Sách “Lễ ký. Hôn nghĩa” viết về ý nghĩa của hôn nhân: “Hôn lễ không phải chỉ là hạnh phúc của hai người mà nó còn là sự hòa hợp của cả hai gia tộc, đối với đời trước là sự tiếp nhận cúng tế tổ tiên tông miếu còn đối với đời sau là trách nhiệm nối dõi tông đường. Đó là điều người quân tử coi trong”. Cho nên người xưa vô cùng coi trọng hôn lễ, và cũng để lại nhiều trí tuệ gửi gắm cho thế hệ sau. Có một câu chuyện dân gian kể về văn học gia, thư họa gia nổi tiếng triều nhà Thanh, Trịnh Bản Kiều, tặng của hồi môn cho con gái khiến nhiều người bất ngờ.

Trịnh Bản Kiều có hai người con gái. Khi một cô con gái đến tuổi xuất giá, có rất nhiều chàng trai tài năng đến cầu hôn. Trịnh Bản Kiều chọn đi chọn lại nhưng lại thấy vừa ý nhất với con trai của người thuộc cấp của mình tên là Tri Túc. Tri Túc vốn là người không giỏi ăn nói, không lanh lợi nhưng lại rất phúc hậu và có trách nhiệm. Cuối cùng, Trịnh Bản Kiều quyết định gả con gái cho anh ta.

Đến ngày cưới, Trịnh Bản Kiều chỉ mang ra một chiếc giỏ tre đựng đầy kim và chỉ. Ông trịnh trọng trao chiếc giỏ tre cho con gái và nói với con rằng: “Đây là quà hồi môn của cha, cũng là bảo vật gia truyền của nhà họ Trịnh chúng ta!”

Trịnh Bản Kiều tiếp tục nói với con gái một cách nghiêm túc: Con gái! Con mang nghề may vá truyền thống của nhà họ Trịnh về, chỉ cần con chăm chỉ chịu khó làm việc, có thể tự kiếm sống được bằng công sức của mình thì hai con chắc chắn sẽ có một tương lai tốt đẹp.”

Sau khi về nhà chồng, con gái Trịnh Bản Kiều luôn ghi nhớ lời giáo huấn của cha. Không chỉ cần cù làm việc, mà hơn nữa còn tiết kiệm trong việc chi tiêu quản lý gia đình. Người con rể cũng là người lương thiện, thành thật, chăm chỉ làm việc, nên hai vợ chồng họ sống cả đời êm ấm, đằm thắm, cuộc sống sung túc.

Ngẫm ra, mặc dù cổ nhân coi trọng hôn lễ, thậm chí có rất nhiều các bước cụ thể như nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp chinh, thỉnh kỳ, thân nghinh để tiến hành hôn lễ nhưng hôn lễ thời xưa không phải vì thế mà cầu kỳ hay xa hoa lộng lẫy, chỉ cần cung kính, nghiêm túc và trang trọng. Trong ngày cưới, chú rể sẽ đến nhà gái cùng bà mối, họ hàng, bạn bè để làm lễ cưới, trước tiên là đến nhà thờ tổ tiên của cô dâu để lễ bái tỏ lòng thành kính. Từ những nghi thức này, chúng ta có thể thấy người xưa rất coi trọng hôn nhân. Khi một cô gái giao phó cuộc đời mình cho người con trai thì nhà trai phải coi trọng và cảm tạ. Còn nhà gái thì đương nhiên cũng sẽ có lễ vật để biểu đạt tâm ý, cũng chính là của hồi môn trao tặng cho con. 

Ý nghĩa việc tặng của hồi môn cho con gái của cha mẹ xưa
(Tranh minh họa: Public Domain)

Chuyện kể rằng xưa, có một vị vua nước Tần gả con gái cho công tử nước Tấn. Vì quá yêu thương con gái nên trong ngày cưới vua Tần đã chuẩn bị của hồi môn xa hoa, hơn nữa còn lựa chọn nhiều mỹ nhân đi theo con gái. Kết quả là hoàng tử nước Tấn lại rất thích mỹ nữ nước Tần và bỏ bê công chúa. Xem ra, muốn con cái hạnh phúc, rất có thể lại thành hại con.

Hôn lễ, ngoài tính lãng mạn trữ tình ra thì càng cần phải có nội hàm trang trọng, không nhất định phải xa hoa nhưng nhất định không nên tùy tiện qua quýt. Quà tặng dù giá trị cũng không thể cao quý hơn việc dạy con về đạo lý vợ chồng, phải có trách nhiệm và hết lòng hết dạ với nhau. Hơn nữa, còn phải cung kính hiếu thuận người bề trên, yêu thương chăm sóc người bề dưới. Cha mẹ dạy con những điều căn bản như vậy, con cái sẽ có hành trang tốt để xây dựng cuộc sống gia đình riêng sau này được êm ấm, hòa thuận và hạnh phúc.

Theo cuốn “Kinh điển danh tác trung đích bí mật”
Tác giả: Văn Dật Phi
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: