Những động thái gần đây của ông Hồ Hải Phong, con trai cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và hiện là Bí thư Thành ủy TP. Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang, đã thu hút sự chú ý rộng rãi. Các nhà bình luận chính trị hiện nay cho rằng xét từ tình hình hiện tại, tiền đồ của ông Hồ Hải Phong chưa rõ thế nào hoặc có thể là lành ít dữ nhiều.

Ho Hai Phong
Ông Hồ Hải Phong (Nguồn ảnh: Chụp màn hình video).

Hành tung của ông Hồ Hải Phong gần đây trở thành một điều bí ẩn, ông không xuất hiện để chủ trì các cuộc họp quan trọng, tin tức gần đây về việc ông sẽ được thăng chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Dân chính) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng chưa được xác nhận.

Vào ngày 5/1, Nhóm Trung tâm Nghiên cứu Lý luận của Thành ủy Lệ Thủy tỉnh Chiết Giang đã tổ chức hội nghị học tập chuyên đề, nội dung liên quan đến các bài phát biểu và chỉ thị liên quan của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như các bài phát biểu của ông trong chuyến thị sát Chiết Giang. Hội nghị lần này do ông Ngô Thuấn Trạch (Wu Shunze), Phó Bí thư Thành ủy kiêm Thị trưởng TP. Lệ Thủy chủ trì. Ông Hồ Hải Phong, Bí thư Thành ủy Lệ Thủy không xuất hiện. Trước đây, các cuộc họp quan trọng ở thành phố Lệ Thủy về nghiên cứu cái gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình” thường do ông Hồ Hải Phong chủ trì và phát biểu.

Truyền thông Hồng Kông ngày 3/1 đưa tin, ông Hồ Hải Phong đã trở về Bắc Kinh và được cho là đã được thăng chức Thứ trưởng Bộ Dân chính của ĐCSTQ. Tính xác thực của tin tức này vẫn đang được xác nhận. Trước đó, nhiều lần có tin đồn rằng ông Hồ Hải Phong sẽ được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Tây An, Bí thư Thành ủy Trịnh Châu, Ủy viên Thường vụ tỉnh Phúc Kiến, Thị trưởng Đại Liên, v.v. nhưng cuối cùng đều không có tin đồn nào là thành hiện thực.

Theo thông báo chính thức của Quốc vụ viện về việc bổ nhiệm, cách chức cán bộ quốc gia ban hành ngày 5/1, tân Thứ trưởng Bộ Dân chính là ông Lý Bảo Quân chứ không phải ông Hồ Hải Phong.

Lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông Hồ Hải Phong là vào ngày 27/12/2023. Cùng ngày, TP. Lệ Thủy đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5 (mở rộng) của kỳ họp thứ 5. Ông Hồ Hải Phong thay mặt Thường vụ Thành ủy báo cáo công tác và phát biểu kết luận.

Ông Hồ Hải Phong trở thành đại diện của Đại hội toàn quốc lần thứ 20 (Đại hội 20) của ĐCSTQ vào năm 2022. Ngày 14/10 cùng năm, ông đến Bắc Kinh cùng phái đoàn Chiết Giang để tham dự cuộc họp. Tuy nhiên, tại lễ bế mạc Đại hội 20 của ĐCSTQ vào ngày 22/10, ông Hồ Cẩm Đào đã bị buộc rời khỏi hội trường trước sự chứng kiến ​​của dư luận và trở thành tâm điểm quốc tế.

Ho Cam Dao
Ông Hồ Cẩm Đào được dìu ra khỏi hội trường. (Ảnh chụp màn hình video)

Sau vụ việc, ĐCSTQ ngay lập tức tung ra các biện pháp “duy trì ổn định” trên các nền tảng mạng xã hội và chặn mọi thông tin cũng như các cuộc thảo luận liên quan. Tìm kiếm “Hồ Cẩm Đào” (Hu Jintao) trên Weibo chỉ thấy một số bài đăng chính thức của chính phủ, điều này cho thấy tên của vị cựu lãnh đạo ĐCSTQ này đã trở thành một từ nhạy cảm. Tương tự, khi tìm kiếm “Hồ Hải Phong” (Hu Haifeng) trên Weibo, cũng không tìm thấy kết quả liên quan nào, cho thấy tên của ông Hồ Hải Phong đã bị ĐCSTQ liệt vào danh sách cấm và đã bị chặn hoàn toàn. Đến thời điểm hiện tại, “Hồ Hải Phong” vẫn là từ bị cấm trên Weibo.

