Nghi vấn trong thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc
- Tiểu Quỳ
- •
Mới đây, có thông tin rằng Trung Quốc đã có vắc-xin viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) và đang được thử nghiệm lâm sàng. Thời báo Tự Do (The Liberty Times) tại Đài Loan dẫn thông tin cho biết người tham gia thử nghiệm phải ký “thỏa thuận bảo mật” trước khi nhận tiêm vắc-xin. Thông tin gây nhiều tranh luận trái chiều, chất vấn tính minh bạch của hoạt động cũng như ý đồ của cơ quan chức năng Trung Quốc.
Tiếng nói nước Pháp (RFI) dẫn nguồn tin cho biết, vắc-xin viêm phổi Vũ Hán do một công ty dược phẩm Trung Quốc phát triển đã bước vào thử nghiệm lâm sàng và sẽ được tung ra thị trường vào mùa thu hoặc mùa đông sắp tới. Có người phụ trách trong công ty này tiết lộ, hiện nay, Bắc Kinh đã tiêm vắc-xin trên phạm vi nhỏ tại một số khu vực, hầu hết những người tiêm vắc-xin thuộc một nhóm cụ thể, bao gồm nhân viên công ty và nhân viên y tế chuyên nghiệp của các doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị cho ra nước ngoài thường trú, người tham gia phải ký “Thỏa thuận bảo mật” không được để lộ thông tin. Công ty sẽ trả trước 1.000 nhân dân tệ cho người tham gia.
Người phụ trách nói trên cũng cung cấp hình ảnh “Bản Đồng thuận có Ý thức” (Informed Consent Form) cho thấy vắc-xin này được phát triển bởi “Công ty TNHH Nghiên cứu Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh” để ngừa virus corona mới, đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc phê duyệt để nghiên cứu lâm sàng, và đã qua Viện Nghiên cứu Giám định Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc chứng nhận tiêu chuẩn. Tuy nhiên, thông tin này chưa được nhà cầm quyền Trung Quốc chính thức thừa nhận.
Người này cũng cho biết không cảm thấy gì sau khi tiêm mũi đầu tiên, nhưng một số đồng nghiệp của anh ta nói rằng sau khi tiêm cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, một số khác thì bị sốt.
Việc phải ký “thỏa thuận bảo mật” tiêm ngừa đã gây ra nhiều tranh cãi, trong đó có người chỉ trích rằng những người tham gia thử nghiệm vắc-xin đã trở thành “chuột bạch”.
Ông Lý Đôn Hậu (Li Dunhou), cựu giáo sư Viện Y tế Cộng đồng Đại học Harvard chỉ ra, điều kiện tiên quyết để tiêm thử nghiệm vắc-xin là phải được sự đồng ý thực sự của người tham gia, đó phải là dựa trên sự tự nguyện thực sự, không phải bị ép buộc tự nguyện. “Là nhân viên của những công ty này, bạn có thể không tự nguyện?”
Đồng quan điểm, Bà Hà Phương Mỹ (He Fangmei) người sáng lập nhóm bảo vệ quyền lợi “Ngôi nhà vắc-xin cho bé”, là người có thành viên gia đình có trẻ là nạn nhân của vắc-xin ở Hà Nam cho biết, điều bà lo lắng nhất là sự minh bạch của thông tin vắc-xin ở Trung Quốc. Bà nói: “Lo lắng lớn nhất của tôi là sự mù mờ của thông tin. Chúng tôi không thể hiểu được tác dụng phụ của vắc-xin, không biết các thỏa thuận bảo mật của những người tiêm vắc-xin này có nội dung gì?” Nếu vắc-xin không hiệu quả hoặc có vấn đề, quan chức có thể dễ dàng che đậy sự thật?
Bất thường tình hình vắc-xin Trung Quốc
Hãng tin AP (Pháp) từng dẫn nguồn tin cho biết, gần đây một công ty con của “Tập đoàn luyện kim Trung Quốc” (China Metallurgical Group Corporation) đã thông báo với Chính phủ Papua New Guinea rằng 48 nhân viên của họ đã được tiêm phòng trước khi trở lại làm việc, nếu việc kiểm tra khi nhập cảnh cho kết quả dương tính thì đó là phản ứng bình thường sau khi tiêm phòng chứ không phải là do bị nhiễm virus. Tuy nhiên, Chính phủ Papua New Guinea không tin tưởng nên yêu cầu Trung Quốc lập tức đưa ra lời giải thích, đồng thời ngăn một máy bay thuê chở hơn 100 nhân viên Trung Quốc hạ cánh xuống nước này.
Hiện nay trên thế giới chưa có vắc-xin nào hoàn thành tất cả các giai đoạn thử nghiệm. Hầu hết các nước đang trì trệ trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vắc-xin giai đoạn III do quy mô giai đoạn này quá lớn, cần ít nhất 20.000 đến 40.000 tình nguyện viên.
Nhưng hồi cuối tháng 6 năm nay, cơ quan chức năng Trung Quốc đã chính thức thông báo rằng vắc-xin viêm phổi Vũ Hán “Ad5-nCoV” do nhóm nghiên cứu Trần Vi (Chen Wei) của Học viện Khoa học Quân sự và Công ty Công nghệ sinh học CanSino hợp tác phát triển, đã được Quân ủy Trung ương phê duyệt và có thể bỏ qua thử nghiệm giai đoạn ba thông thường, có thể trực tiếp tiêm phòng cho binh lính. Trong khi nhà khoa học Dương Hiểu Minh (Yang Xiaoming) – chủ tịch Tập đoàn Sinopharm Công nghệ sinh học Trung Quốc và là nhà khoa học chính của dự án vắc-xin quốc gia “kế hoạch 863” thì cho biết, ngày 23/6 tập đoàn này đã khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba đối với vắc-xin viêm phổi Vũ Hán ở Bắc Kinh, Vũ Hán và Abu Dhabi (UAE), đã có 20.000 người được tiêm vắc-xin.
Sau đó, vào ngày 22/8 cơ quan chức năng Trung Quốc thừa nhận rằng ngày 22/7 Trung Quốc đã chính thức triển khai việc sử dụng khẩn cấp vắc-xin viêm phổi Vũ Hán.
Tiểu Quỳ
Từ khóa Dòng sự kiện virus corona viêm phổi Vũ Hán COVID-19 Vắc xin COVID-19 Vắc-xin viêm phổi Vũ Hán Vắc-xin virus corona