Chuyện Chúa Nguyễn chọn dùng Phật Pháp trị quốc
- Trần Hưng
- •
Khi Nguyễn Hoàng vào nam trấn thủ, ở hoàn cảnh đất đai chưa khai phá, dân cư hỗn tạp, ông đã chọn phương thức trị quốc bằng Phật Pháp để ổn định lòng dân, giúp cuộc nam tiến thành công định hình nên nước Việt ngày nay.
Năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng vào nam trấn thủ vùng đất Thuận Hóa và Quảng Nam. Không phải vô duyên vô cớ mà Trịnh Kiểm đồng ý cho ông trấn thủ nơi đây, vì đến đây giống như đến chốn tử địa.
Nơi đây chưa được khai phá nên rất hoang sơ nghèo nàn, thời đấy gọi đây là “ô châu ác địa”, tập trung thành phần trộm cướp, kẻ tránh sự truy nã của Triều đình, dư đảng nhà Mạc… Dân cư dù ít nhưng thành phần đa dạng và với văn hóa tín ngưỡng khác nhau đan xen.
Đến một nơi như vậy, ban đầu Nguyễn Hoàng phải dùng luật pháp nghiêm khắc kết hợp với các biện pháp an dân. Nhưng luật pháp chỉ khiến dân sợ mà tuân theo chứ không quản được tâm con người, muốn thay đổi thật sự tâm con người thì chỉ có niềm tin vào tín ngưỡng.
Năm 1592, chúa Trịnh Tùng đưa quân chiếm được Thăng Long, rồi lập mưu để năm 1593 Nguyễn Hoàng phải ra bắc yết kiến vua Lê Thế Tông, mừng Vua chiến thắng trở về Kinh thành.
Nguyễn Hoàng vào thế phải ra bắc. Trịnh Tùng muốn nhân dịp này giữ chân Nguyễn Hoàng ở lại bắc để dễ kiểm soát, nên dâng biểu xin Vua phong cho Nguyễn Hoàng làm Trung quân đô đốc phủ tả đốc chưởng phủ sự thái úy Đoan quốc công. Từ đó Nguyễn Hoàng phải ở bắc giúp Trịnh Tùng đánh dẹp nhà Mạc.
Nguyễn Hoàng thân phải ở bắc, nhưng trong lòng luôn nghĩ đến phương nam. Năm 1600, Nguyễn Hoàng lập mưu chạy về được Thuận Hóa.
Sau 8 năm ở bắc, Nguyễn Hoàng thấy rõ sự xuống dốc của Nho giáo. Thời kỳ vua Lê Thánh Tông Nho giáo phát triển cực thịnh giúp Đại Việt hùng mạnh, lân bang e sợ. Nhưng sau khi đạt đến đỉnh cao thì Nho giáo xuống dốc đến lúc rệu rã rồi. Trước đó nhà Lý và nhà Trần dù có các kỳ thi Nho học để chọn hiền tài, nhưng lại thịnh hành Phật Pháp, các vị Vua khai quốc của nhà Lý và Trần đều là những người tu luyện, dùng Phật Pháp giáo hóa dân chúng, nhờ đó mà Xã Tắc ổn định, Giang Sơn hùng mạnh. Nhờ đó nhà Trần có thể 3 lần đánh bại đội quân Mông Cổ hùng mạnh.
Vì thế Nguyễn Hoàng quyết định dùng Phật Pháp để trị quốc. Năm 1600, Nguyễn Hoàng về lại Thuận Hóa rồi đi thị sát khắp các nơi tìm đất có phong thủy tốt, tìm ra vùng đất bên sông Hương để làm thủ phủ Đàng Trong sau này. Năm 1601, Nguyễn Hoàng cho cây chùa Thiên Mụ ở thượng nguồn sông Hương, năm 1602 lại cho xây chùa Sùng Hóa ở hạ nguồn sông Hương. Hai ngôi chùa này đánh đấu nơi xây dựng cơ đồ của nhà Nguyễn, đó chính là địa bàn chính của thủ phủ đô thị Kim Long- Phú Xuân sau này.
