Chieu tren nghia trang 02
(Ảnh qua Xunauvn.org)

Chiều hôm đó vợ chồng tôi lên nghĩa trang thăm mẹ. Lúc này là đầu tháng mười một, ngày tử vong nhân. Gió lạnh thổi trên các cánh đồng, rít lên trên mấy hàng cây lá cành trơ trụi. Những đám mây cuồn cuộn trôi lững thững trên bầu trời thấp và âm u. Không gian phủ một màu xám, mặt trời le lói, chiếu sáng mù mờ nên trông như ánh trăng khuya. Chúng tôi bước đi trên con đường nhỏ, trống trải và cái rét nhè nhẹ len lỏi qua lớp áo choàng không dày lắm.

Trời lúc này đã vào thu, không gian bàng bạc mơ hồ đã khiến tôi liên tưởng đến câu thơ cổ: “Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu” (một lá ngô đồng rụng, thiên hạ biết mùa thu) rồi chợt nhớ lần đầu nhìn thấy cây ngô đồng trên đất thần kinh mà các vua lệnh trồng để phượng hoàng về đậu trong vườn thượng uyển. Ở đây, trên đất Italia không có ngô đồng, nhưng mọi người vẫn biết mùa thu đang tới vì những lá phong ven đường đã nhuốm vàng và bắt đầu ửng đỏ.

Vợ tôi mang theo bó hoa. Đến nơi, nàng không quên cắm vào bình và đặt viên chocolat, loại sinh thời bà rất thích, dưới chân chiếc lục bình. Tôi nhìn nụ cười phúc hậu của mẹ nàng trong ảnh. Người đàn bà tóc vàng, đôi mắt mở to sau đôi kính, như muốn nhắn gửi một điều gì cho con cháu. Trên vai bà có quàng một chiếc khăn lụa trắng, lấm tấm những đoá hoa vàng trên nền xanh da trời. Tấm ảnh ấy chúng tôi chụp trong mùa Giáng sinh năm nào ở nhà bà. Mới đó, quây quần bên nhau ăn uống, mà giờ đã ba năm.

Mấy tháng trước đến đây, những hộc tro bên chỗ nằm muôn đời của mẹ hãy còn trống, mà bây giờ đã khép kín, gần đầy. Bên cạnh mẹ lại vừa có thêm di ảnh của một người Á châu, xác chắc mới được hỏa thiêu và vừa mang đến. Tôi ngắm khuôn mặt chưa già lắm của anh, chỉ chừng bốn mươi ngoài rồi lòng thầm hỏi: Nếu đời là cát bụi, thì cát bụi ấy ĐẾN từ đâu mà lại TỤ ở nơi đây. Trên đất khách quê người?

Từ mộ mẹ đi ra, tôi hay thả bộ, lững thững trên các con đường nhỏ xung quanh nghĩa trang. Đó đây trên những tấm bia có những hàng chữ thường làm tôi chú ý: Chẳng hạn, bên cạnh ngôi mộ của một cụ già có lời cầu nguyện cho người ra đi mãi mãi ngủ yên, bình an trong vòng tay nhân ái của Chúa: “Requiem Aeternam”, “Nơi an nghỉ muôn đời”. Hoặc có khi là một lời xót thương, tiếc nuối của người vợ trẻ: “Yêu anh dễ, quên anh không thể” (Amarti è facile, dimenticarti è impossibile); hoặc một lời xác nhận: “Không ai có thể chết khi vẫn còn hiện diện trong tim người sống”.

Phần đông những lời khắc trên bia là những tiếc thương, nuối tiếc. Nhưng không phải trên tấm bia nào cũng chỉ có lời than thở, vì đôi khi cũng có những ý tưởng rất khác, thí dụ trên tấm bia chung, chắc của các con lập cho mẹ, mất năm 1979, và cha, mất năm 2001, có ghi: “Trong niềm vui ba má đã gặp lại nhau, chúng con xin biến nỗi đau thành lời cầu chúc” ( nella contentezza che vi siete ritrovati, il nostro dolore si trasformano in gioia )… vài hàng ngắn ngủi nhưng nó nói lên tất cả nỗi buồn và quạnh quẽ của người cha, sống cô độc hơn hai mươi năm, kể từ khi mất vợ.

Lang thang đây đó, nhưng rất nhiều lần trước khi về hẳn, tôi thường dừng lại bên một ngôi mộ thật lớn, nơi có bức tượng đồng một nữ thiên thần đứng trên chân phải, nửa người gập về phía trước, còn chân trái đưa cao, duỗi thẳng ra sau cùng với hai cánh tay giang rộng, vươn lên cao, chênh chếch về sau thành hình đôi cánh mở tung, trong tư thế sắp sửa bay lên. Lần nào qua đây tôi cũng thấy rất nhiều hoa, loại đắt tiền. Người quản nghĩa trang có lần cho biết là gia đình này mỗi ngày đều thay các bó hoa tươi, toàn những thứ hiếm và đẹp đã khiến tôi nghĩ ngợi rất nhiều về gia đình quý tộc này. Người thân của họ đã không còn nữa mà họ vẫn còn tiếp tục sống bằng kỷ niệm. Trong đó có những giây phút không quên của quá khứ, mà những bó hoa kia không gì khác hơn là sự ngưng đọng của các nỗi đau đớn triền miên. Kéo dài từ lúc người thân mất, đến hôm nay cho đến mãi mãi về sau.

Trên nấm mộ sang trọng đó có tấm di ảnh một người thanh niên làm bằng đá mài, màu sắc linh động, nhất là đôi mắt mở to, miệng mỉm cười hướng về phía người đối diện. Cạnh đó có một tấm bảng bằng đồng khắc ghi hàng chữ: “Xin đừng khóc. Con sẽ tiếp tục và mãi mãi yêu thương ba má từ thế giới bên kia! Tình yêu là linh hồn, mà linh hồn thì bất tử”. Ai đã thốt lên điều đó? Chắc không phải của những người lập mộ, vì có lẽ đó là những lời cuối cùng của người trong ảnh, khi bàn chân đã bắt đầu giá lạnh mà trái tim hãy còn hâm hấp nóng, thì thào để an ủi những người thân đang nước mắt lưng tròng. Ngay lúc anh ý thức rằng đời sống của mình sắp sửa lụy tàn.

Tôi nghĩ là chính anh đã nói thế, vì có lẽ cho đến lúc ấy anh đã không sợ chết, có khi còn xem cái chết là một phần của đời sống, điều tất nhiên phải đến trong cuộc đời, và ý nghĩ đó đã khiến anh bình thản, sẵn sàng đối diện, để không phải quay đi mà không dám ngoái đầu nhìn lại. Nói chung là anh biết chấp nhận chân lý của cuộc tử, sinh. Dù, ai lại không muốn sống một đời sống đẹp, dài lâu, có ý nghĩa, hữu ích cho đời, nhưng chắc là lúc ấy, khi đau đớn đang hoành hành trên thân thể rã rời, trên xác thân sắp bắt đầu băng hoại, anh đã thấy là không còn gì để tha thiết nữa. Chắc chắn anh đã nhìn cái chết của chính mình như một giải thoát, mà vướng bận cuối cùng chắc chỉ còn cho những người thân còn ở lại. “Tôi sẽ tiếp tục yêu thương các người từ thế giới bên kia! Tình yêu là linh hồn, mà linh hồn thì bất tử”. Lời xác nhận ấy thường làm tôi liên tưởng đến những người đã chết mà linh hồn như còn vảng vất đâu đây, quanh quẩn như còn muốn lưu lại trần thế, để phù hộ cho những người ruột thịt. Rồi cảm thấy mến anh, dù chưa hề quen biết .

Chưa quen biết nhưng tôi vẫn cầu mong là lúc về nước Chúa lòng anh được bình an. Tôi hy vọng như thế. Bởi đứng trước cuộc chia ly, dù cứng rắn và ý thức đến đâu, nào ai tránh được nỗi buồn? Lòng kẻ ra đi và người ở lại làm sao thoát khỏi đớn đau, quặn thắt? Vì, trong kiếp người, nếu quả là mỗi người đều mang một mệnh số, có một đời sống và mộng ước khác nhau, nhưng trong suốt cuộc nhân sinh dường như ai ai cũng đều phải chịu những đau đớn triền miên. Kể từ lúc mở mắt chào đời cho đến khi lìa bỏ cõi trần. Bởi thân xác con người tuy bé nhỏ nhưng luôn phải gánh chịu những nỗi đau rất lớn. Thành ra xưa nay, đã có mấy ai ra đi vĩnh viễn mà lòng được thanh thản nhẹ nhàng?

