H&M đóng cửa cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc vì sóng gió “bông Tân Cương”
- Dương Thiên Tư
- •
Thương hiệu thời trang giá cả phải chăng H&M của Thụy Điển đã bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp sau khi tuyên bố từ chối sử dụng bông Tân Cương do lo ngại về nhân quyền vào năm ngoái. Vài ngày trước, có thông tin cửa hàng đầu tiên của H&M tại Trung Quốc Đại Lục đã đóng cửa. Theo thống kê, kể từ năm 2021, từ 505 cửa hàng tại đây, H&M đã đóng cửa còn 362 cửa hàng.
Cửa hàng sáng lập đầu tiên của thương hiệu thời trang H&M ở Trung Quốc Đại Lục, nằm ở đường Hoài Hải, khu sản phẩm hạng nhất của Thượng Hải, đã lặng lẽ đóng cửa. Cửa hàng đầu tiên này nằm trong khu thương mại thượng lưu của Thượng Hải, đã hoạt động được 15 năm và có ý nghĩa biểu tượng.
Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông Đại Lục, vào ngày 24/6, cửa hàng H&M tại số 651 đường Hoài Hải, một con phố thương mại truyền thống ở Thượng Hải, đã chính thức đóng cửa, đây là cửa hàng đầu tiên mà H&M mở tại thị trường Trung Quốc Đại Lục vào năm 2006. Về việc này, nhân viên dịch vụ khách hàng của H&M phản hồi: “Việc kinh doanh hiện đang tạm ngừng, và chuẩn bị hoạt động bình thường ở những nơi khác, hiện vẫn đang trong quá trình di dời.”
Từ “giới hạn số lượng mua” khi mới mở cửa đến ế ẩm đóng cửa ngày hôm nay, cửa hàng H&M này gần đây đã kết thúc sự nghiệp kinh doanh kéo dài 15 năm của mình, điều này đã thu hút sự chú ý rộng rãi. Trên thực tế, bị ảnh hưởng bởi sóng gió “bông vải ở Tân Cương” năm ngoái và dịch bệnh ở Thượng Hải năm nay, hoạt động kinh doanh của H&M không còn tốt như trước.
Theo Tuần báo Kinh tế Trung Quốc, sự cố bông Tân Cương năm 2021 là bước ngoặt khiến tình hình kinh doanh của H&M xuống dốc tại thị trường Trung Quốc.
Năm 2021, H&M công khai tuyên bố từ chối sử dụng bông Tân Cương vì các vấn đề nhân quyền như cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Kể từ đó, thương hiệu này đã bị chính quyền Trung Quốc trấn áp vì các lý do như vấn đề chất lượng sản phẩm, và H&M được cho là đã bị phạt ít nhất 8 lần vào năm 2021.
Không chỉ hiệu quả hoạt động của H&M tại Đại Lục sụt giảm do sự cố “bông Tân Cương”, Công ty Hennes & Mauritz (Thượng Hải), công ty chính tại Trung Quốc, cũng bị phạt hành chính 31 lần.
Điều đáng chú ý là hồi tháng 5 năm ngoái, cửa hàng của H&M trên đường Nam Kinh Tây, thành phố Thượng Hải cũng đã thông báo đóng cửa. Kể từ đó, từ nửa cuối năm ngoái đến nay, H&M liên tiếp đóng cửa các cửa hàng tại Trung Quốc. Theo báo cáo tài chính của công ty, tính đến cuối năm ngoái, H&M đã đóng cửa 60 cửa hàng tại Đại Lục, chiếm 12% tổng số cửa hàng.
Theo báo cáo, các cửa hàng H&M trên đường Hoài Hải và đường Tây Nam Kinh ở Thượng Hải là những cửa hàng lớn với diện tích hơn 3.000m2 tại các khu vực phồn hoa của Thượng Hải. Tờ “Thời đại Tài chính Kinh tế” tại Trung Quốc đưa tin, các nhà phân tích ngành bán lẻ Đại Lục đã chỉ ra rằng: “Cửa hàng càng lớn thì càng không thể chèo chống được, chi phí vận hành như tiền thuê mặt bằng, tiền điện nước, nhân viên, quá lớn, nếu không có lưu lượng khách đủ lớn thì càng không thể trụ được lâu. H&M có lẽ cũng như vậy.”
Truyền thông Mỹ Wall Street Journal phân tích, việc cửa hàng H&M đóng cửa lần này là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính sách “phong tỏa thành phố” Thượng Hải gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc và các doanh nghiệp. “Những hạn chế phòng chống dịch bệnh này đã buộc hầu hết người dân Thượng Hải phải ở nhà. Các trung tâm mua sắm và các cửa hàng không thiết yếu đã bị đóng cửa.”
H&M đóng 60 cửa hàng vào năm 2021 và sẽ đóng cửa 240 cửa hàng năm nay
Năm nay, H&M cho biết họ có kế hoạch mở khoảng 95 cửa hàng mới và sẽ đóng cửa khoảng 240 cửa hàng, giảm khoảng 145 cửa hàng.
Báo cáo tài chính năm 2021 của H&M cho thấy, số lượng cửa hàng H&M ở Trung Quốc Đại Lục vào năm 2020 là 505 cửa hàng, vào năm 2021 giảm xuống 445 cửa hàng. Hiện chỉ còn 362 cửa hàng và số lượng cửa hàng đã giảm nhanh chóng. Trong cả năm 2021, số cửa hàng đã đóng cửa là 60 cửa hàng.
Trong năm tài chính 2021, doanh thu của tập đoàn tăng 6% lên 198,967 tỷ SEK (đơn vị tiền tệ của Thụy Điển).
Theo phóng viên Lâm Mẫn Trăn của Đài TVBS Đài Loan: “Cửa hàng hàng đầu của H&M ở Bắc Kinh nằm ở khu thương mại Tam Lý Đồn (Sanlitun), nơi những người trẻ tuổi hay tập trung. Người dân địa phương nói với chúng tôi rằng ngay cả khi có nhiều đợt giảm giá trong 6 tháng qua, nhưng không khí mua sắm vẫn ngày càng tồi tệ hơn, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh gần đây, nên tình hình kinh doanh ngày càng tồi tệ hơn.”
Từ khóa Người Duy Ngô Nhĩ nhân quyền Trung Quốc bông Tân Cương lao động cưỡng bức H&M