Chùa Linh Mụ được xây dựng ở nơi “tụ linh khí, bền long mạch” theo lời chỉ dẫn của bà tiên. “Đại Nam nhất thống chí” có chép rằng:
“Chúa thượng đến xã Hà Khê (nay là xã An Ninh), thấy đồng bằng nổi đất cao như hình con rồng ngoảnh đầu trông lại, phía trước trông ra sống cái, phía sau liền với hồ, phong cảnh đẹp tốt, nhân hỏi người địa phương, họ nói gò này rất thiêng. Tương truyền ngày trước có người trông thấy một bà già mặc áo đỏ quần xanh ngồi trên gò nói: ‘Phải có chân chúa đến dựng chùa ở đây, mà thu góp khí thiêng để giữ vững long mạch’. Nói xong thì biến mất, nên gọi là núi Thiên Mụ. Chúa thượng bèn dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ”.
Chùa được xây dựng trên đồi Hà Khê, được gọi là “Thiên Mụ tự” tức bà mụ nhà trời . Chùa Thiên Mụ được dựng lên là để “tụ linh khí, bền long mạch” theo lời chỉ dẫn. nhưng phải qua ba vòng hoa giáp thì linh khí mới hội tụ đầy đủ, một vòng hoa giáp là 12 năm, ba vòng hoa giáp là 36 năm, từ 1601 đến 1636 là thời chúa thứ ba Nguyễn Phúc Lan.
Năm 1635, chúa Nguyễn Phúc Lan lên ngôi. Năm 1636 linh khí đã đầy đủ mới dời Phủ Chúa đến Kim Long dưới chân chùa Thiên Mụ, đây là mốc quan trọng hình thành nên cố đô Huế sau này.
Dù Phủ Chúa ở gần chùa Thiên Mụ, nhưng ban đầu chùa Sùng Hóa ở hạ lưu sông Hương lại trở thành trung tâm sinh hoạt Phật giáo, do là nơi thuận tiện đi lại, nhất là bằng đường thủy.
Năm 1691, vị Chúa thứ 6 của Đàng Trong là Nguyễn Phúc Chu lên ngôi, gọi là chúa Minh. Chúa là người mộ đạo, cho giảm thuế và bớt lao dịch cho dân chúng.
Thời kỳ này Phật Pháp phát triển rộng khắp khiến đạo đức thăng hoa, xã tắc ổn định, người dân có cuộc sống sung túc, đây là nền tảng giúp cho các cuộc nam tiến, mở rộng lãnh thổ thành công.
Năm 1694, chúa Minh cho người sang Quảng Đông mời Hòa thượng Thích Đại Sán (thiền sư Thạch Liêm) đến giảng giải Phật Pháp cho quan lại và dân chúng nghe. thiền sư Thạch Liêm đã truyền giới Bồ tát cho Chúa, gia đình thân quyến cùng 1.400 người ở Phú Xuân. Chúa Minh được ban pháp danh là Hưng Long.
Chúa Minh dùng Phật Pháp trị quốc khiến Đàng Trong ngày càng cường thịnh và hùng mạnh.
Hòa thượng Thích Đại Sán đã làm đôi câu đối:
An nam quốc thổ bất nhị môn, mạc thác quá khứ
Thuận Hoá thiền lâm đệ nhất bộ, hướng giá quý lai.
Dịch là:
An nam quốc thổ không có môn pháp khác, chớ lầm bỏ sót.
Thuận Hoá rừng thiền có một bước, xin cứ tiến vào.
Năm 1710, chúa Minh cho đại trùng tu chùa Thiên Mụ, đồng thời cho đúc chuông mới gọi là “Đại hồng chung”, chuông nặng 2,021 kg, cao 2,5 m, đường kính 1,2 m. Vào ngày lễ Phật Đản tiếng vang của chuông bao phủ khắp kinh thành. Tiếng chuông cũng đánh dấu giai đoạn phát triển đến cực thịnh ở Đàng Trong.
