sự biến mất của ông Bao Phàm đã làm dấy lên mối lo ngại trong giới kinh doanh thượng lưu của Trung Quốc, rằng cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với khu vực tư nhân vẫn chưa kết thúc.
Chính phủ ĐCSTQ thắt chặt quyền kiểm soát Alibaba
Vào tháng 1, một cơ quan Chính phủ Trung Quốc đã mua lại 1% “cổ phiếu vàng” của Alibaba, và nắm quyền kiểm soát nhiều hơn đối với Alibaba.
The Wall Street Journal báo cáo rằng 1% cổ phiếu vàng có thể mang lại cho Chính phủ Trung Quốc sức ảnh hưởng đối với các ghế trong hội đồng quản trị, quyền biểu quyết và các quyết định kinh doanh. ĐCSTQ không cần phải là cổ đông lớn, cũng có thể gắn kết các công ty niêm yết của Trung Quốc với các mục tiêu của ĐCSTQ.
Ông George Magnus, tác giả cuốn sách “Lá cờ đỏ: Vì sao Trung Quốc của Tập Cận Bình gặp rủi ro”, cho biết cổ phiếu vàng tương đương với việc ĐCSTQ tiếp quản các công ty Trung Quốc từ bên trong.
Ông nói: “Cách tiếp cận của chính quyền Bắc Kinh vẫn là ưu tiên cho các tổ chức của đảng và nhà nước,” các công ty tư nhân chỉ có thể phát triển nếu họ “theo đuổi và tôn trọng các mục tiêu và tư tưởng của đảng”.
Ant Financial, công ty con của Alibaba, vẫn đang chuẩn bị niêm yết
Bloomberg dẫn lời một nguồn tin cho biết, Ant Financial, công ty con của Alibaba, vẫn có kế hoạch niêm yết, nhưng không có khả năng hoàn thành IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) trong năm nay.
Cuối năm 2020, Ant Financial đã bắt đầu đếm ngược đến ngày niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Nhưng sau khi đích thân ông Tập Cận Bình ra lệnh, hãng đã từ bỏ kế hoạch gây quỹ niêm yết tiềm năng trị giá hơn 37 tỷ đô la Mỹ.
Ant Financial là công ty tài chính Internet có dòng vốn lớn nhất ở Trung Quốc, bao gồm thanh toán, tiết kiệm, cho vay, bảo hiểm, đầu tư và các dịch vụ khác, với hơn 730 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Ông Tập Cận Bình đã thành lập một cơ quan siêu quản lý để giám sát các tổ chức nắm giữ tài chính, bao gồm Ant Financial, và tiếp tục củng cố quyền lực của mình đối với lĩnh vực tài chính của Trung Quốc.
ĐCSTQ không thể xóa bỏ mối lo ngại của giới kinh doanh
Gần đây, ông Tập Cận Bình và các quan chức thân cận đã nhiều lần nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với khu vực tư nhân, nhưng họ không thể xóa bỏ những nghi ngại của người dân. Các doanh nghiệp không tin vào những lời hứa suông của giới quan chức Trung Quốc.
Jack Ma và Ant Financial từ lâu đã được coi là những người dẫn đường cho khu vực doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc.
Các doanh nhân nói nhỏ với nhau rằng thiếu các chính sách hỗ trợ mới từ chính quyền, và không có sự thay đổi đối với khung pháp lý mới đã đàn áp các công ty tư nhân trước đây.
Ông Christopher Marquis, đồng tác giả cuốn sách “Mao Trạch Đông và thị trường: Nguồn gốc Cộng sản của Doanh nghiệp Trung Quốc” nói với Bloomberg rằng “các doanh nghiệp (Trung Quốc) vẫn nằm dưới sự kiểm soát của đảng.”
Ông nói, mặc dù Bắc Kinh gửi một thông điệp công khai ủng hộ doanh nghiệp, nhưng sự kiểm soát mạnh mẽ của nhà nước và hệ tư tưởng vẫn có thể tác động đến họ.
Từ khóa Jack Ma Mã Vân doanh nghiệp Trung Quốc