Chế độ cộng sản ở Trung Quốc đang tiến hành một “chiến dịch đàn áp chưa từng có” chống lại giới báo chí, theo báo cáo của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF).

Screen Shot 2021 12 09 at 6.02.29 PM
Trang bìa báo cáo của RSF về tự do báo chí ở Trung Quốc – Ảnh chụp màn hình.

Ít nhất 127 phóng viên hiện đang bị giam giữ ở Trung Quốc – quốc gia được RSF gọi là “Kẻ bắt giữ các nhà báo lớn nhất thế giới”, nhóm vận động báo chí cho biết trong báo cáo mới nhất được công bố vào ngày 7/12.

Báo cáo có tiêu đề “Bước thụt lùi lớn của ngành báo chí ở Trung Quốc” chỉ ra rằng chế độ này coi báo chí như một công cụ tuyên truyền của nhà nước, thay vì cung cấp thông tin cho công chúng.

Đảng Cộng sản đã biến Trung Quốc trở thành một mô hình xã hội trong đó “tự do truy cập thông tin đã trở thành tội ác và cung cấp thông tin còn là tội ác lớn hơn”, tổ chức có trụ sở tại Paris cho biết.

“Số lượng các chủ đề cấm kỵ tiếp tục tăng lên,” báo cáo viết. “Không chỉ những đề tài thường được coi là “nhạy cảm” như Tây Tạng, Đài Loan hoặc tham nhũng phải chịu sự kiểm duyệt, mà cả những thảm họa thiên nhiên, phong trào #MeToo hoặc thậm chí sự công nhận của các chuyên gia y tế trong cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng bị kiểm duyệt.”

RSF cho biết những người đưa ra các chủ đề nhạy cảm hoặc từ chối báo cáo theo như chỉ đạo phải đối mặt với sự đe dọa, sách nhiễu và bị giam giữ trong nhiều năm “trong các nhà tù không hợp vệ sinh, bị đối xử tàn tệ và có thể dẫn đến cái chết”.

Trong số các nhà báo bị đàn áp có Zhang Zhan (Trương Triển), một cựu luật sư đã trở thành nhà báo, người đang thụ án 4 năm sau song sắt vì đã sớm đưa tin về đợt bùng phát COVID-19 ở Vũ Hán. 

Bà Zhang, 39 tuổi, đã đến Vũ Hán vào tháng 2 để ghi lại những cảnh hỗn loạn diễn ra tại tâm chấn của đại dịch trong đợt phong tỏa đầu tiên ở đây. Bà đã tường thuật lại chi tiết các chuyến thăm và các cuộc phỏng vấn được thực hiện tại các bệnh viện, trung tâm cách ly và Viện Virus học Vũ Hán. Hàng chục video chấn động của bà đã được tải lên YouTube trên điện thoại di động, đối lập lại trước tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rằng dịch bệnh đã được kiểm soát.

Sau đó, bà bị buộc tội “nhiễu sự và gây rối”, một cáo buộc thường xuyên của chính quyền đối với những người bất đồng chính kiến và những người tố giác.

Báo cáo dài 42 trang nêu bật những khó khăn khác mà các phóng viên làm việc cho các hãng tin quốc tế phải đối mặt.

RSF cho biết, để gia hạn thẻ báo chí, các nhà báo nước ngoài phải tải xuống một ứng dụng để nghiên cứu tư tưởng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Báo cáo đề cập rằng “Sự đe dọa của Trung Quốc đối với các phóng viên nước ngoài, dựa trên hoạt động giám sát và hăm dọa thị thực, đã buộc 18 người trong số họ phải rời khỏi đất nước vào năm 2020”.

Một nhân viên người Trung Quốc tại văn phòng Bắc Kinh của Bloomberg, Fan Haze, đã bị bắt giam từ tháng 12 năm ngoái. Cô đã bị cảnh sát mặc thường phục đưa khỏi nhà của mình ở Bắc Kinh với cáo buộc gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Các nhà báo của BBC và Los Angeles Times, và Dutsche Welle đã phải chịu sự quấy rối vì đưa tin về hậu quả của trận lụt ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc hồi đầu năm nay. Báo cáo của RSF ghi nhận các cuộc tấn công được khuyến khích bởi Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc.

RSF cũng chỉ ra rằng cuộc đàn áp của Bắc Kinh còn lan đến Hồng Kông. Thuộc địa cũ của Anh từng là trung tâm truyền thông cho các hãng truyền thông quốc tế ở châu Á, nhưng hiện nay ngày càng có nhiều nhà báo vào tù do hậu quả của việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia vào tháng 6 năm 2020.

Các phóng viên ở Hồng Kông cũng phải đối mặt với bạo lực thể xác như đánh đập của cảnh sát và các cuộc tấn công của đám đông do các phe phái thân Bắc Kinh hậu thuẫn, RSF cho biết.

Một phóng viên của The Epoch Times ở Hồng Kông vào tháng 5 đã bị một người đàn ông không rõ danh tính tấn công bằng thanh kim loại gần căn hộ của cô.

Các cơ sở của The Epoch Times ở Hồng Kông cũng đã nhiều lần bị tấn công. Cơ sở in của tòa báo đã bị 4 kẻ xâm nhập đập phá bằng búa chỉ riêng trong tháng Tư. Trước đó chưa đầy hai năm, xưởng in này đã bị đốt cháy bởi bốn kẻ đeo mặt nạ.

RSF xếp Trung Quốc đứng thứ 177/180 trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021, “chỉ cao hơn Triều Tiên hai bậc, một quốc gia mà báo chí đồng nghĩa với tuyên truyền của nhà nước”.

Đông A dịch (theo The Epoch Times)

Xem thêm: