Mao Tân Vũ gây chú ý khi xuất hiện trở lại trong vai trò mới
- Tuyết Mai
- •
Vừa qua, ông Mao Tân Vũ, cháu trai cố lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông xuất hiện trong vai trò mới là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến tranh thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc. Việc ông Mao Tân Vũ xuất hiện đã gián tiếp làm rõ những tin đồn liên quan cho rằng ông tử nạn tại Bắc Triều Tiên. Ngày 6/5, khi truyền thông Trung Quốc đưa tin về sự xuất hiện của ông Mao Tân Vũ đã đồng thời đưa tin về hoạt động tái cơ cấu Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc.
Ông Mao Tân Vũ, cháu nội cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông (Ảnh: Getty Images)
Vấn đề tái cơ cấu Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc
Tuy nhiên trước đó (ngày 4/5), trang web của Công ty Công nghiệp Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc đã công khai thông tin về sự xuất hiện của ông Mao Tân Vũ. Theo thông tin, Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Nghiên cứu Chiến tranh (trong đó có ông Mao Tân Vũ) cùng các chuyên gia đến thăm quan các phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu Hệ thống công trình Công tác đóng tàu Trung Quốc. Hai bên đã tổ chức một hội thảo về đổi mới hợp tác. Bản tin còn kèm một bức ảnh chụp chung giữa mọi người và ông Mao Tân Vũ.
Sự xuất hiện của ông Mao Tân Vũ làm sáng tỏ thông tin liên quan cho rằng ông ta bị tử nạn tại Bắc Triều Tiên trong một tai nạn xe hơi nghiêm trọng khi đến Bắc Triều Tiên vào ngày 22/4. Ngoài ra, thông tin còn thu hút sự chú ý liên quan đến thông tin kèm theo là vấn đề tái cơ cấu Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc.
Tháng Bẩy năm ngoái Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc đã có điều chỉnh tổ chức, trước đó vào vào năm mới 2017 cơ quan này cũng đã bị giáng cấp bậc. Chính ủy của Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc hiện nay là Trung tướng Phương Hướng (Fangxiang), và Viện trưởng là Trung tướng Dương Học Quân (Yang Xuejun).
Theo tờ Thanh niên Bắc Kinh đưa tin vào ngày 06/5, sau khi điều chỉnh cơ cấu lại tổ chức, Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc đã thành lập 8 Viện Nghiên cứu, bao gồm: Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Hệ thống, Học viện Kỹ thuật Quốc phòng, Viện Công tác Chính trị Quân sự, Học viện Quân y, Viện Nghiên cứu Pháp chế Quân sự, Viện Nghiên cứu Đổi mới Khoa học – Công nghệ quốc phòng, Viện Hóa học quốc phòng.
Về chức năng nhiệm vụ, Viện Nghiên cứu Chiến tranh phụ trách về nghiên cứu chiến lược xây dựng quân đội và dữ liệu lớn về chiến tranh, nghiên cứu nền tảng phần mềm và hệ thống thông tin phục vụ chiến tranh. Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Quốc phòng chịu trách nhiệm nghiên cứu khoa học, khảo sát thiết kế và đánh giá kỹ thuật các dự án quốc phòng và các dự án phòng không dân dụng. Viện Công tác chính trị của Quân đội có trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển sáng tạo trong công tác chính trị quân đội. Viện Kỹ thuật Hệ thống chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ như phát triển thông tin mạng, công nghệ hậu cần, xây dựng hệ thống thiết bị và nghiên cứu công nghệ quân sự cơ bản.
Theo thông tin, trong 8 viện nghiên cứu nêu trên có rất nhiều học giả của Học viện Khoa học Trung Quốc hoặc Học viện Kỹ thuật Trung Quốc. Chẳng hạn như thành viên Viện Quân y bao gồm cả Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc Tôn Mạn Tế (Sun Manji), là người có kinh nghiệm nghiên cứu công tác y tế trong chấn thương do vũ khí đặc biệt thời chiến, đã được giải thưởng hạng nhất về tiến bộ khoa học và công nghệ quốc gia của Trung Quốc trong lĩnh vực y học.
Lần đầu tiên xuất hiện trong vai trò mới
Tờ Thanh niên Bắc Kinh đưa tin, ông Mao Tân Vũ xuất hiện trong vai trò là Phó Viện trưởng đương nhiệm của Viện Nghiên cứu Chiến tranh. Riêng việc công khai thông tin tập thể nhiều thành viên Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Nghiên cứu Chiến tranh như lần này được cho là động thái hiếm thấy. Các thành viên ban lãnh đạo của các viện khác chỉ công khai một phần, như Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Hệ thống Vương Khánh Tôn (Wang Qingzong), Chính ủy là Tôn Kiến Tân (Sun Jianxin); Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quốc phòng là Vệ Đông (Weidong), Chính ủy là Lý Tuyền (Li Quan); Viện Nghiên cứu Quân sự Chính trị có Viện trưởng là Thẩm Chí Hoa (Shen Zhihua), Viện phó là Trương Minh Thương (Zhang Minhcang)…
Theo thông tin công khai, ông Mao Tân Vũ sinh năm 1970, năm 1988 đã được cử đi học tại Khoa Lịch sử của Đại học Nhân dân Trung Quốc, chuyên nghiên cứu “Tư tưởng Mao Trạch Đông” và lịch sử triều Minh, tốt nghiệp vào tháng 7/1992. Vào tháng Chín cùng năm ông ta được cử đi học Thạc sĩ Khoa Lý luận của Trường Đảng Trung ương và lấy được bằng Thạc sĩ năm 1995. Năm 2000, ông Mao Tân Vũ theo học Tến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc, trong cùng thời điểm được gia nhập quân đội Trung Quốc, chuyên phụ trách nghiên cứu lý thuyết chiến lược quân sự và “Tư tưởng quân sự của Mao Trạch Đông”. Ông Mao Tân Vũ tốt nghiệp Tiến sĩ tháng 7/2003. Vào tháng 7/2008, ông Mao Tân Vũ nhậm chức Phó trưởng Ban Chiến lược của Học viện Khoa học Quân sự. Ông được cho là nhờ vào “thân thế đặc biệt” mà được thăng hàm Thiếu tướng vào năm 2010, cũng là Thiếu tướng đầu tiên của đảng Cộng sản Trung Quốc thuộc thế hệ sinh sau 1970.
Kể từ Đại hội 19 đến nay, ông Mao Tân Vũ liên tiếp mất đi một số chức vụ quan trọng, tháng Chín năm ngoái đã không được tái đắc cử đại biểu Đại hội 19, tháng Mười Hai bị mất chức Chủ tịch Hội đồng Khóa 5 của Hiệp hội Nghệ thuật quạt tay Trung Quốc. Vào tháng Giêng năm nay ông Mao Tân Vũ tiếp tục bị mất chức Ủy viên Chính hiệp toàn quốc.
Với sự xuất hiện trở lại vào ngày 4/5 vừa qua khi trở về tế tổ tại Thiều Sơn tỉnh Hồ Nam (sau tin đồn gặp nạn tại Bắc Triều Tiên), lần đầu tiên ông Mao Tân Vũ xuất hiện với thân phận mới là “Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến tranh Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc”.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa cháu nội Mao Trạch Đông Mao Trạch Đông Mao Tân Vũ