Trong tác phẩm “Thọ thế bảo nguyên” thời nhà Minh có viết: “Giữ gìn tinh khí và dưỡng thần, ít lo nghĩ, ít ham muốn, ít lao tâm sức; thức ăn chỉ cần phong phú và đầy đủ mà không cần nhiều hương vị, không uống rượu quá nhiều lần; thường hay cười vui, không sinh tức giận. Y học cổ đại rất coi trọng lý niệm dưỡng sinh “tinh, khí, thần”, nói rằng “tinh túc bất tư dâm, khí túc bất tư thực, thần túc bất tư miên” (tinh đủ thì không nghĩ chuyện dâm dục, khí đủ thì không nghĩ chuyện ăn uống, thần đủ thì không nghĩ chuyện ngủ). “Tinh, khí, thần” là những nhân tố bên trong có thể loại bỏ bệnh tật và giúp con người sống trường thọ. Bởi vậy, đạo dưỡng sinh chính là bảo vệ giữ gìn “tinh, khí, thần” này.

Hai cách phòng dịch và xua đuổi tà khí của cổ nhân
(Tranh minh họa: Pixnet.net, Public Domain)

Tinh túc bất tư dâm

Từ nghĩa hẹp mà xét, “tinh” là chỉ tinh trong thận, là thứ thúc đẩy sự sinh trưởng, phát triển và chức năng sinh sản của cơ thể con người. Theo nghĩa rộng, tinh chỉ những loại dịch cấu thành nên cơ thể con người và duy trì các hoạt động sống, có thể bao gồm máu, nước bọt, dịch…

“Tinh túc bất tư dâm”, người có tinh lực đủ thì không nên tập trung vào chuyện nam nữ. Có không ít người hiện đại khi cơ thể ở lúc trẻ trung, khỏe mạnh, cường tráng, thì đắm chìm trong thú vui tình dục nam nữ. Tuy nhiên đây lại là hành vi gây tổn hại tinh lực nhất.

Hơn thế nữa, khi cảm thấy bản thân hơi yếu đi, thì họ lại dùng các loại thuốc bổ kích thích để cơ thể khỏe lên, tiêu hao khả năng tái tạo của cơ thể. Sau đó họ lại đắm chìm trong nhục dục.

Người như vậy không chỉ sẽ nhanh chóng cảm thấy già đi, mà tinh lực cũng không còn, không thể đặt tinh lực vào những việc hệ trọng khác nữa, càng không thể giúp đỡ nhân quần. Do đó, những người như vậy sẽ không đạt được thành tựu to lớn và cũng không thể giao việc quan trọng cho họ.

Khí túc bất tư thực

“Khí” là một loại năng lượng đặc biệt duy trì các hoạt động sống. Ở nghĩa hẹp thì nó thường hay được hiểu là “khí huyết”.

“Khí túc bất tư thực” nghĩa là nếu một người có khí sung túc dồi dào, chức năng cơ thể đều khỏe mạnh thì lúc này cơ thể kỳ thực không cần tiêu thụ quá nhiều thức ăn, không nên chú trọng ẩm thực quá nhiều. Ăn là quá trình cung cấp vật chất cần thiết và năng lượng cho cơ thể. Khi cơ thể đã có đủ rồi thì nên dừng hoặc chỉ nên bổ sung có chừng mực. Vì đầy quá thì sẽ tràn, những thứ không được hấp thụ sẽ trở thành thứ thừa, có hại cho cơ thể.

Trong đạo dưỡng sinh thì chú ý việc ẩm thực thanh khiết, sạch sẽ, dễ dàng tiêu hóa, không có quá nhiều mùi vị kích thích, còn giảng ăn uống đủ độ. Đây đều là thuộc về ý này.

Ngoài ra, trong dưỡng sinh còn giảng “luyện khí”, chính là thông qua các bộ động tác của các môn pháp khác nhau mà bổ sung năng lượng “khí” cho cơ thể. Bởi vậy có những người thiền định, nhà tu hành, người tập yoga có thể nhịn ăn nhiều ngày mà không sao. Tuy nhiên người không rõ hoặc mới tiếp xúc thì không thể tùy tiện làm như thế.

Thần túc bất tư miên

“Thần” ở nghĩa hẹp là chỉ trạng thái tư tưởng và phản ứng của não bộ, mức độ tỉnh táo. Ngoài ra nó còn có những nghĩa rộng hơn, chẳng hạn có thuyết pháp cho rằng người ta có “ngũ thần”: “hồn, phách, thần, ý, chí”là biểu hiện tổng thể của mọi hoạt động tư duy và tinh thần của con người.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn thấy một số người tinh thần uể oải, ánh mắt trông rất đờ đẫn, như thể ngủ bao nhiêu cũng là không đủ vậy. Đây là bởi vì họ khuyết thiếu “thần”.

“Thần túc bất tư miên” không phải nói rằng người có thần khí sung mãn thì không thể ngủ nữa. Câu này ý nghĩa là người có tinh lực tràn đầy tinh thần sung mãn thì không nên đưa bản thân vào trạng thái lười biếng, trễ nải. Khi tinh thần sung mãn mà lại buông thả bản thân thì sẽ rất nhanh làm bản thân sa sút. An nhàn lười biếng là thứ có thể làm tổn hại lớn đến tinh thần của một người. Hơn nữa, vào thời hiện đại ngày nay, nó còn kéo theo rất nhiều tật xấu, ví như dâm dục, ham ăn, thích giải trí, v.v..

Quan sát người hiện đại, chúng ta có thể rất dễ nhận ra rằng nhiều người ở trong trạng thái “tinh, khí, thần” đều hư hao. Cuộc sống hiện đại lại càng khiến người trẻ xoay quanh chuyện nam nữ, chuyện ăn uống hay chơi bời lười biếng. Do đó, bảo trì tinh khí thần đã trở thành một điều vô cùng khó. Nhưng đó lại chính là thứ có thể giúp chúng ta sống một cuộc đời ý nghĩa hơn và tốt đẹp hơn.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Á Tĩnh
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: