Trung Quốc lập “danh sách trắng” khắc phục bê bối tính hệ thống trong các dự án chip
- Tân Hà
- •
Để khắc phục tình trạng công nghệ bán dẫn bị Mỹ hạn chế, chính quyền ông Tập Cận Bình đã mở các dự án chip và khu công nghiệp trên khắp Trung Quốc, nhưng khó khăn không dễ có thể giải quyết. Thông tin mới nhất là họ đã cho một cơ quan bí mật do chính phủ hậu thuẫn xây dựng “danh sách trắng” nhằm đẩy nhanh việc thay thế công nghệ nước ngoài.
Nhà máy sản xuất chip của Mỹ là Global Foundries ở Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc đã ngừng hoạt động, có thông tin cho rằng ‘gã khổng lồ’ bán dẫn Intel của Mỹ đã chuẩn bị tiếp quản nhà máy liên doanh Global Foundries này để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, nhưng đã bị Nhà Trắng ngăn chặn.
Ngày 18/11 tờ SCMP (South China Morning Post) đưa tin, giao dịch này được đồn đoán là nằm trong “dự án bí mật” nội bộ của Intel, phía giới chức Trung Quốc muốn tận dụng điều này để hồi sinh ngành công nghiệp chip. Tuy nhiên, theo một cựu nhân viên Intel đề nghị giấu tên cho hay thương vụ đã bị gác lại. Thông tin chỉ ra rằng kế hoạch mua Global Foundries của Intel đã bị Chính phủ Mỹ ngăn chặn, do cuộc chiến công nghệ Trung-Mỹ khiến Mỹ đang tích cực hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các công nghệ chủ chốt.
Tháng 5/2017, Global Foundries đã công bố xây dựng một nhà máy sản xuất Đĩa bán dẫn 12 inch tại Thành Đô với vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD. Global Foundries nắm giữ 51% cổ phần, còn lại sẽ do Chính quyền thành phố Thành Đô tài trợ, dự định xây dây chuyền sản xuất Đĩa bán dẫn 12 inch đầu tiên ở tây nam Trung Quốc. Nhưng kế hoạch đã không thể hoàn thành, trở thành một trong những dự án thất bại của Trung Quốc về chất bán dẫn.
Bây giờ nhà máy đã được đổi tên thành Công ty Công nghiệp vi mạch Khu công nghệ cao Thành Đô. Các cổ đông là Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Cao Thành Đô và Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Thành Đô, đứng sau là Cục Tài chính Khu Công nghệ Cao Thành Đô và Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Thành Đô.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã cho xây dựng số lượng lớn khu công nghiệp bán dẫn ở nhiều nơi, nhưng kết quả cuối cùng đều không khả quan.
Vào ngày 1/3 năm nay, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết dự án Hongxin (Wuhan Hongxin Semiconductor, HSMC) ở Vũ Hán vốn đầu tư 100 tỷ nhân dân tệ còn dang dở đã đi đến hồi kết. HSMC bị đình trệ vào năm ngoái do khó khăn về kinh phí, trở thành dự án chip dang dở điển hình ở Trung Quốc trong những năm gần đây.
Nguyên nhân dẫn đến khó khăn về tài chính là do một số cổ đông lớn nhìn chung không thực hiện được cam kết về phần vốn góp. Ví dụ, vốn góp của cổ đông lớn Beijing Guangliang Blueprint Technology hóa ra bằng 0. Như vậy không có gì ngạc nhiên khi có vấn đề về nguồn vốn một khi khoản đầu tư của chính phủ được sử dụng hết.
Về vấn đề này, ông Charles Kau – cựu Phó chủ tịch điều hành toàn cầu của Tsinghua Unigroup và được biết đến với biệt danh “Cha đẻ DRAM Đài Loan”, nói với giới truyền thông rằng vấn đề sớm đã được dự kiến.
Do các lý do như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, lệnh trừng phạt của Mỹ, dịch COVID-19 kéo theo vấn đề “tuần hoàn nội bộ” thành thuật ngữ nóng ở Trung Quốc vào năm 2020. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đạt được đồng thuận nội bộ rằng trong bối cảnh điều kiện bên ngoài ngày càng bất lợi, cấp ra quyết định cao nhất cũng phải cân nhắc các biện pháp đối phó. Vào ngày 11/9/2020 tại hội nghị chuyên đề của các nhà khoa học, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã liệt kê các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng đang bị nước khác hạn chế, trong đó nhấn mạnh vấn đề chip bị phụ thuộc nhiều nhất và dễ bị nước khác kiểm soát nhất.
