4 đặc điểm nhận biết người có nhân phẩm tốt
- An Hòa
- •
Trên thế giới này, người đáng giá để mọi người kết thâm giao không nhất định phải là người có gia tài bạc triệu, cũng không nhất định phải là người tài trí hơn người, nhưng nhất định phải là người có nhân phẩm tốt.
Người có nhân phẩm tốt biết suy nghĩ cho người khác, không đẩy người khác rơi vào tình thế khó xử. Họ làm gì cũng không chăm chăm chiếm lợi ích cho riêng mình, vì thế khiến người khác tin tưởng. Họ cũng không hãm hại lừa gạt người, cho nên khiến người khác an tâm khi ở bên. Nhìn chung, những người hiểu và tuân thủ 4 phép tắc dưới đây thì nhất định đều là người có nhân phẩm tốt.
1. Uống nước nhớ nguồn, có ơn sẽ báo đáp
Trong kết giao giữa người với người, nhớ ơn và đền đáp ân huệ của người khác là điều vô cùng quan trọng. Biết ơn và đền ơn mới có thể giúp mối quan hệ giữa người với người được lâu dài, tốt đẹp. Trái lại, người vô ơn thì luôn khiến người khác khó chịu, không muốn kết giao, càng không muốn thân cận.
Người biết ơn là người có nhân cách tốt đẹp, sống có nghĩa có tình, có trước có sau. Những người như vậy họ cũng thường là người biết nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến mình, chính là người nhân đức, là bậc quân tử mà người đời thường ngưỡng mộ.
Cổ nhân có câu: “Thi huệ vô niệm, thụ ân mạc vong”, nghĩa là làm điều tốt không cần suy tính, mang ơn người đừng bao giờ quên. Cũng có câu: “Tích thủy chi ân, dũng tuyền tương báo”, nghĩa là dù ơn huệ nhỏ như giọt nước thôi cũng không thể xem nhẹ, cũng cần coi đó như một dòng suối, dòng sông, bởi “một miếng khi đói bằng một gói khi no” vậy.
Người biết ơn bề trên, biết ơn đấng sinh thành, biết ơn vạn vật, là người thấu hiểu đạo lý của tự nhiên, đạo lý làm người. Người như vậy biết trân quý sinh mệnh, sống thuận theo tự nhiên, phù hợp với đạo, là người trí tuệ, nên cuộc đời của người ấy tự nhiên cũng thông thuận, may mắn. Đó cũng chính là phúc báo của lòng biết ơn. Những người như vậy đáng giá để chúng ta kết giao, học hỏi.
2. Giữ lời hứa, không bao giờ thất tín
Người có nhân phẩm tốt nhất định phải là người biết giữ lời hứa, tôn trọng lời hứa với người khác. Một khi họ đã đồng ý hứa với người khác thì nhất định sẽ tìm cách thực hiện. Nếu sự tình không chắc chắn, họ cũng tuyệt đối không qua quýt mà buông lời hứa hẹn.
Bàn về chữ tín, người xưa nói: “Người mà không giữ chữ tín, không biết có thể thành người được không.” Chữ tín là sinh mệnh thứ hai của con người, thậm chí đôi khi là sinh mệnh của một quốc gia.
Người mà không giữ chữ tín thì vĩnh viễn không có bạn bè chân chính, cũng không thể thành tựu được sự nghiệp. Một thương nhân dựa vào lừa gạt hãm hại người khác thì chỉ kiếm được chút tiền trong nhất thời mà không thể trở nên phú quý thực sự. Một người không có học vấn cũng có thể miệng lưỡi thao thao bất tuyệt nhưng một khi mọi người biết được trình độ thật của người ấy thì sẽ không còn ai bị những lời ấy mê hoặc nữa. Một người lãnh đạo mà nói không giữ chữ tín thì người dưới quyền cũng sẽ không trung thành, không giữ chữ tín với họ nữa. Cho nên, những thứ có được dựa vào thất tín thì đều không thể lâu dài.
3. Lời nói có chừng mực, đối đãi với người có hạn độ
Lời nói là thứ dễ dàng đả thương người khác nhất. Bởi vậy, người ta ví lời nói sắc như lưỡi đao. Một lời nói thiện lương khiến người khác ấm lòng, nhưng một lời nói ác ý sẽ khiến đối phương tổn thương suốt đời. Bởi vậy, người xưa có câu: “Vài năm học nói, cả đời học im lặng”.
Người có nhân phẩm tốt sẽ biết nghĩ cho người khác, vì thế họ không dùng lời nói để đào sâu, khoét sâu vào khiếm khuyết hay thiếu sót của người khác. Lời nói của họ có chừng có mực, chân thật mà không bóc trần, nhẹ nhàng mà không xu nịnh, thẳng thắn mà không cay nghiệt. Họ cũng tuyệt đối không nói những lời tiết lộ điều thầm kín của người khác.
Kỳ thực, con người khi làm việc thì không nên làm quá tuyệt tận, nhìn thấy lỗi của người khác không nên chỉ trích trước đám đông, lời nói không nên đến mức cực đoan, có lui có tiến, linh hoạt xử lý, vừa có thể giải quyết được vấn đề phức tạp lại có thể cấp cho mình một lối thoát về sau.
Nói lời có chừng mực, đối đãi với người có hạn độ, không tuyệt tình là chừa cho người khác một con đường đi, cũng là không khiến mình lâm vào tuyệt cảnh. Những người hiểu được điều này là những người có tu dưỡng, sâu sắc, đáng giá kết giao.
4. Không chiếm lợi của người, không sợ chịu thiệt
Người nguyện ý chịu thiệt thòi, không tranh lợi của người khác, là người quảng đại, có nhân phẩm tốt đẹp. Người như vậy, trong mọi mối quan hệ đều khiến người khác tin tưởng và an tâm.
Xã hội hiện đại, không ít người cho rằng người thấy lợi mà không giành cho mình, chịu thiệt trước người khác là người ngốc nghếch. Nhưng kỳ thực trầm tĩnh suy nghĩ một cách cẩn thận, chúng ta có thể thấy dẫu cho một người có chiếm được thứ gì thì cũng chẳng thể vì nó mà có được sự bình an. Chiếm được lợi lộc thì mất đi lương thiện. Chiếm được danh tiếng thì mất lòng người. Chiếm được tình thì mất tỉnh táo. Chiếm đoạt được thứ của người khác thì tâm sẽ bất an, không lúc nào nguôi. Phàm là những thứ khiến người ta phải vắt óc nghĩ kế chiếm cho bằng được thì đều không mang đến bình an trong tâm mình, thay vào đó chỉ là phiền não, thống khổ và thù hận mà thôi. Những người có nhân phẩm tốt đều thấu hiểu đều này, cho nên họ chấp nhận chịu thiệt hơn là chiếm lợi của người khác.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: Bốn việc cần cân nhắc kỹ trước khi giúp đỡ người khác
Từ khóa Kết giao Chữ Tín Nhân phẩm tu dưỡng lòng biết ơn