Chuyện không nhỏ: Mời bà hay là cho con?
- Thiên Cầm
- •
Hai chị em lâu ngày gặp nhau rủ rỉ, rù rì ngồi đàm luận chuyện Đông Tây kim cổ. Cô chị ra vẻ bí mật hỏi: “Nếu em có 1 quả táo, em sẽ mời bà nội hay đưa cho con em trước?”
“Dĩ nhiên là em sẽ đưa cho con em rồi. Đưa cho bà thì đằng nào bà nội cũng lại mang cho cháu.”
“Chị lại nghĩ sẽ khác nhiều đấy!” Cô chị nheo mắt mỉm cười đầy ẩn ý.
Cô em vẫn ngơ ngác, còn chưa hiểu gì, thì cô chị đã hỏi một câu khác:
“Em có biết ‘Lão sư’ là chỉ ai không?”
“Em cũng hiểu âm Hán Việt đấy nhé, ‘Lão sư’ là thầy giáo đúng không chị?” Cô em hớn hở.
“Ừ, đúng rồi!” Cô chị gật đầu.
“Nhưng chữ ‘Sư’ đã có nghĩa là ‘Thầy’ rồi, vậy cần thêm chữ ‘Lão’ làm gì nhỉ? Hay thầy giáo ngày xưa đều là những ông đồ già ạ?”
“Không phải vậy đâu! Trong tuyệt tác Sư đạo có câu rằng: ‘Con người có 3 sinh mệnh, một là sinh mệnh do cha mẹ sinh ra, hai là sinh mệnh do người thầy tạo ra, ba là sinh mệnh do tự mình lập nên. Cha mẹ sinh thân này, thầy cô tạo linh hồn này, sau đó tự mình lập mệnh này. Cho nên người làm thầy chẳng khác nào cha mẹ tái sinh, một ngày làm thầy cả đời làm cha, hay còn gọi là Sư phụ (thầy cha).’ Ngày nay cũng có câu ca dao rằng: ‘Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy’.
Chữ ‘Lão’ ở đây ý chỉ sự tôn trọng đấy, người xưa rất coi trọng người già. Cổ ngữ có câu: ‘Trong nhà có một người già như có một báu vật’. Trong văn hoá Á Đông, vào những dịp lễ tết, người cao tuổi nhất đều ngồi trên ghế, con cháu khấu đầu bái lạy rất trang trọng.”
“Thế à chị? Thế còn người Việt mình thì thế nào ạ?” Cô em hiếu kỳ hỏi tiếp.
“Người Việt xưa cũng vậy. Từ năm 1618 đến 1622, trong 4 năm sinh sống tại Quảng Nam – Quy Nhơn, Christophoro Borri, một người nước ngoài đã miêu tả vài nét chung về văn hoá ứng xử trong cộng đồng người Việt. Qua tập sách ‘Xứ Đàng Trong’ năm 1621, ông viết: ‘Họ đặc biệt kính trọng người già nua tuổi tác, bao giờ họ cũng nể người có tuổi hơn. Trong mọi việc, ở vào bất cứ cấp bậc nào, gia thế nào, bao giờ họ cũng nhường ưu tiên cho người già hơn.’.
Tương tự như C. Borri, M.Vassal cho biết một trong những phong tục truyền thống của người Việt là kính trọng người cao tuổi. Bà viết: ‘Ngoài đường cũng như trong nhà người ta bày tỏ lòng tôn kính rất mực đối với người già. Người nghèo nhất, khi đã luống tuổi, cũng được mọi người kính nể ngang bằng một ông quan.’ ”
“Ồ, thú vị đấy chị nhỉ?” Cô em háo hứng lắng nghe chị từ tốn nói tiếp:
“Hội nghị Diên Hồng năm 1284 là một minh chứng tuyệt vời về một phong tục tốt đẹp của người Việt mà quốc sử còn lưu. Năm ấy tại kinh thành Thăng Long, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã triệu họp các bô lão trong cả nước về trước thềm điện Diên Hồng để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay đánh khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2.
Vậy nên có thể thấy dẫu ở trong gia đình hay ngoài xã hội, người già cũng đều rất được coi trọng. Ở trong nhà, người già được ví như ngôi sao Thiên Đức, truyền lại gia phong và đạo đức, cái gốc làm người cho con cháu, mang lại phúc lành cho gia đình. Vậy nên hiếu với cha mẹ già, thì cuộc sống mới thông thuận, ấm êm. Ngoài xã hội, người già là giường cột của quốc gia, những trải nghiệm và trí huệ của họ được đúc rút từ chính cuộc đời mình, sẽ giúp con người tránh khỏi sai lầm hay đi đường vòng.”
“Chị nói cũng phải ạ!” Cô em gật gật đầu tỏ vẻ đồng tình.
Đột nhiên giọng chị trầm ngâm, pha chút ngậm ngùi: “Hôm trước dì Tư nhà bên kể với chị chuyện nàng dâu trách bà không trông cháu giúp. Con bé tị nạnh với nhà người ta, sinh cháu ra toàn ông bà chăm.”
“Ồ, thì thời nay, con cái sinh cháu, toàn nhờ ông bà chăm mà chị. Thế dì ấy nói sao ạ?”
“Dì ấy nói với cả với 2 vợ chồng cậu con trai là: Mẹ đã hy sinh gần hết cuộc đời cho cha con và 3 anh em con. Giờ cha con mất rồi, các con cũng đã khôn lớn, có công việc ổn định và gia đình của mình. Ngày xưa ba thường xuyên đi công tác, mẹ chăm ba anh em cũng chỉ có một mình. Giờ các con có con, thì các con tự lo. Sức mẹ yếu rồi, mẹ chỉ có thể chơi với các cháu và đỡ đần các con khi cần thiết. Giờ mẹ già rồi, mẹ muốn sống cho mình trong phần đời còn lại.”
Cô em tiếp lời: “Cô ấy nói cũng hợp tình hợp lý ạ. Em thấy giờ nhiều đôi vợ chồng trẻ sinh con ra, còn nghiễm nhiên coi đó là trách nhiệm của ông bà nữa ý chứ. Thế là lúc trẻ cha mẹ nuôi con, đến già lại nuôi cháu. Có nàng dâu còn không tiếc lời chê trách mẹ chồng chăm cháu không sạch sẽ, không khoa học này khác, mà các bà cũng phải ngậm tăm ý. Mẹ già không được an hưởng tuổi già, mà nghiễm nhiên thành ô sin không lương! Thời thế thế thời!” Cô em thở dài.
Cô chị ngó nhìn xa xăm: “Ừ, thời xưa được coi là ‘phong kiến’, ‘cổ hủ’, ‘lạc hậu’ thì người già được an hưởng tuổi già, được con cái báo hiếu, được người đời trọng vọng. Thời công nghệ hiện đại ngày nay, người già thường thấy cô đơn, lạc lõng, thậm chí còn bị coi là ‘lạc hậu’, ‘cổ hủ’, ‘chậm tiến’, ‘không theo kịp thời đại’. Khi người khác nói em ‘Già rồi!’ thì lập tức trong đầu em nghĩ tới điều gì?
“À! Hay quên này, lẩm cẩm này, cố chấp này, ốm đau bệnh tật này…”
“Ừ, nội mình ngày xưa cũng suốt ngày phiền muộn, cảm thấy mình vô dụng vì già rồi không làm gì ra tiền. Nội chỉ lo mình ốm đau nằm ra đấy, lại khổ con, khổ cháu. Thời hiện đại con cháu ai cũng bận rộn với công việc của riêng mình, chẳng dành được mấy thời gian cho nội. Nội buồn, chỉ biết ra vào nói chuyện với con cún con thôi!” Nói rồi hai chị em đều thở dài nhớ tới nội đã quá cố.
Chị tiếp lời: “Giờ mà các cụ mở miệng ra kể chuyện ngày xưa, chuyện nhân quả, chuyện Thần tiên, cũng chẳng mấy người đặt tâm lắng nghe, có khi còn chê các cụ lắm lời. Ai nấy đều thích trốn trong thế giới ảo của mình trong máy tính và điện thoại di động. Vậy nên người già càng trở nên cô đơn, lạc lõng và thấy mình vô dụng. Thật là lãng phí một nguồn lực lớn trong xã hội! Cái ông Donal Trump ấy, 70 tuổi mới làm tổng thống của Mỹ. Tuổi ấy ở mình đã cho về nhà ôm cháu rồi. Thế mà trong 2 năm ông ấy đã khiến cả thế giới phải chạy theo.
Khi đạo đức được xã hội coi trọng, thì cả xã hội vận hành theo tôn ti trật tự từ trên xuống dưới. Ngày xưa người già đức cao vọng trọng, người người tôn kính. Ngày nay vật chất làm trọng, trung tâm của mỗi gia đình lại chuyển hướng sang các tiểu hoàng tử và tiểu công chúa, trật tự đảo lộn hết cả. (Cười) Chị em mình đúng là ăn cơm cà nói chuyện thế giới!”
Mắt cô em bỗng nhiên sáng rỡ, cô reo lên:
“À, em hiểu dụng ý của chị rồi! Thường thì giờ các mẹ theo phản xạ tự nhiên sẽ đưa quả táo cho con mình vì mẹ nào mà chẳng thương con. Nhưng nếu hiểu về văn hoá, lễ nghĩa, tôn ti trật tự trong gia đình thì nên đưa cho bà. Bà nào mà chẳng thương con thương cháu, có gì ngon cũng dành cho con cháu. Như vậy vừa thể hiện sự tôn kính với cha mẹ già, cũng là tấm gương cho các con mình noi theo, mà còn tăng thêm tình cảm giữa ông bà và các cháu.”
Cô chị tủm tỉm cười, gật đầu nhìn cô em vẫn tiếp tục huyên thuyên:
“Thế mà em còn nghĩ nhà mình không có điều kiện, nên chắt bóp chi tiêu, chẳng dám mua cho ông bà, cho mình ăn, chỉ dám mua giấu giếm cho hai thằng cu. Đúng thật là! Cha mẹ già chẳng biết còn sống được bao lâu, thì không lo báo hiếu. Con cái còn nhỏ tương lai còn dài rộng, không lo dạy con đạo làm người, mà chỉ biết cho con ăn sung mặc sướng.”
“Em nói đúng rồi đấy! Việc tuy nhỏ mà không nhỏ! Một hạt cát chứa đựng cả thế giới.”
Hai chị em bất giác cùng nhìn ra bên ngoài khung cửa sổ, ánh chiều tà nghiêng nghiêng đổ dài loang loáng trước mặt sân.
Thiên Cầm
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Kính trọng người già người già Giáo dục con cái