Kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, biểu hiện là liên tục có những thông tin về việc cắt giảm lương và giảm nhân sự trong doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề, thậm chí nhiều đài truyền hình cấp huyện cũng rơi vào tình trạng hoạt động đình trệ. Mới đây có thông tin gần 2000 đài truyền hình cấp huyện Trung Quốc có nguy cơ ngừng hoạt động.

r shutterstock 2449314257
Một thôn dân ở Cửu Trại Câu, Tứ Xuyên, Trung Quốc, đang xem tivi năm 2011. (Ảnh: Geeyom/ Shutterstock)

Trên các nền tảng xã hội Trung Quốc có vô số tiết lộ về việc cắt giảm lương, nợ lương, nợ an sinh xã hội… Gần đây, một bài viết trên tài khoản Sohu “Rồng nhỏ tán chuyện” (小龙爱唠嗑) cho biết nhiều đài truyền hình cấp huyện của Trung Quốc đang gặp khó khăn chưa từng có và có thể bị phá sản trên quy mô lớn.

Bài viết chỉ ra, có dữ liệu cho thấy năm 2023 gần 700 đài truyền hình cấp huyện ở Trung Quốc đã ngừng phát sóng hoặc đóng cửa, và xu hướng làn sóng đóng cửa này vẫn đang mở rộng. Thông tin cho hay, hiện gần 2000 đài truyền hình cấp huyện trên toàn Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ phá sản. Nếu điều đó xảy ra, đồng nghĩa với việc một lượng lớn nhân viên làm truyền thông sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.

Tin tức này lập tức dấy lên thảo luận sôi nổi, vì số lượng lớn đài truyền hình đóng cửa sẽ gây áp lực việc làm nghiêm trọng cho nhiều nhân viên liên quan.

Tài khoản “Dịch chuyển trong lĩnh vực truyền thông” (转型Media) cho biết, trong năm qua liên tục lan truyền các thông báo về vấn đề kênh truyền thông địa phương đóng cửa. Một blogger kể lại lời một giám đốc trung tâm truyền thông tích hợp cấp huyện mà anh quen, than thở khi nói về triển vọng phát triển của truyền hình cấp huyện Trung Quốc hiện nay là “2 kém hiệu quả, 1 lãng phí”. Tức là phóng viên làm việc không hiệu quả và tuyên truyền kém hiệu quả, kết quả là lãng phí tài chính nhà nước. Trung tâm truyền thông người này phụ trách có hơn 60 nhân viên nhưng không có sản phẩm, chương trình tin tức địa phương được phát sóng hàng ngày gần như số 0, chức năng duy nhất là có người đi ghi hình khi có các cuộc họp và khảo sát gây cảm giác có nghi lễ, ngoài ra không thấy có ý nghĩa ở đâu.

Bài viết cho hay, Trung Quốc có 4 cấp độ kênh truyền hình là: trung ương, tỉnh, huyện, xã, số lượng kênh truyền hình ở Trung Quốc vào thời điểm cao nhất có thể lên tới hơn 20.000. Ngày nay, vấn đề này phải đối mặt với một loạt thách thức.

Đầu tiên, tỷ suất người xem truyền hình sụt giảm, doanh thu quảng cáo và tài trợ cũng giảm sút. Người xem tin hàng ngày hiện chủ yếu dựa vào màn hình nhỏ của điện thoại di động, việc mất đi người xem truyền hình là vấn đề nghiêm trọng. Đánh giá về xu hướng xác suất mở xem kênh truyền hình, nhìn vào thống kê Quý I/2023 cho thấy, tỷ lệ mở hàng ngày trung bình của smart TV chỉ đạt 29,5% – mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Một số cư dân mạng Trung Quốc chỉ ra, trước đây họ từng rất thịnh vượng nhưng giờ rơi vào tình thế khó khăn, họ đang rất lo lắng. Một số người cho rằng kiểu truyền thông truyền thống sẽ bị đào thải nếu không tự đổi mới.

Bài viết trên tài khoản Sohu cho rằng các đài truyền hình rất khó đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Với sự phổ biến của Internet di động, ngày càng có nhiều người bắt đầu xem các chương trình video khác nhau thông qua các thiết bị di động như điện thoại di động, máy tính bảng, nhưng truyền hình truyền thống yếu thế về mặt này, tác động nhất định tới rating của đài truyền hình.

Sự nổi lên của self-media (kênh cá nhân tự làm truyền thông) cũng có tác động nhất định đến các phương tiện truyền hình truyền thống. Giờ đây, chỉ cần có điện thoại di động và máy ảnh, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người tự làm truyền thông, tạo chương trình video riêng và phát sóng qua các nền tảng xã hội khác nhau, ngày càng có nhiều nhà quảng cáo bắt đầu chọn các nền tảng tự truyền thông để quảng cáo, điều này tác động nhất định đến doanh thu quảng cáo của các phương tiện truyền hình truyền thống.

Các đài truyền hình [nhà nước] từ lâu nay thiếu nhận thức về cạnh tranh thị trường cũng như khả năng đổi mới yếu kém, khiến họ phần nào bị hạn chế khi đối mặt với cạnh tranh, ngay cả khi họ nhận ra tầm quan trọng của việc chuyển đổi thì giữa nhận thức được và làm được thành công là hai chuyện khác nhau.