Cần biến đọc sách thành việc tự nhiên
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Chuyện cổ Việt Nam kể rằng sau khi lên làm vua, trong mệnh lệnh đầu tiên dành cho đầu bếp, Cuội đã bắt họ làm các món như bánh đúc, bánh đa để vua chén cho khoái.
Chuyện cổ của Tây cũng kể rằng khi lên làm vua, một gã ăn mày nọ đã lén trốn khỏi “long sàng” để nằm xuống đất. Có làm thế vua vốn là ăn mày ngủ mới ngon.
Tại sao người Việt Nam ta thích ăn mắm tôm, nước mắm, cua cáy… là vì thế. Ăn từ nhỏ, vị giác bị kích thích mạnh đâm nhớ lâu. Các món ta ăn thấy ngon chủ yếu là các món đã từng ăn hồi nhỏ. Nhiều món nấu cầu kì, bổ béo nhưng ta ăn không ngon là vì vậy.
Môi trường sống hồi nhỏ và thói quen thơ ấu ảnh hưởng rất lớn đến đời người.
Nhiều người sống sang trọng hồi nhỏ đến lúc lớn lên, về già sa sút vẫn giữ thói quen sinh hoạt phong lưu. Ngược lại những ai sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh nghèo túng, sinh hoạt tạm bợ… thì có khi sau này gặp vận đỏ, giàu có hoành tráng vẫn sinh hoạt theo cảnh ngày xưa tức là “không sang, không sướng được”. Tôi từng nghe kể rằng có nhiều bác két có vài tỉ tiền mặt, sống giữa phố phường vẫn đun bếp than tổ ong khói um cả phố bất chấp hàng xóm phản đối.
Lý do chính là vì…quen nghĩ, quen sống như thế. Họ, trong vô thức, đã trở thành tù nhân của ký ức.
Ở ta khái niệm “dân dã”, hay “giản dị”, “hòa đồng”…là các khái niệm tiện dụng trong diễn giải nhất.
Quay trở lại văn hóa đọc.
Việc đọc sách cũng tương tự như trên. Nếu đứa trẻ từ trong bụng mẹ và khi sinh ra đã được tiếp xúc với sách vở, văn chương, học thuật, được hít thở bầu không khí đó hàng ngày thì tất yếu lớn lên những thứ đó sẽ thành trải nghiệm quý giá. Họ sẽ có cơ hội cao trở thành người biết trân trọng sách vở, di sản văn hóa, đời sống văn chương, khoa học, nghệ thuật, biết trân trọng người tạo ra các giá trị đó một cách vô cùng tự nhiên như ăn cơm, uống nước.
Nhiều người khi lớn lên cho dù học hành có bằng cấp cao, đời sống vật chất tốt, có vị trí trong công việc nhưng không thể có được tư duy, thói quen sinh hoạt tôn kính văn chương, nghệ thuật, khoa học… như trên là vì họ thiếu trải nghiệm thời thơ ấu, thời của tâm hồn trong trẻo, bay bổng. Với họ, tất cả chỉ là công việc hay nghĩa vụ, thậm chí là một tấm áo để mưu cầu lợi ích.
Nó không phải là tình cảm tự nhiên hay thói quen sinh hoạt thường ngày. Đấy là điều đáng tiếc.
Nghĩa vụ của người Việt ta bây giờ là phải làm sao biến mọi thứ ấy thành tự nhiên để có một thế hệ người Việt mới biết sống trong môi trường văn hóa, tạo ra giá trị văn hóa, trân trọng con người văn hóa một cách tự nhiên, như một như cầu thiết yếu.
Nguyễn Quốc Vương
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- Văn chương ích gì cho cuộc sống hôm nay?
- Quan sát lớp trẻ Việt
- “Tôi có thể làm gì để khuyến khích, giúp đỡ người khác đọc sách?”
- Con cái chúng ta đang học kém đi hay đang sống tồi đi?
Mời xem video:
Từ khóa đọc sách văn hóa đọc Nguyễn Quốc Vương