Trong xã hội luôn xảy ra một tình trạng mà tôi tạm gọi là bất đối xứng thông tin – kiến thức.

Nghĩa là có những người biết rất nhiều, hiểu rất nhiều nhưng cũng có những người không biết, không hiểu.

Tình trạng này dẫn tới hệ quả là trong khi người biết, người hiểu nghĩ chuyện đó rất dễ, ai chả biết thì ở phía bên kia lại sờ soạng, lần dò thậm chí không biết phải bắt đầu từ đâu.

Tôi lấy ví dụ, trong khi có một bộ phận phụ huynh coi đọc sách cho con từ 0-6 tuổi là đương nhiên. Ngày nào cũng đọc. Sách được đọc rất phong phú, phù hợp bao gồm ehon (sách tranh – picturebook), từ điển bách khoa bằng hình, thơ – truyện có minh họa…

Trong khi đó rất nhiều người khác lại không hề nghĩ tới chuyện đọc sách cho con nghe. Một số khác nghĩ rằng trẻ không biết chữ thì đọc sách là không thể, là thừa. Số còn lại tuy biết mang máng rằng đọc sách cho con nghe là tốt nhưng không biết đọc sách gì vì thế mà đọc cho trẻ nghe những sách không phù hợp về nội dung, thậm chí đọc cho trẻ nghe cả báo, tạp chí dành cho người lớn hoặc nội dung vô thưởng vô phạt.

Đấy là lý do truyền thông khuyến đọc trở nên rất quan trọng.

Những gì đã và đang làm chỉ như muối bỏ bể!

Ra khỏi nhóm bạn bè thân quen ham đọc sách của mình, người đọc sách sẽ thấy mình cô đơn trong biển đồng bào.

Sự nghiệp khuyến đọc còn vô cùng gian nan dù Việt Nam có đến cả trên 20 triệu giáo viên và học sinh – tức là đối tượng đọc nhiều nhất.

Nếu tính số người tốt nghiệp từ THPT trở lên thì vô cùng lớn. Nhưng…

Làm sao để đọc sách trở thành thói quen sinh hoạt thường ngày thì vẫn là một câu chuyện xa xôi, lửng lơ phía trước.

Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: