Hoa Kỳ công bố báo cáo tự do tôn giáo, kêu gọi trừng phạt nhiều quan chức ĐCSTQ
- Bình Minh
- •
Ngày 25/4, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2022. Báo cáo cho biết tình hình tự do tôn giáo ở Trung Quốc vẫn tiếp tục xấu đi và kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và thực thể Trung Quốc liên quan đến đàn áp tôn giáo.
Báo cáo liệt kê 15 quốc gia, gồm Trung Quốc và Nga, là “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC) vì vi phạm tự do tôn giáo.
“ĐCSTQ đã được tái định nghĩa là một ‘quốc gia cần quan tâm đặc biệt’, theo định nghĩa của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA), dựa trên những vi phạm có hệ thống đang diễn ra nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo”, báo cáo cho biết.
Kể từ năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã được đưa vào danh sách “Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” trong 23 năm liên tiếp.
Pháp Luân Công và những người khác “đặc biệt dễ bị bức hại” bởi ĐCSTQ. Năm ngoái, ít nhất 101 người đã bị bức hại đến chết.
Báo cáo cho biết: “Năm 2021, tình hình tự do tôn giáo ở Trung Quốc còn tồi tệ hơn.” Báo cáo nói rằng Công giáo, Cơ đốc giáo, Phật giáo Tây Tạng, Pháp Luân Công và các nhóm khác vẫn tiếp tục bị ĐCSTQ đàn áp.
“ĐCSTQ tiếp tục thực hiện chính sách ‘tôn giáo mang đặc sắc Trung Quốc’ một cách mạnh mẽ, yêu cầu các nhóm tôn giáo và tín ngưỡng ủng hộ đường lối và hệ tư tưởng của ĐCSTQ”, báo cáo viết.
Ông Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi), Bộ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ, đã tổ chức một cuộc họp “kêu gọi đàn áp ‘các tư tưởng và lực lượng tôn giáo cực đoan’, ‘các hoạt động truyền giáo bất hợp pháp’, ‘các tà giáo’, các hoạt động tôn giáo liên quan đến Đức Đạt Lai Lạt Ma, và ‘các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp trên Internet’.”
Báo cáo đề cập rằng mặc dù (nhà chức trách) Trung Quốc công nhận các nhóm tôn giáo như Phật giáo và Công giáo, nhưng những người mang tín ngưỡng tôn giáo như “Pháp Luân Công” “đặc biệt dễ bị bức hại” ở Trung Quốc.
Pháp Luân Công dạy mọi người thực hành “Chân – Thiện – Nhẫn” trong cuộc sống, giúp các học viên khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. Năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật.
“Chính phủ (ĐCSTQ) thường xuyên sử dụng điều khoản ‘chống tà giáo’ trong Điều 300 của Luật Hình sự Trung Quốc, tiếp tục bức hại các nhóm tôn giáo khác,” báo cáo cho biết.
Báo cáo cũng nói rằng năm ngoái các học viên Pháp Luân Công vẫn tiếp tục bị ĐCSTQ bức hại nghiêm trọng. “Trang web Minghui.org của Pháp Luân Công đã báo cáo rằng năm 2021, chính quyền đã sách nhiễu và bắt giữ hàng ngàn học viên Pháp Luân Công, 892 người bị kết án tù, ít nhất 101 người bị chính quyền (ĐCSTQ) bức hại đến chết.”
Hiện tại, 646 người Trung Quốc có tên trong danh sách những người bị đàn áp vì tự do tín ngưỡng hoặc tôn giáo của USCIRF, trong đó có 208 học viên Pháp Luân Công.
“Các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc là một trong những nhóm dễ bị bức hại nhất”, ông Nury Turkel, Phó Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cho biết.
Ông nói: “USCIRF tiếp tục theo dõi và báo cáo cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Chúng tôi tiếp tục chú ý đến vấn đề bị mổ cướp nội tạng sống của nhóm dễ bị tổn thương này và theo dõi chặt chẽ những bất hạnh của họ.”
Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng học viên Pháp Luân Công và các tín đồ tôn giáo khác ở Trung Quốc sẽ bị bức hại bằng cách cưỡng bức lao động.
“Được an toàn và tự do thực hành đức tin của chúng ta là nền tảng của nền dân chủ Hoa Kỳ và là một quyền cơ bản của con người”, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, cho biết trong một tuyên bố trên video.
“Cuộc đấu trang vì tự do tôn giáo sẽ không bao giờ kết thúc”, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio cho biết trong một tuyên bố trên video.
Ông nói: “Vào cuối năm ngoái, luật bảo vệ lao động nô lệ người Duy Ngô Nhĩ đã có hiệu lực. Các công ty Hoa Kỳ sớm sẽ không thể tiếp tục làm ngơ trước các hoạt động lao động nô lệ của (ĐCSTQ).”
Đề xuất Hoa Kỳ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với ĐCSTQ
Báo cáo khuyến nghị Chính phủ Hoa Kỳ “mở rộng các biện pháp trừng phạt tài chính và thị thực đối với các quan chức và thực thể Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo, đặc biệt là trong Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD), Cục Quản lý Tôn giáo Nhà nước Trung Quốc (SARA), cơ quan an ninh công cộng và an ninh quốc gia Trung Quốc và những nơi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Năm 2021, một số quan chức của ĐCSTQ đã bị Chính phủ Hoa Kỳ công khai trừng phạt vì vi phạm tự do tôn giáo.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ nêu rõ: “Tháng 1/2021, chính quyền Trump đã nhận định ĐCSTQ phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người đối với người Duy Ngô Nhĩ. Vào tháng Ba, chính quyền Biden đã xác nhận nhận định này. Trong cùng tháng, Hoa Kỳ, Canada, Anh và EU cùng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 quan chức của ĐCSTQ ở Tân Cương, là ông Vương Quân Chính (Wang Junzheng) và ông Trần Minh Quốc.”
“Vào tháng Năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt thị thực đối với ông Dư Huy, một quan chức ĐCSTQ có liên quan đến cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công.”
Báo cáo cũng cho biết vào tháng 12/2021, chính quyền Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với cựu Chủ tịch Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và chủ tịch đương nhiệm, đồng thời trừng phạt công ty công nghệ SenseTime của Trung Quốc; cùng tháng, chính quyền Biden cũng tuyên bố tẩy chay Ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.
Báo cáo cũng khuyến nghị Chính phủ Hoa Kỳ: “Làm việc với Liên Hợp Quốc và các quốc gia cùng chí hướng, cùng quy trách nhiệm cho Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) về những vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng, gồm việc thành lập Ủy ban Điều tra của Liên Hợp Quốc, điều tra và xác nhận thủ phạm của tội diệt chủng và các hành động tàn bạo khác ở Tân Cương, cũng như ghi lại các vi phạm nhân quyền tổng thể khác trên khắp Trung Quốc.”
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) được thành lập theo “Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998.”
Đây là một cơ quan chính phủ liên bang độc lập và đa đảng phái của Hoa Kỳ, với 8 thành viên được Tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm, cùng các nhà lãnh đạo của Thượng viện và Hạ viện. Các khuyến nghị của ủy ban này được coi là tiêu chuẩn vàng để đánh giá tự do tôn giáo trong xã hội chính thống của Hoa Kỳ.
Từ khóa Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế Dòng sự kiện Tự do tôn giáo Quốc tế Pháp Luân Công Tự do tôn giáo