Hình ảnh hiếm thấy trước sự kiện Thiên An Môn lại thành tâm điểm
- Trí Đạt
- •
Cộng đồng mạng internet Trung Quốc đã nhiều lần lan truyền một hình ảnh cũ liên quan đến thái độ của ông Giang Trạch Dân thời làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải đối với ông Triệu Tử Dương khi còn đương chức Tổng Bí thư. Hình ảnh với tư thế ngồi thể hiện nổi bật thái độ nô tài của ông Giang Trạch Dân khi cung kính lắng nghe những lời chỉ dạy của ông Triệu Tử Dương.
Theo sách “Sự thực Giang Trạch Dân” tiết lộ, phong trào kháng nghị của sinh viên Trung Quốc năm 1989 ban đầu chỉ có sinh viên tham gia, nhưng bước ngoặc khiến từ phong trào sinh viên chuyển thành phong trào nhân dân là xuất phát từ sự kiện ông Giang Trạch Dân thanh trừng tờ “Diễn giải Kinh tế Thế giới” (Thế giới Kinh tế đạo báo) ở Thượng Hải.
Vào ngày thứ tư sau cái chết của ông Hồ Diệu Bang, các biên tập viên của “Diễn giải Kinh tế Thế giới” đã tổ chức thảo luận để mở chuyên mục tưởng nhớ Hồ Diệu Bang. Khi đó ông Giang Trạch Dân làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải cảm thấy đây chính là mục tiêu, lập tức quyết định xử lý tờ “Diễn giải Kinh tế Thế giới”.
Việc ông Giang Trạch Dân và thân tín xử lý thô bạo tờ “Diễn giải Kinh tế Thế giới” dẫn đến hoạt động biểu tình kháng nghị của đông đảo giới truyền thông Thượng Hải và thậm chí nhiều nơi khác trên toàn quốc. Các nhân vật hàng đầu trong giới trí thức và truyền thông Bắc Kinh đã gọi điện cho ông Giang Trạch Dân yêu cầu thu hồi quyết định xử lý Tổng Biên tập Khâm Bản Lập (Qin Benli).
Sự việc làm ông Giang Trạch Dân sợ hãi. Về việc xử lý thô bạo tờ “Diễn giải Kinh tế Thế giới” dẫn đến hoạt động biểu tình kháng nghị, ông Giang thừa nhận rằng “hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với tôi tưởng tượng”. Có người cáo buộc chính hành vi của Giang đã dẫn đến hoạt động biểu tình quy mô lớn tại Thượng Hải. Thực tế, động thái này không chỉ kích hoạt biểu tình quy mô lớn ở Thượng Hải mà còn ở cả Bắc Kinh.
Buổi tối ngày 27/4, Giang Trạch Dân gọi điện cho ông Lý Duệ (Li Rui), nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương (vị trí thường trực), khi đó là ủy viên Ủy ban Cố vấn Trung ương. Trong cuộc điện thoại hơn 40 phút, Giang khẩn cầu Lý Duệ liên lạc với một số bạn bè tại Bắc Kinh nhờ châm chước giúp đỡ, đồng thời dò hỏi tình hình Bắc Kinh, cũng bày tỏ tâm trạng bản thân với Lý Duệ rằng “không thể chịu đựng được”.
Ngày 30/4, Tổng bí thư Triệu Tử Dương đi thăm Bắc Triều Tiên trở về, ngay đêm đó ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng bay đến Bắc Kinh để báo cáo công việc với Triệu Tử Dương. Sau khi Giang báo cáo công việc đã hỏi Triệu: “Quan điểm của anh trong việc xử lý tờ Diễn giải Kinh tế Thế giới như thế nào?” Khi đó Triệu Tử Dương không trả lời thẳng mà hỏi ngược lại Giang: “Đồng chí nghĩ sao?”
