Gần đây, một nữ giáo viên nghỉ hưu ở Trung Quốc Đại Lục đã cay đắng kể lại hoàn cảnh như bị tù giam lỏng của mình trong viện dưỡng lão. Về vấn đề này, một số cư dân mạng thẳng thừng cho rằng “quản lý xã hội đã bị xã hội đen hóa” “nguyên nhân gốc rễ vẫn là vấn đề thể chế”.

shutterstock 1605865573
Người già về hưu tại Trung Quốc Đại Lục ngồi xe lăn. (Ảnh minh họa: imtmphoto/ Shutterstock)

Viện dưỡng lão ở Trung Quốc Đại Lục giống như nhà tù

Một video do tài khoản Twitter “Nụ cười của Đại Hùng” đăng vào ngày 2/5 cho thấy, một nữ giáo viên nghỉ hưu ở Trung Quốc Đại Lục kể về cảm nhận của bà trong viện dưỡng lão.

Bà cho biết mình đã 73 tuổi, đi lại khó khăn và phải dùng nạng. Viện dưỡng lão bà ở là nơi bà nằm chờ chết. Suốt 3 tháng kể từ ngày vào đây, sức khỏe của bà ngày một sa sút.

Bà cay đắng nói rằng trong viện dưỡng lão này “người già không có không gian riêng”, vài người sống chung một phòng, “ngày đêm không yên”, toàn là tiếng khóc, tiếng gào thét, và tiếng ho, “không ngày nào được ngủ yên”.

Hơn nữa, “ăn ngủ phải theo lệnh của họ (viện dưỡng lão), buồn ngủ muốn ngủ một giấc cũng không được, vì họ (viện dưỡng lão) cần thống nhất quản lý”.

Bà cũng cho biết, để thuận tiện cho việc quản lý người già trong viện dưỡng lão, “tóc dài bị cắt ngắn chỉ còn một tấc, ăn ngủ nghỉ đều phải thống nhất, giống như quản lý tù nhân”, thi thoảng mới được đưa ra ngoài tắm nắng.

Những người già ở đây không thể nhìn thấy người thân, bạn bè và thế giới bên ngoài. Họ “chỉ có thể đờ đẫn” vì bị nhốt trong tầng này. Nỗi khổ xa người thân, và cú sốc tinh thần khiến họ “không có cả cơ hội kêu than”, chứng mất trí nhớ của người già chỉ có thể ngày càng trầm trọng hơn.

Nữ giáo viên nghỉ hưu cay đắng kể rằng 3 đứa con bất hiếu của bà không muốn nhận nuôi bà. Chúng đã dùng tiền lương hưu của bà để gửi bà vào viện dưỡng lão.

Vài ngày trước, bà đã đưa cho chúng số tiền tiết kiệm cả đời của mình, cầu xin chúng đưa bà rời khỏi viện dưỡng lão này. Bị nhốt trong tòa nhà tối tăm này mỗi ngày, “tôi không thể chịu đựng được nữa”. Nhưng cuối cùng “chúng đã lấy tiền của tôi đi, nhưng vẫn để tôi ở lại đây chờ chết.”

(Nội dung tweet: “Nữ giáo viên về hưu nói về cuộc sống ở viện dưỡng lão”)

Cư dân mạng bình luận: “Người già vào viện dưỡng lão giống như đi tù”

Một cư dân mạng có tên “Đổi tên là chuyện bình thường” bình luận: “Nói về những gì tôi đã thấy, một người già bị đưa vào viện dưỡng lão giống như phải đi tù. Nếu đầu óc vẫn tỉnh táo, vào đó còn khó chịu hơn. Họ có thể đánh vào mông một cụ già tè dầm trước mặt người nhà của người bạn già giường bên.

Khi thay ga trải giường, họ trực tiếp bế người già ra ghế, người già đi chân trần giẫm trên mặt đất. Sợ người già thường xuyên đi vệ sinh, họ cho ăn ít, uống ít. Mùa hè người già có bị muỗi đốt cũng không ai quan tâm. Một cụ già què chân nhưng đầu óc minh mẫn đã khóc khi thấy người nhà của bạn già giường bên đến thăm”.

