Ông Tập phát biểu hơn 10 chữ tại lễ thông xe cầu vượt biển dài nhất thế giới
- Trí Đạt
- •
Ngày 23/10, lễ thông xe cây cầu vượt biển dài nhất thế giới nối liền Chu Hải thuộc Trung Quốc Đại lục với Hồng Kông và Macau đã diễn ra, và sẽ chính thức thông xe vào ngày 24/10. Ông Tập Cận Bình có tới tham dự buổi lễ, nhưng điều khiến nhiều người bất ngờ đó là phát biểu ngắn gọn chỉ hơn 10 chữ của ông Tập, sau đó ông nhanh chóng bước xuống, việc này khiến giới quan sát có nhiều đồn đoán.
Ông Tập Cận Bình xuất hiện khá kín tiếng
9 giờ sáng ngày 23/10, lễ thông xe cầu Hồng Kông-Chu Hải-Macau được tiến hành, dư luận ban đầu dự đoán ông Tập sẽ tới và phát biểu liên quan đến 40 năm “cải cách mở cửa”, tuy nhiên ngoài một câu ngắn gọn “Tôi tuyên bố chính thức thông xe cầu Hồng Kông-Chu Hải-Macau”, ông Tập không phát biểu thêm gì nữa.
Theo Đài BBC phân tích, ông Tập Cận Bình không phát biểu công khai là muốn “giữ thấp giọng” ở một mức độ nhất định. Bởi vì, Trung Quốc đang đối mặt với nhiều áp lực, bên ngoài thì có chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, trong nước thì có tiếng nói phản đối về phương diện kinh tế, rồi chuyện Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương tại Macau nhảy lầu tự tử hôm 20/10, cho đến chuyện phe phản đối ở Hồng Kông lên án cây cầu Hồng Kông-Chu Hải-Macau là “công trình đại bạch tượng” (chỉ công trình đắt đỏ tiêu tốn nhiều tiền của).
Sau sự kiện này, chỉ có Tân Hoa Xã đăng bài viết nhắc đến việc sau buổi lễ ông Tập Cận Bình tuần lãm qua cầu.
Nhà bình luận thời sự chính trị Lưu Nhuệ Thiệu phân tích, do phía chính quyền Trung Quốc gọi cây cầu Hồng Kông-Chu Hải-Macau này là công trình đẳng cấp thế giới, nếu ông Tập Cận Bình không đến, người ta sẽ nghĩ ông thất thế. Còn về việc ông Tập Cận Bình không phát biểu, ông Lưu đoán là vì “dù nói gì đi nữa, từ hiệu quả khách quan mà nói, đều không như ông [Tập Cận Bình] nghĩ”.
Ảnh từ Getty Images
Thực tế, cầu Hồng Kông-Chu Hải-Macau từ lâu đã khiến cho người Hồng Kông có nhiều tranh cãi.
Tờ HK01 tại Hồng Kông tiết lộ, toàn bộ công trình không chỉ tiêu tốn hàng chục tỷ Đô la Mỹ, mà sau đó còn có thông tin vạch trần đây là công trình chất lượng kém, thậm chí theo dự tính là thông xe năm 2016, kết quả là sau 2 năm nữa mới được thông xe. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng cầu, có hàng trăm công nhân bị thương, và 20 công nhân tử vong.
Tuy nhiên, chính quyền lại nói, câu cầu này là cơ sở hạ tầng cho khu vùng vịnh lớn (Greater Bay Area), có thể đem đến lợi ích kinh tế cho vùng này lên đến 10 nghìn tỷ Nhân dân Tệ, thời gian đi từ Chu Hải đến Hồng Kông rút ngắn từ 3 tiếng đồng hồ xuống còn 30 phút.
Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng phát biểu cho biết, trong 1 năm, Hồng Kông đã hoàn thành 3 công trình cơ sở hạ tầng lớn xuyên biên giới, trong đó có đường sắt cao tốc Quảng Châu-Thâm Quyến-Hồng Kông, cầu Hồng Kông-Chu Hải-Macau và Cảng Liên Đường sẽ được mở cửa vào đầu năm tới, không chỉ rút ngắn thời gian đi lại, nối gần khoảng cách 2 nơi, mà còn “nối liền nhịp sống các vùng trong một tiếng đồng hồ”.
Trưởng Đặc khu hành chính Macau Thôi Thế An cũng cho biết, về mặt chính trị, cầu Hồng Kông-Chu Hải-Macau thực hiện “một nước 2 chế độ”, là công trình mà 3 khu vực cùng bàn bạc giải quyết các vấn đề phát sinh; về mặt kinh tế, 3 khu vực lần đầu tiên thực hiện “không có chướng ngại trên đường bộ”, có thể giúp cho khu vùng vịnh phát triển tốt hơn nữa.
Nhiều tranh cãi
Tuy nhiên, tiếng nói của nhà cầm quyền lại không khớp với người dân.
Trên mạng xã hội, người dân chỉ trích công trình này tiêu tốn tiền thuế mà người Hồng Kông đã nộp, nhưng cuối cùng người được lợi lại chỉ là một nhóm nhỏ người.
Đài phát thanh Đức (Deutsche Welle) cũng đưa tin, chính phủ Hồng Kông đã bỏ ra 15,3 tỷ USD trong tổng kinh phí xây cầu khoảng 20 tỷ USD, nhưng người chịu trách nhiệm chi tiền là người dân Hồng Kông lại không thể sử dụng công trình này bất cứ lúc nào. Họ cần phải xin giấy phép của chính phủ, nếu không chỉ có thể ngồi xe du lịch và xe khách qua cầu. Bên cạnh đó, đoạn cầu thuộc phạm vi của Trung Quốc Đại lục phải chấp hành theo luật pháp Trung Quốc.
Kỹ sư Lê Quảng Đức (Li Guangde) thuộc Liên hiệp Công đoàn Hồng Kông chia sẻ với Hãng thông tấn Đức (DAP), cầu Hồng Kông-Chu Hải-Macau do chính quyền Trung Quốc làm chủ đạo, chính phủ Hồng Kông không có nhiều quyền lên tiếng, “chính quyền Trung Quốc và cơ quan quản lý cầu chưa từng giải thích cho đại chúng về những nghi ngờ đối với công trình. Cách làm của họ rất khác, độ minh bạch rất thấp, điều này không đúng với kỳ vọng của người Hồng Kông.”
“‘Nối liền nhịp sống các vùng trong một tiếng đồng hồ’ thực ra có rất nhiều lựa chọn”, Ủy viên Ủy ban lập pháp Hồng Kông Trần Thục Trang cho biết, “nếu cố ý dùng một số liên kết cứng, thực ra không bằng nhìn lại một chút sự phát triển trong lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ của Hồng Kông, [nếu như] phát triển tốt, liên kết sẽ càng cụ thể hơn, sẽ không sợ bị gạt ra rìa.”
Bà đặt vấn đề, người Hồng Kông không nhất định là phải thường xuyên dùng lối đi này, lợi ích kinh tế của mạng lưới giao thông này có thể được các nhà chức trách đánh giá quá cao.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Cầu Hồng Kông-Chu Hải-Macau cầu vượt biển dài nhất thế giới