Năm 1714, chúa Minh lại cho sửa sang lại chùa Thiên Mụ, tất cả các thợ khéo đều được huy động, đại trùng tu với nhiều kiến trúc quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, nhà Thiền… Tiếc rằng nhiều công trình này đến nay không còn nữa.
Các đời chúa Nguyễn sau này lãnh thổ mở dần về phương nam, dân đi đến đâu đều có chùa được xây đến đó. Người dân ở các vùng đất mới đều có Phật Pháp trong tâm khiến Xã Tắc ổn định.
Văn bia tổ sư Nguyên Thiều tại chùa Quốc Ân có khắc lại rằng: “Nhìn lại quá trình của nước ta từ khi khai quốc dựng nước đến nay, trên từ vua chúa, quan quân cho đến thứ dân, đâu đâu cũng có dựng chùa lập am, cung đón và đào tạo tăng tài, cúng dường Phật tổ”.
Dân chúng Đàng Trong thời này hầu nết là những người sùng đạo, kính ngưỡng Phật Pháp. Nhờ có nền tảng ban đầu đó mà việc trị quốc các đời Chúa sau này cũng dễ dàng hơn dù dân chúng liên tục nam tiến đến các vùng đất mới.
Xã hội kính ngưỡng Phật Pháp nên các tăng nhân rất được xem trọng, một người phương tây là Jean Koffler ghi chép lại rằng các tăng nhân “chẳng lo ngheo nàn, vì được khách hành hương giàu tín ngưỡng chăm lo một cách hào phóng”.
Một người phương tây là Pierre Poivre có ghi nhận rằng vào năm 1750 chỉ riêng ở Huế và các vùng phụ cận có 400 ngôi chùa miếu thờ Phật, ra đường thì số tăng nhân đã chiếm một nửa người đi đường.
Sau này khi nhà Tây Sơn chiếm Đàng Trong đã thấy rõ dân chúng rất kính ngưỡng Phật, nên ra luật cấm lập chùa chiền, mỗi Phủ chỉ còn giữ lại một ngôi chùa, thực hiện sát hạch các tăng nhân. Những điều này đi ngược với lòng dân, chính vì thế mà nhà Tây Sơn ngày càng mất lòng dân và bị sụp đổ bởi nhà Nguyễn.
Các Chúa Nguyễn có nhiều người đều thọ giới trai đàn, tức là người tu luyện. Vị Chúa đầu tiên Nguyễn Hoàng được gọi là Chúa Tiên; vị Chúa thứ hai Nguyễn Phúc Nguyên được gọi là Chúa Sãi đã thọ trai giới 7 ngày đêm; Chúa Nguyễn Phúc Chu được gọi là Chúa Minh thọ Bồ Tát giới, đạo hiệu là Hưng Long; Chúa Nguyễn Phúc Chú còn gọi là chúa Ninh có đạo hiệu là Vân Tuyền Đại Nhân.
Các đời chúa Nguyễn đã mời nhiều thiền sư nổi tiếng từ thiền phái Trúc Lâm ở trong nước và từ Trung Hoa sang đàm đạo về Phật Pháp như Nguyên Thiều, Minh Hoằng, Giác Phong, Từ Lâm, Tế Viên, v.v…
Trong bối cảnh Nho giáo đã qua thời hưng thịnh, các đời Chúa Nguyễn đã chọn Phật Pháp trị quốc giúp việc nam tiến thành công, Xã Tắc ổn định, Giang Sơn hùng mạnh, thiên hạ thái bình, trở thành điểm sáng trong sử Việt.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Thiên Mụ: Ngôi chùa chứng kiến sự thịnh suy của Đàng Trong
- Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn: Lòng người hướng về ai?
Mời xem video “Lấy vợ lấy đức không lấy sắc, kết bạn kết tâm chẳng kết tài”:
Từ khóa tu luyện Phật giáo Phật Pháp chúa Nguyễn Đàng Trong