Ông Hồ Hải Phong, 51 tuổi, từng giữ chức vụ trưởng Viện nghiên cứu đồng bằng sông Dương Tử thuộc Đại học Thanh Hoa ở Chiết Giang, bắt đầu tham gia chính trị từ tháng 5/2013 và giữ chức phó bí thư Thành ủy TP. Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang. Ông trở thành thị trưởng Gia Hưng vào tháng 3/2016, tháng 7/2018, ông được thăng chức làm Bí thư Thành ủy Lệ Thủy và trở thành Bí thư trẻ nhất của một thành phố cấp tỉnh thuộc tỉnh Chiết Giang, ông là thế hệ đỏ thứ hai thu hút nhiều sự chú ý vào thời điểm đó và có một con đường thăng quan được đánh giá tốt.

Tuy nhiên, ông Hồ Hải Phong đã xoay vòng tại chỗ trong nhiều năm kể từ khi ông nhậm chức Bí thư Thành ủy Lệ Thủy. Sự nghiệp chính thức của ông thua xa so với nhiều quan chức cấp phó bộ sau những năm 1970. Kể từ khi ông Hồ Cẩm Đào bị buộc rời khỏi hội trường tại lễ bế mạc Đại hội 20 ĐCSTQ, sự nghiệp của ông Hồ Hải Phong cũng trở thành chủ đề nóng. Dư luận nhìn chung cho rằng ông Hồ Hải Phong đã bị ông Tập Cận Bình “đóng băng”, quan hệ giữa ông Tập Cận Bình và ông Hồ Cẩm Đào không còn hòa hợp, tương lai chính trị của ông Hồ Hải Phong không tốt.

Phân tích: Tình hình chính trị ĐCSTQ kỳ lạ, Hồ Hải Phong có thể lành ít dữ nhiều

Ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một nhà bình luận chính trị cư trú tại Mỹ, cho rằng xét theo tình hình hiện tại, ông Hồ Hải Phong có thể lành ít dữ nhiều.

Ông cho biết trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Epoch Times vào ngày 7/1 rằng trước đó có tin đồn ông Hồ Hải Phong được thăng chức, nhưng ứng cử viên cho chức Thứ trưởng Bộ Dân chính không phải là ông Hồ Hải Phong mà là ông Lý Bảo Quân. Ngoài ra, ông Hồ Hải Phong cũng không xuất hiện ở TP. Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang, hiện là Phó bí thư Thành ủy Lệ Thủy  phụ trách các công việc. “Từ góc độ này, ông Hồ Hải Phong không xuất hiện ở Bắc Kinh hay Chiết Giang. Ông ấy có thể đang ở trong tình huống nào đó không rõ ràng.”

Ông Trần Phá Không cho rằng tình hình chính trị hiện tại của ĐCSTQ vô cùng phức tạp. Gần đây, có tin đồn rằng Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ, đang bị điều tra. Ông Hứa Kỳ Lượng được ông Hồ Cẩm Đào thăng chức. Ngoài ra, việc Hồ Cẩm Đào buộc phải rời khỏi hội trường Đại hội 20 cũng đã làm dấy lên sự phẫn nộ của nhiều người, vì vậy không loại trừ khả năng một số người trung thành với ông Hồ Cẩm Đào không hài lòng với ông Tập Cận Bình, thậm chí có thể có hành động chống Tập.

Ông Trần Phá Không nói: “Tập Cận Bình có tâm lý độc đoán và không bình thường, nên có thể muốn nhổ tận gốc rễ. Suy nghĩ nhổ tận gốc rễ này có thể không chỉ là một hình thức quản thúc tại gia trá hình đối với ông Hồ Cẩm Đào mà còn có thể con trai của ông cũng bị quản thúc tại gia.”

Tuy nhiên, ông Trần Phá Không cũng cho rằng tình hình hiện tại vẫn chưa rõ ràng, “Nếu ông Tập Cận Bình vẫn còn có lý trí và chọn cách hòa giải với các bô lão chính trị và xoa dịu quan hệ với ông Hồ Cẩm Đào, thì đề bạt ông Hồ Hải Phong là một trong những phương pháp, và bản thân ông Hồ Hải Phong cũng không gây ra mối đe dọa đến quyền lực của ông ấy (Tập Cận Bình). Tuy nhiên, tình hình hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Theo cơ cấu chính trị kỳ lạ hiện nay của ĐCSTQ, cộng với sự hẹp hòi của ông Tập Cận Bình thì ông Hồ Hải Phong có nhiều khả năng rơi vào tình huống xấu. Vì vậy, đối với ông Hồ Hải Phong mà nói thì chính là lành ít dữ nhiều.” 

Ông Trần Phá Không cũng cho rằng năm 2023 chính là năm có nhiều vụ mất tích, trong đó có cựu Ngoại trưởng Tần Cương, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lý Thượng Phúc và nhiều tướng quân đội cấp cao đã mất tích. Nếu ông Hồ Hải Phong cũng biến mất thì sẽ thêm một vụ án bí ẩn nữa vào trong vô số vụ mất tích.