Ngày 16/11/2021, Bloomberg dẫn lời người quen thuộc với vấn đề cho biết chính quyền của ông Tập Cận Bình đang đẩy nhanh kế hoạch thay thế công nghệ của Mỹ và nước ngoài, lệnh cho một cơ quan bí mật do chính phủ hậu thuẫn thiết lập một “danh sách trắng”.
Theo thông tin, “Ủy ban Công tác Đổi mới Ứng dụng Công nghệ Thông tin” (Information Technology Application Innovation Working Committee) chuyên cung cấp thông tin cho Chính phủ Trung Quốc được thành lập vào năm 2016, đã xem xét và phê duyệt các nhà cung cấp địa phương tại Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm như dịch vụ đám mây cho đến chất bán dẫn. Họ sẽ xây dựng và thực hiện kế hoạch “Đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin”, theo đó sẽ chọn ra các nhà cung cấp công nghệ đối với các ngành nhạy cảm như ngân hàng, trung tâm dữ liệu lưu trữ dữ liệu của chính phủ.
Theo người quen thuộc với vấn đề tiết lộ, kế hoạch đã đưa vào “danh sách trắng” khoảng 1800 nhà cung cấp của Trung Quốc trong các lĩnh vực như máy tính, chip, mạng internet và phần mềm. Đặc biệt năm nay là năm kế hoạch thúc đẩy phát triển nhanh nhất.
Đáng chú ý là các thành viên và mục tiêu chính của “danh sách trắng” này trước đây chưa từng được thế giới bên ngoài biết đến. Danh sách này sẽ giúp nhà chức trách thúc đẩy các công ty địa phương đạt được khả năng tự chủ về công nghệ và khắc phục được vấn đề do lệnh trừng phạt của Mỹ trong các lĩnh vực như mạng internet và chip. Hồi tháng 9, Nhật báo Thông tin Kinh tế (Economic Information Daily) của nhà nước Trung Quốc đã liệt kê 40 công ty tốt nhất trong kế hoạch “Đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin”, bao gồm Huawei và Alibaba.
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia Chính trị và Kinh tế Thiên Vận (Tianjun), từ sự kiện ZTE bị chính quyền Trump “hạ thủ” vào năm 2018 đến các lệnh trừng phạt áp đặt lên các công ty như Huawei và SMIC của Trung Quốc cho thấy điểm yếu chí mạng của các công ty Trung Quốc là “thiếu chip thiếu hồn”.
Vấn đề thiếu chip đã khiến nền công nghiệp Trung Quốc khốn khó. Ví dụ như thiếu hụt chip trong ngành công nghiệp ô tô sẽ khiến hai mô-đun chính của máy tính trong xe không thể sản xuất: Hệ thống cân bằng điện tử ESP và Bộ điều khiển điện tử ECU. Có thể hình dung được tác động trên thị trường như thế nào trước nguy cơ ngừng sản xuất của các hãng xe tầm trung và cao cấp. Các công ty địa phương của Trung Quốc không có chỗ đứng trong lĩnh vực chip ô tô. Do khoảng cách lớn về công nghệ trong thiết kế và sản xuất, cho đến nay chip sử dụng trên ô tô Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Nhà nghiên cứu Nhậm Trọng Đạo (Ren Zhongdao) của nhóm chuyên gia Thiên Vận chỉ ra, từ vĩ mô như lĩnh vực hàng không vũ trụ cho đến vi mô như thiết bị gia dụng thông minh thì vấn đề “thiếu chíp thiếu hồn” khiến công nghiệp Trung Quốc mãi đi sau. Ngành sản xuất chip có đặc điểm thâm dụng vốn, thâm dụng công nghệ và nhân tài, trong khi nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc không thể hội đủ những điều kiện này; các chính quyền địa phương vì thành tích chính trị mà phải cố gắng thúc đẩy mù quáng nhiều các khu công nghệ, nhưng hầu hết các dự án dở dang.
Tân Hà, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa intel sản xuất chip công nghệ chip