Từ nghĩa trang ra về, lòng tôi cứ mãi bâng khuâng. Vợ tôi vẫn chìm trong yên lặng, có lẽ nàng đang nhớ lại những kỉ niệm êm đẹp với mẹ mình. Tôn trọng phút giây thiêng liêng ấy tôi cũng trầm ngâm suy nghĩ, chẳng buồn gợi chuyện.

Lúc về đến nhà, ngồi chờ vợ chuẩn bị bữa cơm chiều, tôi mở TV, bản tin đầu cho biết là tổng thống Mỹ, George Bush,vừa tuyên bố chiến tranh kết thúc, sứ mạng của Mỹ tại Iraq đã hoàn thành. Nhưng bình luận viên lại cho hay là thực ra nó mới chỉ bắt đầu. Một ngàn ngày qua, kể từ 20/3/03, ngày liên quân Anh-Mỹ khởi đầu chiến dịch lật đổ Saddam Hussein, báo chí Tây phương vừa tổng kết là lớn nhỏ có hơn 200.000 cuộc nổi dậy và hậu quả, tính đến nay đã có 18.000 lính Mỹ chết hoặc bị thương; Về phía Iraq, hơn 30.000 thường dân thiệt mạng!

Bản tin sau đó còn cho hay là mới trưa nay có ba chiếc xe bom vừa gây thảm sát ở Iraq. Một nổ ở trại lính Mỹ. Một ở nhà ga xe lửa và chiếc thứ ba lao vào siêu thị. Hàng chục người chết và hàng trăm thương tật. Tôi rùng mình nhìn những hình ảnh đẫm máu trên màn hình rồi tự hỏi, tại sao cuộc sống càng ngày càng khó mà loài người cứ mãi giết nhau? Không tìm được trả lời, nhưng bỗng nhiên tôi cảm thấy thật phi lý khi nghĩ rằng, một người chết là một linh hồn, một đời sống đã giã từ trần thế. Nhưng hàng nghìn người chết, nhiều khi chỉ còn là một con số vô nghĩa và lạnh lùng trên bảng thống kê .

Tôi châm một điếu thuốc rồi lặng lẽ bước ra ban-công nhả khói. Nhìn những sợi trắng tản mạn bay lên, đầu óc ngẫm nghĩ bâng quơ, lộn xộn. Ngay lúc đó, một tiếng chuông của ngôi chùa Tây Tạng từ hướng đông nam gần nhà vọng đến. Âm thanh ngân dài, rất nhẹ, nhưng rung rất lâu trong không gian và khe khẽ thấm vào từng sớ thịt, len lỏi vào tận đáy tâm hồn. Tôi dụi điếu thuốc, lòng bỗng nhiên bình thản và sảng khoái hít một hơi dài ngụm không khí trong lành, hơi lành lạnh của buổi chiều tà, rồi chợt nhớ lại là dường như mình vừa mới đọc được ý tưởng tuyệt vời này ở một trang sách nào đó: “Sao chúng ta không gom hết vũ khí trên trái đất, đúc thành những chiếc chuông nhỏ và phân phát cho tất cả mọi người, mời tham gia vào một cuộc đại diễn hành vòng quanh thế giới để đòi hỏi hoà bình: đồng loạt, đồng loạt những tiếng chuông cùng lúc gióng lên, ngân vang trong không gian, truyền đến mọi quốc gia trên quả địa cầu để tỉnh thức tâm thiện của loài người.”

Trương Văn Dân

Đăng tải dưới sự cho phép của tác giả
Bài đã đăng trên Xứ Nẫu (xunauvn.org)

Mời xem thêm tác phẩm của tác giả Trương Văn Dân tại đây

Xem thêm cùng tác giả: