Âm nhạc và sự cô đơn
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Tôi đã đọc xong “Đặng Thái Sơn – người được Chopin chọn” (Ikuma Yoshiko, Phuongnambooks, 2008) – cuốn sách mỏng viết về chân dung và hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.
Thú thật, vốn mù nhạc, đây là cuốn sách đầu tiên viết về nghệ sĩ Đặng Thái Sơn mà tôi đọc. Trước đó tôi chỉ đọc những bài viết lẻ tẻ trên báo tiếng Việt về ông. Tác giả của cuốn sách là Ikuma Yoshiko, một nhà báo, một nhà phê bình âm nhạc người Nhật.
Để viết cuốn sách này có lẽ bà đã phỏng vấn nghệ sĩ Đặng Thái Sơn cùng những người có liên quan nhiều lần và tìm đọc nhiều tư liệu.
Có cảm giác dường như bà hiểu Đặng Thái Sơn hơn cả người Việt. Đặc biệt ở những góc độ tinh tế như mối quan hệ giữa nghệ sĩ và thời cuộc.
Trước kia tôi chỉ biết nghệ sĩ Đặng Thái Sơn được sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ vì thế đọc cuốn sách này tôi choáng váng khi biết những khổ ải cõi trần mà người nghệ sĩ đã trải qua.
Cha – nhà thơ Đặng Đình Hưng – dính “án” nhân văn giai phẩm bị phân biệt đối xử trong thời gian dài.
Mẹ – nghệ sĩ Thái Thị Liên – quyết đoán nhưng nóng tính.
Cha mẹ thường xuyên cãi nhau và sau đó là ly dị.
Cuộc sống sơ tán về nông thôn thời chiến tranh đánh Mỹ vô cùng gian khó, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bị ghẻ lở khắp người và phải tập đàn trên giấy (vẽ mô phỏng phím).
Đi du học tại trường nhạc hàng đầu Liên Xô vẫn phải đi làm thêm ở nhà máy khiến đôi bàn tay (tài sản không gì thay thế của nghệ sĩ dương cầm) bị bỏng hóa chất và sau đó là nhặt ve chai để có tiền dùng cho sinh hoạt.
Đến lúc sắp thi vòng chung kết nhạc Chopin vẫn không có nổi một chiếc áo vest để mặc. Giành ngôi vị số 1 rồi thì bị nghi ngờ trốn ở lại Ba Lan và KGB đã đến “hỏi thăm sức khỏe” thầy dạy ở Liên Xô.
Nhưng trên hết, cuốn sách cho ta thấy niềm say mê âm nhạc và nghị lực phi thường của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.
Ở Việt Nam rất nhiều người đặc biệt là các phụ huynh hay có ảo tưởng về “thiên tài”. Sự thực, để thành thiên tài, năng khiếu trời phú là không đủ. Nhờ cuốn sách ta thấy được rõ hơn những thứ tạo nên một Đặng Thái Sơn thành công trong âm nhạc:
- Hoàn cảnh và môi trường gia đình
- Năng khiếu và sự đam mê từ nhỏ
- Sự định hướng âm nhạc của gia đình
- Sự gặp gỡ những người thầy vĩ đại
- Những cuộc giao lưu với các nghệ sĩ lớn và bạn bè âm nhạc trên khắp thế giới
- Nghị lực và suy tưởng cá nhân…
- Nỗ lực trải nghiệm và nâng cao văn hóa của bản thân nghệ sĩ
- Cảm quan về thời cuộc
Qua cuốn sách, thật thú vị khi thấy nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, một du học sinh Việt Nam từ nhỏ sống theo khuôn phép và bản tính nhút nhát tham dự vào các sinh hoạt văn nghệ “chui” thời Xô viết.
Và cuối cùng, cuốn sách giúp người đọc hiểu và cảm nhận được nỗi cô đơn của người nghệ sĩ.
Con người, cho dù mưu cầu hạnh phúc trong xã hội, về bản chất là những người cô đơn. Nghệ sĩ như Đặng Thái Sơn sẽ còn cô đơn hơn nữa. Với những người như thế, cô đơn vừa là tài sản, vừa là nỗi ám ảnh định mệnh.
Không hiểu sao đọc cả cuốn sách gồm 20 chương khi gấp sách lại tôi lại chỉ nhớ nguyên văn mấy câu này.
“Sơn nhớ rất rõ về Hội chữ thập đỏ Vác-sa-va, nơi cất giữ trái tim của Chopin. Cứ mỗi lần đến đó Sơn thường đứng hàng giờ trò chuyện với trái tim của Chopin. Khi ở trong không gian yên tĩnh ấy, tâm hồn Sơn được bình thản và quý trọng từng giây phút vừa qua”
Đấy có lẽ là những nét vẽ chân thực nhất về chân dung người nghệ sĩ.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Bài đã in trong cuốn “Đọc sách thú vị hơn em tưởng”, NXB Lao Động, 2023
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- Đọc sách và nghèo đói
- Nghèo khó là mảnh đất tốt tạo ra và nuôi dưỡng sự luộm thuộm
- Đọc sách là con đường tất yếu
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Quốc Vương Đặng Thái Sơn