Cư dân mạng “Thiên Nhai Hành” nói: “Trong quá trình chạy theo sự giàu có, cả xã hội đều đánh mất nhân tính. Quản lý xã hội bị xã hội đen hóa, quan hệ gia đình được đo lường bằng đồng tiền. Quan hệ chính quyền và dân sự bị phân chia cao thấp, quan hệ dân sự là tranh tiền đoạt lợi, cá lớn nuốt cá bé. Xu thế của cả xã hội đều như vậy. Người già đã trở thành gánh nặng bị xã hội và gia đình ruồng bỏ. Một xã hội như vậy thật đáng buồn thay!”

Có cư dân mạng cho rằng: “Một số người mô tả viện dưỡng lão trong nước (Trung Quốc) là viện tử thần … Người khỏe trở thành kẻ tàn phế, kẻ tàn phế trở thành người đờ đẫn, và người đờ đẫn trở thành người chết.”

“Các viện dưỡng lão ở Trung Quốc thực sự là những nơi lừa đảo hợp pháp bòn rút những đồng tiền cuối cùng của người già.”

“Các vấn đề xã hội xuất hiện khắp mọi nơi, một nhóm người trống rỗng về tinh thần.”

“Viện dưỡng lão là địa ngục đối với người già! Thật đáng sợ.”

Người già tự tử do nghèo đói trở thành vấn nạn nghiêm trọng ở nông thôn Trung Quốc

Người già trong các viện dưỡng lão ở Trung Quốc đã thế này, tình cảnh của người già ở nông thôn còn khổ hơn. Theo báo cáo của Đài Á châu Tự do, người cao tuổi ở Trung Quốc tự tử là một vấn đề nghiêm trọng, tỷ lệ tự tử ở nông thôn cao hơn đáng kể so với thành thị.

Trước khi rời khỏi Trung Quốc vào năm 2016, ông Diêu Thành, cựu nhân viên của một tổ chức phi chính phủ Trung Quốc, đã đi khắp các vùng nông thôn của Trung Quốc, nghiên cứu về các làng độc thân, cũng như các dự án bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em.

Ông cho biết, năm 2011 ông cùng một phóng viên người Đức đến vùng núi Hồ Nam. Những người trẻ tuổi trong làng đều đi làm ăn xa, không thể sống ở quê nhà và để lại cha mẹ già ở độ tuổi 60, 70.

Ông Diêu Thành cho biết, hoàn cảnh của những người cao tuổi này là nghèo đói và không được chăm sóc y tế đầy đủ. Nhiều nông dân sống dựa vào khoản lương hưu hàng tháng ít ỏi dưới 100 nhân dân tệ (khoảng 338.000 VNĐ), hiện đã tăng lên 170 nhân dân tệ (khoảng 575.000 VNĐ).

“Họ không muốn chết trong đau đớn. Có người nói với tôi rằng họ muốn mua thêm thuốc ngủ vì sợ không đủ sức để treo cổ khi ốm. Một cách tự tử rất phổ biến khác là uống thuốc trừ sâu.”

Theo báo cáo, nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc thiếu sự chăm sóc trong cuộc sống, không có sự đảm bảo y tế và sự cô đơn khi về già là 3 nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tự tử cao của người già ở nông thôn Trung Quốc.

Gần đây, nhiều nơi ở Trung Quốc Đại Lục bắt đầu thúc đẩy và tuyên truyền về cải cách bảo hiểm y tế, và làn sóng cải cách này bắt đầu từ chính sách của Quốc vụ viện Trung Quốc vào năm 2021, tức là khoảng 70% tiền trợ cấp y tế hàng tháng cho cá nhân sẽ được phân bổ vào “quỹ bảo hiểm y tế chung”.

Đối với người bình thường mà nói, việc này khiến họ không chỉ không mua được thuốc, nếu muốn sử dụng bảo hiểm thì phải đến bệnh viện khám và phải chi một số tiền nhất định mới được thanh toán bảo hiểm.

Bình Minh (t/h)