Kế hoạch nghìn tỷ của Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực chip bị “mắc cạn”
- Văn Long
- •
Tổng Bí thư Tập Cận Bình của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từng thề chiến thắng trong cuộc cạnh tranh lĩnh vực “công nghệ cốt lõi” với phân bổ hơn nghìn tỷ RMB (nhân dân tệ) thúc đẩy công nghiệp bán dẫn. Theo tin tức mới nhất, kế hoạch đầu tư này đã tạm hoãn do khốn khó kinh tế.
Trước đó Reuters dẫn 3 nguồn tin cho biết chính quyền Bắc Kinh đã lên kế hoạch phân bổ hơn 1000 tỷ RMB trong 5 năm tới, mục tiêu nhằm tài trợ cho các công ty chip Trung Quốc xây dựng, mở rộng hoặc nâng cấp hoạt động sản xuất, lắp ráp, đóng gói và nghiên cứu phát triển, qua đó thúc đẩy khả năng để Trung Quốc có thể độc lập tự chủ trong nghiên cứu và phát triển chip. Các nguồn tin cho biết kế hoạch có thể bắt đầu sớm nhất là vào quý đầu tiên của năm 2023.
Nhưng theo Bloomberg vào ngày 4/1 dẫn nguồn tin từ những người quen thuộc tình hình nói rằng các quan chức ĐCSTQ gần đây đã thảo luận về việc có nên cung cấp thêm ưu đãi cho các công ty bán dẫn hay không. Qua đó, nhiều người cho rằng điều kiện Trung Quốc lúc này khó huy động được số vốn lớn vì vài năm qua đã tập trung khoản tiền khổng lồ để chống đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán). Dù vậy vẫn có ý kiến ủng hộ việc tiếp tục thúc đẩy các ưu đãi lên tới 1000 tỷ RMB, nhưng các nhà hoạch định chính sách đã không còn hứng thú đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Chính quyền các cấp ở Trung Quốc đã đẩy thâm hụt ngân sách lên mức kỷ lục vào năm ngoái trong bối cảnh doanh thu thuế giảm, phí chuyển nhượng đất thuộc sở hữu nhà nước giảm, và tăng chi tiêu cho dịch bệnh như xét nghiệm axit nucleic thường xuyên. Nguồn tin cũng chỉ ra nhà chức trách Trung Quốc đang tìm kiếm những cách khác để trợ giúp các hãng chip bản địa, theo đó kế hoạch mới là yêu cầu các nhà cung cấp vật liệu bán dẫn bản địa giảm giá để hỗ trợ.
Bloomberg chỉ ra động thái này sẽ đánh dấu thay đổi trong thái độ của Bắc Kinh trong kế hoạch thách thức vị thế ngành chip của Mỹ và duy trì ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Vấn đề làm nổi bật tình trạng bất ổn kinh tế của Trung Quốc đang cản trở tham vọng chip của họ. Đây là đòn giáng vào sứ mệnh chiến lược chất bán dẫn của ông Tập Cận Bình, có thể tác động mạnh đến các lĩnh vực quan trọng từ quân sự đến công nghệ… của nước này.
Hiện không rõ những chính sách chip nào mà Bắc Kinh đang xem xét sẽ rút lại, đặc biệt liệu cuối cùng họ có quyết định từ bỏ khoản đầu tư khổng lồ đã thúc đẩy sản xuất trong vài thập kỷ qua hay không. Dĩ nhiên, họ vẫn có thể quyết định chuyển hướng nguồn lực từ các khu vực khác để tài trợ cho các nhà sản xuất chip.
Theo Bloomberg, điều khiến ông Tập Cận Bình đau đầu là hàng chục tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp chip trong thập kỷ qua đã không đạt được bước đột phá nào giúp Trung Quốc có thể cạnh tranh với Mỹ. Trên thực tế, hai trong số các công ty bán dẫn tiên tiến nhất của Trung Quốc là SMIC và YMTC đều đã trong cảnh tê liệt bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.
- Vì sao SMIC khó sản xuất chip cao cấp quy trình 7nm?
- TT Biden liệt YMTC của Trung Quốc vào danh sách đen, chèn ép ngành chip AI
Năm 2022, ĐCSTQ đã thúc đẩy điều tra chống tham nhũng đối với ngành công nghiệp chip, đổ lỗi cho tham nhũng là nguyên nhân gây lãng phí và đầu tư không hiệu quả vào ngành công nghiệp bán dẫn này. Nguồn tin được cho là nắm rõ vấn đề cho biết, kết quả là Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia Trung Quốc (Quỹ Lớn) có thể mất vị trí chi phối.
Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình nhấn mạnh tại Đại hội thứ 20 tổ chức vào tháng 1/2022 rằng Trung Quốc phải đạt độc lập tự chủ về công nghệ, qua đó thề sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực “công nghệ cốt lõi”.
Nhưng vào tháng trước, Đài VOA (Mỹ) đưa tin rằng các cách làm tương tự trước đây của ĐCSTQ trong lĩnh vực này không mang lại cơ hội lạc quan cho ông Tập để giành chiến thắng trong một cuộc cạnh tranh công nghệ mới. Vài thập niên qua, ĐCSTQ cũng đã thực hiện nhiều kế hoạch “sản xuất chip” thông qua đầu tư vốn lớn nhằm đạt được những bước đột phá, nhưng hết lần này đến lần khác các công ty được gọi là “hãng chip” của Trung Quốc thay nhau phá sản sau khi tiêu hết nguồn vốn công tài trợ, cuối cùng bỏ lại dự án dang dở.
Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã chi hơn 300 tỷ USD cho nhập khẩu chip, kể từ đó con số đầu tư này không ngừng tăng, cho đến năm 2021 đã lên đến khoảng 440 tỷ USD. Gần đây, chi phí nhập khẩu chip hàng năm của Trung Quốc đã vượt qua dầu mỏ trở thành mặt hàng nhập khẩu chiếm dụng lớn nhất tại nước này.
Từ khóa Dòng sự kiện sản xuất chip chip Trung Quốc Ngành chip Trung Quốc công ty chip Trung Quốc