Trung Quốc tăng trữ vàng thay USD: Con đường chuẩn bị “tách rời”?
- Trần Phi
- •
Dữ liệu liên quan từ Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc cho thấy dự trữ ngoại hối nước này đã sụt giảm 3 tháng liên tiếp, thay vào đó dự trữ vàng lại tăng trong 12 tháng liên tiếp. Ngoài ra, Ủy ban Cải cách sâu rộng toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đưa ra thông điệp đáng chú ý: Tối ưu hóa bố cục kinh tế nhà nước.
Ủy ban Cải cách sâu rộng toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ được thành lập năm 2018, vào thứ Ba (7/11) đã tổ chức cuộc họp lần thứ ba, nhấn mạnh những lợi thế về thể chế [toàn trị] trong việc tập trung vào các nhiệm vụ lớn, tối ưu hóa bố cục kinh tế sở hữu nhà nước, phát huy vốn nhà nước vào các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia và tập trung các ngành công nghiệp quan trọng huyết mạch của nền kinh tế quốc gia. Cuộc họp cũng nhấn mạnh cần cải thiện hệ thống ngân sách hoạt động vốn nhà nước.
Cùng ngày, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố số liệu cho thấy, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tính đến cuối tháng 10 là 3101,2 tỷ USD, giảm 13,8 tỷ USD so với cuối tháng 9 và đã giảm 3 tháng liên tiếp; tuy nhiên dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng 12 tháng liên tiếp, dự trữ cuối tháng 10 là 71,2 triệu ounce, tăng 740.000 ounce so với tháng 9.
Bình luận: Nhấn mạnh kinh tế nhà nước cho thấy không cứu được tư nhân
Chuyên gia kinh tế Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong – người Mỹ gốc Hoa) cho biết, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong 3 tháng qua đã giảm trung bình 40 tỷ USD mỗi tháng, đã đến mức báo động, điều này cho thấy tổng thể suy giảm kinh tế của Trung Quốc là nghiêm trọng. Ban đầu Trung Quốc thành lập Ủy ban cải cách sâu rộng toàn diện để tăng cường cải cách đẩy mạnh hơn nền kinh tế thị trường, nhưng bây giờ họ đề xuất gia cố kinh tế nhà nước, điều này cũng nêu bật khó khăn của chính quyền trong việc khôi phục tình trạng kinh tế tồi tệ.
Ông Trình Hiểu Nông nói: “Chủ thể nền kinh tế Trung Quốc là khu vực tư nhân, nước này phải dựa vào doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy nền kinh tế. Chỉ có một tình huống khiến phải thiên về cho doanh nghiệp nhà nước, đó là không thể cứu được doanh nghiệp tư nhân. ĐCSTQ bây giờ sử dụng doanh nghiệp nhà nước chẳng khác nào đặt máy thở cho bệnh nhân, đó là biện pháp cuối cùng và cho thấy tín hiệu rõ ràng: Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng tệ hơn, không thể cứu, chính quyền trung ương cũng hết cách”.
Bình luận: Doanh nghiệp tư nhân vỡ nợ, doanh nghiệp nhà nước chớp thời cơ thâu tóm
Giám đốc Trần Tùng Hưng (Chen Songxing) của Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế mới tại Đại học Đông Hoa của Đài Loan cho biết, tuyên bố củng cố kinh tế nhà nước nhấn quán với thái độ đặt niềm tin các doanh nghiệp nhà nước của ông Tập Cận Bình từ khi lên nắm quyền. Vì vậy, khi kinh tế tư nhân gặp khó khăn, ông Tập đang đi theo xu hướng tăng cường chuyển hướng kinh tế sang cánh tả, cũng có thể ông Tập muốn dùng sức mạnh của doanh nghiệp nhà nước để giải quyết tình trạng hỗn loạn kinh tế do bất động sản gây ra.
Trần Tùng Hưng nói: “Doanh nghiệp tư nhân hiện đang phải đối mặt phá sản hoặc vỡ nợ. Khi rơi vào tình thế khó khăn, chi phí tiếp quản (mua lại) tương đối thấp. Doanh nghiệp nhà nước tận dụng cơ hội để tiếp tục mở rộng vai trò và thị phần trong nền kinh tế, cứ như vậy nền kinh tế Trung Quốc sẽ trở lại nền kinh tế kế hoạch. Tôi nghĩ điều này chẳng qua thuận theo thế để làm, như đối với các trường hợp Evergrande, Country Garden và Vanke cũng đã tuyên bố rằng nhà nước cần tiếp quản (mua lại) những doanh nghiệp tư nhân đang lung lay này, tôi nghĩ đó là khả năng không thể loại trừ”.
Về việc Trung Quốc giảm dự trữ ngoại hối và tăng lượng vàng nắm giữ, ông Trần Tùng Hưng cho rằng điều này có liên quan đến việc đồng RMB tiếp tục mất giá. Ông cho hay sau cuộc chiến tranh Nga – Ukraine thì nguồn vốn USD của Nga đã bị đóng băng, điều đó cũng có tác động nhất định đến Trung Quốc.
Bình luận: Tăng trữ vàng để hỗ trợ tỷ giá của RMB và chuẩn bị tách khỏi đồng USD
Chuyên gia kinh tế Tư Lệnh (Siling) cho rằng dự trữ ngoại hối bằng USD của Trung Quốc ngày càng giảm và lượng vàng nắm giữ tăng lên, động thái này vừa là cách tiếp cận hỗ trợ giá trị đồng RMB, vừa có thể là sự chuẩn bị cho việc tách rời đồng USD.
Ông Tư Lệnh cho biết: “Trung Quốc dường như đang tiến tới tách khỏi thị trường quốc tế do đồng USD thống trị, dường như đang chuẩn bị cho khả năng này trong tương lai. Vì hiện nay Chính phủ Trung Quốc cho hay họ nắm giữ rất nhiều vàng, có kho dự trữ vàng riêng, hàm ý họ không sợ mất giá RMB, sau này Trung Quốc không quan tâm đồng USD như thế nào vì không liên quan gì đến Trung Quốc”.
Ông nhấn mạnh Ủy ban Cải cách sâu rộng toàn diện của Trung Quốc yêu cầu tăng cường kinh tế nhà nước, nhằm đẩy mạnh hơn đường lối kinh tế kế hoạch hóa.
Từ khóa kinh tế Trung quốc