Thủ tướng Lý Cường đã vắng mặt tại Đại hội Công đoàn lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), khai mạc ở Bắc Kinh sáng ngày 9/10. Điều này được giới quan sát cho là tín hiệu “có vấn đề” đối với quan chức số 2 này của Trung Quốc.

Ly Cuong image
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. (Ảnh chụp màn hình video)

Về vấn đề bất thường trong 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị chỉ vắng mặt ông Thủ tướng Lý Cường, truyền thông nhà nước Trung Quốc giải thích rằng hôm đó ông Lý Cường bận đi công tác ở Chiết Giang. Gọi là “có vấn đề” vì trong các đại hội công đoàn của ĐCSTQ trước đây, thường thấy tất cả các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đều tham dự. Ngoài ra, sự kiện này trùng với bê bối gần đây khi gia đình ông Lý Cường bị phanh phui “tấm màn đen” vơ vét thao túng của cải. Do đó, nhiều phân tích cho rằng đây là một dấu hiệu khác cho thấy ông Lý Cường đang thất thế.

Theo Tân Hoa Xã của ĐCSTQ, ngày 9/10 Trung Quốc tổ chức Đại hội Công đoàn lần thứ 18, theo đó toàn bộ thành viên Bộ Chính trị gồm các ông Tập Cận Bình, Triệu Lạc Tế, Vương Hộ Ninh, Đinh Tiết Tường, Lý Hy… đã tham dự. Người đọc diễn văn khai mạc là ông Thái Kỳ – Bí thư thứ Nhất Ban Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng Bí thư.

Theo truyền thông ĐCSTQ, ông Thủ tướng Lý Cường vắng mặt vì bận đi công tác ở Chiết Giang từ ngày 7 – 9/10. Chiều 8/10, ông Lý Cường gặp Thủ tướng Aripov của Uzbekistan tại Hàng Châu, ông Aripov đến Trung Quốc dự lễ bế mạc Đại hội thể thao châu Á (Asian Games).

Công luận Trung Quốc phổ biến cho rằng Công đoàn của ĐCSTQ là tổ chức “miếu thờ” trong hệ thống chính trị của họ, nhưng ĐCSTQ rất coi trọng do họ đại diện cho hàng trăm triệu nhân viên doanh nghiệp và có ảnh hưởng lớn đến tính hợp pháp của ĐCSTQ, thường thấy các đại hội công đoàn (5 năm một lần) đều có sự tham gia của các ủy viên Bộ Chính trị.

Tại hội nghị này, việc trong số 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị chỉ có Thủ tướng Lý Cường vắng mặt, đã thu hút sự chú ý.

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) tại Mỹ phân tích rằng bản thân Công đoàn Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với nhà cầm quyền. Công đoàn ĐCSTQ là một trong những tổ chức mang tính quần chúng, tuy nhiên Điều 9 về chức năng của nó là “thực hiện các công việc khác do Trung ương Đảng và Chính phủ giao”, nên việc ông Thủ tướng Lý Cường không tham dự hội nghị quan trọng này cho thấy “hiện tượng lạ”.

Ông Lý Lâm Nhất cho biết, gần đây liên tục có những tin đồn tiêu cực về ông Lý Cường, việc ông Lý vắng mặt tại Đại hội Công đoàn này cho thấy thêm dấu hiệu khả năng quan chức này bị “thất thế”. Nhìn chung hiện nay, thế của ông Thái Kỳ mạnh hơn ông Lý Cường rất nhiều, có lẽ với bản chất đa nghi của ông Tập Cận Bình thì hiện nay ông Lý có thể đã là mục tiêu.

Tương tự, một nhà bình luận chính trị khác người Hoa tại Mỹ là ông Trần Phá Không (Chen Pokong) cũng tin rằng ông Lý Cường đã thất thế. Trong chương trình tự phát sóng của mình hôm 6/10, ông đã liệt kê một số sự việc tiêu biểu: Việc Chính phủ Trung Quốc bị biến thành một cơ quan chính trị, không liên quan gì đến quản lý nhà nước và công tác kinh tế, thay vào đó chỉ tập trung vào chính trị; hay việc ông Lý Cường khi công cán nước ngoài không được đi chuyên cơ mà chỉ có thể đi máy bay thuê, đãi ngộ như vậy thậm chí còn không bằng một doanh nhân có chuyên cơ riêng; hay như sự kiện quan trọng tiệc chiêu đãi “Quốc khánh” năm nay của ĐCSTQ, người đọc chào mừng không phải ông Lý mà lại do ông Tập Cận Bình thay thế.

Hôm 28/9 ĐCSTQ đã tổ chức đại tiệc kỷ niệm 74 năm thành lập tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã đến tham dự và phát biểu. Theo thông lệ trước đây, trong những năm không phải “tròn 5 năm hay 10 năm” thì người đọc diễn văn khai mạc là Thủ tướng. Từ vấn đề này, ông Trần Phá Không cho rằng “Tập Cận Bình đã phế bỏ Lý Cường”.

Ngoài ra trước thềm Quốc khánh Trung Quốc năm nay, vấn đề lợi dụng chính trị làm thương mại của vợ con ông Lý Cường cũng như nội tình kiếm tiền của gia đình quan chức này bị phanh phui. Theo đó, gia đình ông không chỉ sở hữu vốn cổ phần hơn 50 tỷ Nhân dân tệ trong Ant Financial do Jack Ma thành lập, còn lôi kéo các thành viên Bộ Chính trị và cả Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Cát Linh (Chen Jining)…. Trong khi truyền thông nước ngoài đang xôn xao về chuyện này, thì tin đồn gia đình ông Lý Cường có khối tài sản gần 100 tỷ nhân dân tệ cũng lan truyền trên WeChat trong nước. Việc thanh trừng nội bộ của ông Tập Cận Bình đối với các quan chức cấp cao hàng Bộ/Thứ trưởng trước đó, xem ra còn “nhẹ ký” hơn nhiều so với vấn đề phanh phui gia cảnh của nhân vật đứng thứ hai trong ĐCSTQ này.

Một nhà bình luận khác là Tô Văn Diễn (Su Wenyin) cho rằng có tình trạng “cấu xé nhau” trong nội bộ những người thuộc phe Tập Cận Bình. Dù ông Lý Cường là nhân vật đứng thứ hai trong ĐCSTQ, nhưng quyền lực của ông ta đã dần bị xói mòn. Ông Lý đã bị “thất sủng”. Còn nhà bình luận Trung Nguyên (Zhong Yuan) cho rằng những tin đồn về ông Lý Cường có thể là nỗ lực của phe chống Tập nhằm chia rẽ nội bộ phe Tập, ông cũng không loại trừ khả năng nội bộ phe Tập Cận Bình phá hoại lẫn nhau, vì vị trí Thủ tướng của ông Lý Cường khiến nhiều người trong phe không phục, có thể sẽ tấn công ông theo cách từng làm đối với chức vụ Ngoại trưởng của ông Tần Cương.