Bùi Đắc Tuyên: Quyền thần khiến nội bộ nhà Tây Sơn chia rẽ (P1)
- Trần Hưng
- •
Sau khi vua Quang Trung mất, nhà Tây Sơn suy sụp không chỉ do mất lòng dân mà còn do nội bộ mất đoàn kết vì triều đình bị quyền thần Bùi Đắc Tuyên thao túng.
Xuất thân quyền thần Bùi Đắc Tuyên
Bùi Đắc Lương là cự phú ở thôn Xuân Hoà, xã Bình Phú, huyện Tuy Viễn (Bình Khê), phủ Quy Nhơn. Ông sinh ra được 3 người con trai là Bùi Đắc Chí, Bùi Đắc Trung và Bùi Đắc Tuyên cùng 2 người con gái là Bùi Thị Loan, Bùi Thị Nhạn.
Trong đó Bùi Đắc Chí sinh được người con gái là Bùi Thị Xuân trở thành nữ tiếng kiệt xuất của nhà Tây Sơn. Em út Bùi Thị Nhạn vốn rất giỏi võ nghệ, là chị em cùng mẹ khác cha với Hoàng hậu Phạm Thị Liên (vợ vua Quang Trung).
Bùi Thị Nhạn tham gia quân Tây Sơn, vốn giỏi võ nghệ nên được xem là một trong “Tây Sơn Ngũ Phụng Thư”. Khi gặp thủ lĩnh Nguyễn Huệ, bà dần trở nên thân thiết.
Hoàng hậu Phạm Thị Liên sinh được 5 người con trong đó có Thái tử Quang Toản (người nối ngôi Vua sau này). Năm 1791, Phạm Thị Liên mất vì bạo bệnh. Vua Quang Trung liền cưới Bùi Thị Nhạn và phong làm Hoàng hậu, đồng thời để cho chăm sóc con cái của mình. Bùi Thị Nhạn là chị em gái với Phạm Thị Liên nên xem cháu ruột như con của mình.
Bùi Đắc Tuyên dù ít học, nhưng là cậu của Bùi Thị Xuân, đồng thời là anh ruột của Hoàng hậu Bùi Thị Nhạn, là cậu của Thái tử, nên được phong làm Thị lang bộ Lễ và được tự do ra vào cung cấm.
Lúc này Thái tử Quang Toản còn nhỏ, Bùi Đắc Tuyên thường bày nhiều trò chơi và chơi cùng Thái tử, vì thế mà rất được lòng Thái tử.
Lũng đoạn Triều đình
Năm 1792, vua Quang Trung mất, Thái tử Quang Toản lên nối ngôi hiệu là Cảnh Thịnh, Bùi Đắc Tuyên được phong làm Thái sư, quyền lực đầu Triều. Vì Vua còn nhỏ nên quyền lực nằm hết trong tay Bùi Đắc Tuyên.
Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền độc đoán nên các tướng lĩnh Tây Sơn thường bất bình với ông. Trong Triều, Bùi Đắc Tuyên có giao tình với Ngô Văn Sở cùng một số tướng lĩnh, các tướng đi theo được trọng dụng, ưu đãi, trong khi đó những kẻ không theo thì dễ bị chèn ép, nếu có ý chống đối thì bị hạ chức cho đi nơi xa.
Võ Văn Cao vốn là người hay chữ, làm Quốc Tử Giám trực giảng, sau thăng làm Thái tử Trung doãn, vốn là người cương trực nên không chịu nổi Bùi Đắc Tuyên. Ông bỏ quan về quê cày ruộng, làm nhiều bài thơ mô tả Bùi Đắc Tuyên là gian thần. Khi Võ Cao chết, Bùi Đắc Tuyên cho rằng giả chết rồi bắt bật nắp quan tài để kiểm tra.
Trần Long Vỹ làm Thị lang bộ Lễ, một lần cao hứng ngâm thơ ngỏ ý châm biếm Bùi Đắc Tuyên, biết chuyện Đắc Tuyên mượn cớ để cách chức.
Triều Tây Sơn xảy ra mâu thuẫn, chia phe phái. Nhiều người có chính khí không chịu được Bùi Đắc Tuyên thì chọn cách gia nhập quân của Nguyễn vương Nguyễn Phúc Ánh ở Nam bộ.
Biến động
Lê Văn Hưng, một trong “Tây Sơn thất hổ tướng”, vốn là đồng hương cùng huyện với Bùi Đắc Tuyên. Ông là một võ tướng thật thà, chỉ giỏi trận mạc và ít tham dự triều chính, vì thế mà Bùi Đắc Tuyên kéo về phe mình và rất trọng dụng.
Bản tính thật thà, lại có khí chất của nhà tướng, nên dù được ưu ái nhưng Lê Văn Hưng dần dần nhận rõ Bùi Đắc Tuyên là kẻ gian thần, có những việc ông phản đối kịch liệt. Bùi Đắc Tuyên thấy không thể dùng Lê Văn Hưng được nữa nên tìm cách trừ bỏ.
Năm 1794, Đắc Tuyên tâu với Vua cử Lê Văn Hưng đi đánh thành Phú Yên. Lê Văn Hưng vâng mệnh đi và giành được thành. Ông giao thành Phú Yên cho Nguyễn Quang Huy giữ rồi về Phú Xuân báo tin thắng trận.
Bùi Đắc Tuyên tâu với Vua là Lê Văn Hưng chưa có lệnh mà trở về, rõ ràng có ý tạo phản cần trừ khử. Vua Cảnh Thịnh vì còn nhỏ tuổi nên chuẩn tấu, Ngô Văn Sở can ngăn không được, Phụ chính Trần Văn Kỷ can thiệp khiến Bùi Đắc Tuyên tức giận cách chức cho làm lính rồi đày đi coi trạm Hoàng Giang.
Năm 1795, Bùi Đắc Tuyên lo Võ Văn Dũng ở Thăng Long sẽ là thế lực chống đối nên gọi về Phú Xuân để người của mình là Ngô Văn Sở ra thay. Võ Văn Dũng về đến Hoàng Giang thì gặp Trần Văn Kỷ. Sau khi nói rõ tình hình Triều đình, Kỷ nói với Dũng rằng cần diệt trừ Bùi Đắc Tuyên.
Võ Văn Dũng vốn rất tin Trần Văn Kỷ nên nghe theo. Đến Phú Xuân, Dũng không vào Triều ngay mà mới Thái úy Phạm Công Hưng cùng Thái bảo Nguyễn Văn Huấn đến bàn cách diệt Đắc Tuyên và nhận được sư đồng ý của hai người này.
Ngay đêm hôm đó, 3 người thống lĩnh binh đến vây chặt dinh Thái sư, lúc đó mới biết Thái sư không ở dinh của mình mà ở trong trong Kinh thành. Lập tức binh lính đến Kinh thành đòi Vua phải giao Thái sư ra. Không có lựa chọn nào khác, Vua phải giao nộp Bùi Đắc Tuyên.
Quân của 3 tướng cũng bắt luôn con Tuyên là Bùi Đắc Trụ rồi giả chiếu chỉ ra Bắc hà bắt luôn Ngô Văn Sở. Cha con Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở bị xử tội mưu phản, bị nhốt cũi rồi dìm xuống sông Hương đến chết.
Tuy vậy, ảnh hưởng của quyền thần Bùi Đắc Tuyên cuối cùng đã khiến nhà Tây Sơn sụp đổ.
- Xem phần 2
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Tây Sơn quyền thần