3 phẩm đức quý giá một người cần tu dưỡng để đối diện với khó khăn
- An Hòa
- •
Có lẽ cuộc đời của bất kỳ ai trong thế gian này cũng đều khó tránh khỏi lúc lên lúc xuống. Nhưng cho dù là gặp phải lúc khó khăn nhất, cũng không nên oán trách, tức giận. Một người nếu có thể tu dưỡng thành được “tam đức” dưới đây thì gặp phải cảnh ngộ gì cũng sẽ có thể từ từ vực dậy mà đi lên.
1. Trầm tĩnh
Tô Tuân, đại văn hào triều Tống từng nói: “Nhất nhẫn khả dĩ chi bách dũng, nhất tĩnh khả dĩ chế bách động”, tức là một nhẫn có thể chống chọi được trăm dũng, một tĩnh có thể ức chế được trăm động. Trong cuộc sống tràn đầy sự hấp dẫn của lợi ích, mỗi người cần phải giữ được sự trầm tĩnh và thanh thản trong tâm mình.
Làm sao để giữ được sự trầm tĩnh trong tâm? Điều này không phải ai cũng có thể làm được, nó đòi hỏi phải trả qua một quá trình tu dưỡng. Người giữ được sự trầm tĩnh, thanh thản của bản thân là người khi đối mặt với khó khăn sẽ biểu hiện lạnh nhạt, đối mặt với hiểu lầm thì biểu hiện hờ hững và sẽ không nông nổi trước mọi sự tình.
Người giữ được sự trầm tĩnh cũng hiểu được rằng “dục tốc bất đạt”, phàm là việc gì mà nôn nóng, vội vàng thì sẽ không thành. Vậy nên, đứng trước mỗi việc họ đều “lùi một bước” để suy xét, cân nhắc nên thường không bị hối tiếc trước quyết định của mình.
Cổ ngữ có câu: “Nóng vội thì không húp được cháo nóng.” Bởi vậy, làm bất cứ việc gì cũng phải trầm tĩnh lại thì mới có thể đưa ra phán đoán và cách giải quyết đúng đắn, phù hợp. Một người càng ở vào lúc nguy cấp thì càng cần phải trầm tĩnh, nếu không sẽ khiến sự tình càng rối ren hơn, thậm chí làm hỏng việc không đáng.
2. Biết cúi đầu
Lúa chín cúi đầu, hoa hướng dương chín cũng cúi đầu. Nhưng trong cuộc sống, rất nhiều người không hiểu được trí tuệ của cúi đầu. Rất nhiều người đều là muốn ưỡn ngực ngẩng đầu nhìn về tương lai mà không nguyện ý khiêm tốn cúi đầu nhìn con đường đang đi trước mắt.
Ngoài ra, con người không phải Thánh nhân, nên ai mà không từng phạm sai lầm? Nhưng đã mắc lỗi thì nên cải sửa. Tuy nhiên, có nhiều người khi mắc lỗi lại khuyết thiếu can đảm “cúi đầu” thừa nhận sai lầm của bản thân mình.
Sai lầm do bản thân mình gây ra rất có thể sẽ làm thương tổn đến người khác. Chỉ có “cúi đầu” mới có thể bù đắp lại được. “Cúi đầu” không phải là khuất nhục, “cúi đầu” cũng không phải là thể hiện người thấp hèn, mà thể hiện rằng bản thân biết sai nên phải sửa, là thể hiện của sự tu dưỡng. Đó cũng là cái giá phải trả cho tội lỗi của bản thân mình.
Can đảm “cúi đầu” trước sai lầm mình gây ra chính là thể hiện của sự thông minh và quyết đoán, là một loại cảnh giới và phẩm cách cao quý, cũng là một loại rộng lượng và thong dong. Có thể gập vào thì mới có thể duỗi ra, có thể lui mới có thể tiến, có thể nhu mới có thể cương.
Người biết cúi đầu mới có thể ngẩng cao đầu. Trên đường đời, không phải tất cả các cửa ải đều rộng rãi, cao lớn, có những cửa ải cần chúng ta phải cúi đầu, nghiêng người mới có thể đi qua được.
3. Biết ngẩng đầu
Ở vào hoàn cảnh khó khăn, nguy khốn, một người nên là có phong thái ngẩng cao đầu, dùng thái độ lạc quan tích cực để đối mặt thì mới có thể tìm được lối thoát. Nếu ở vào hoàn cảnh khốn khó, một người chỉ biết than trách, gục đầu ủ dột thì không chỉ không giúp cải thiện tình hình mà còn khiến tình hình thêm xấu đi.
Nhưng ngẩng đầu không phải là lên mặt nạt người, vênh váo hung hăng, cũng không phải khinh thường hết thảy mà phải giữ được tâm khiêm tốn đối đãi với người khác, tâm bình đẳng công chính khi xử lý sự việc.
Ngẩng đầu không phải dùng sở trường của mình để so với sở đoản của người mà là nhìn thẳng vào bản thân, không vì thiếu sót của bản thân mà đố kỵ với tài năng của người, là tự hiểu mình mà cố gắng vươn lên.
Người quân tử tu dưỡng thâm sâu, không bởi vì lâm vào nghịch cảnh, không bởi vì đối mặt với sinh tử, không bởi vì cám dỗ trước công danh lợi lộc, mà vứt bỏ tiết tháo, nhân phẩm của mình. Họ đều có tín niệm kiên định phi thường lớn. Đây mới là ý nghĩa của “biết ngẩng đầu”.
Trong xã hội coi trọng của cải tiền bạc ngày nay, để tìm được một người như vậy thực sự là khó. Nhưng chính trong xã hội hỗn loạn này, trong nguy nan khốn khó, trong hoàn cảnh “trắng đen lẫn lộn”, nếu như ai có thể vượt qua được những cám dỗ của danh lợi, không đánh mất bản tính chân thật, lương thiện, bảo vệ cái thiện, chống lại cái ác thì người ấy chính là người có phẩm chất cao quý. Cho dù họ có phải chịu một chút thiệt thòi trước mắt thì cuối cùng cũng sẽ nhận được phúc báo.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khiêm tốn tu dưỡng Trầm tĩnh đức tính