Giang chỉ ấp úng không thể nói cụ thể, Triệu nhìn vào mắt Giang nói: “Bây giờ không có thời gian để nói về vấn đề này.” Giang gần như quỳ xuống, nói giọng như cầu khẩn: “Nếu đồng chí Tử Dương không đưa ra ý kiến, nhiệm vụ của tôi và đồng chí Tăng Khánh Hồng không hoàn thành, thật khó để trở về Thượng Hải bàn giao.”
Vậy là Triệu Tử Dương đành phải nói rõ: “Vấn đề Thành ủy Thượng Hải vội vàng xử lý tờ Diễn giải Kinh tế Thế giới là biến chuyện nhỏ thành lớn, tự mình đi vào ngõ cụt.” Dứt lời Triệu Tử Dương lập tức bỏ đi. Theo lời tiết lộ của người có mặt tại buổi trò chuyện, khi đó Giang đã thẫn thờ nhìn theo hình bóng Triệu Tử Dương rời đi có đến mười phút mà không thốt lên lời.
Sau đó, đến tháng 6/1989 thì Triệu Tử Dương bị mất chức vì quan điểm đồng cảm với phong trào sinh viên và phản đối quyết định đàn áp bằng vũ lực của Đặng Tiểu Bình, sau đó ông bị quản thúc tại gia trong suốt 15 năm. Chiều ngược lại, ông Giang Trạch Dân đã trở thành người được thụ hưởng lớn nhất sau vụ đàn áp Thiên An Môn, vốn dĩ Giang đã chuẩn bị nghỉ hưu sau khi mãn nhiệm Bí thư Thượng Hải nhưng đã được bổ nhiệm vào vị trí trung tâm của hệ thống quyền lực tối cao Trung Quốc.
Hình ảnh Triệu Tử Dương đến Quảng trường Thiên An Môn thăm các sinh viên tuyệt thực đã trở thành bằng chứng lịch sử về tình cảm của Triệu đối với sinh viên. Điều khiến Giang thấy khó chịu nhất là trong mười mấy năm qua, mọi người luôn đăng tải lặp đi lặp lại những hình ảnh về sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6 như để tố cáo con đường leo lên đỉnh cao quyền lực đầy hèn mọn của Giang.
Năm 2002 trước khi Giang giải nhiệm Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, đã đưa ra một số quy tắc cho các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, trong đó có điều không được phép lật lại hồ sơ về Thiên An Môn.
Vì Triệu Tử Dương yêu cầu phải đánh giá lại về sự kiện Thiên An Môn mà bị Giang áp dụng biện pháp trả đũa kiểu trừng phạt là cấm tham gia trong các hoạt động tiếp khách ngoại giao, khiến phạm vi hoạt động của Triệu ngoài nhà ở thì dường như chỉ thu hẹp ở hai nơi: bệnh viện và một sân gôn ở khu vực ngoại ô do một nông dân mở ra.
Nhật báo Apple (Apple Daily) của Hồng Kông từng có nhận định, Triệu Tử Dương chưa bao giờ bị thế nhân lãng quên, và luôn là nỗi lo lắng của cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân. Sau năm 1999, ông Triệu Tử Dương nhiều lần được đề cử giải Nobel Hòa bình, danh tiếng trên quốc tế cũng lớn, càng như cái gai trong mắt ông Giang Trạch Dân, một con người luôn thích khoe mẽ bản thân trước cộng đồng quốc tế.
Việc Giang Trạch Dân giám sát và khống chế gia đình ông Triệu Tử Dương khiến những người trong bộ phận an ninh cảm thấy khó khăn trong ứng xử. Dù vậy, nhưng ông Triệu Tử Dương cũng bị quản thúc tại gia suốt 15 năm cho đến khi ông qua đời vào ngày 17/1/2005.
Đối với hình ảnh thể hiện thái độ nô tài của Giang trước Triệu Tử Dương, ngoại giới từng mô tả ví von: Vương Mãng (45 TCN – 23 SCN, thời nhà Hán) cung kính khi chưa cướp được ngai vàng.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Triệu Tử Dương Sự kiện Lục Tứ Giang Trạch Dân Thảm sát Thiên An Môn