Cuộc khởi nghĩa cần vương chống Pháp của Lê Mô Khởi (Phần 2)
- Trẩn Hưng
- •
Người Pháp đưa quân truy bắt vua Hàm Nghi nhưng bị thiệt hại lớn do đụng độ với các cuộc khởi nghĩa. Quan ba Hugo tử trận vì trúng mũi tên độc, Quan hai Camus cũng tử trận tại chỗ. Trong quá trình này, cuộc khởi nghĩa của Lê Mô Khởi cũng bắt đầu bị chú ý.
- Tiếp theo phần 1
Mai phục thắng trận đầu
Biết cuộc khởi nghĩa của Lê Mô Khởi chỉ mới thành lập còn yếu, quân Pháp quyết định tiến đánh ngay nhằm tiêu diệt từ trong trứng nước. Thế nhưng người Pháp không biết rằng nghĩa quân vốn đã chuẩn bị kế hoạch khi có quân Pháp đến.
Khi quân Pháp theo sông Gianh tiến đến, quân cảnh giới báo hiệu, nghĩa quân trong làng theo kế hoạch được tập luyện từ trước di chuyển vào vị trí mai phục.
Quân Pháp thấy làng hoàn toàn yên tĩnh, không có dấu hiệu gì đáng ngờ, nên nghênh ngang tiến vào. Nghĩa quân mai phục đợi quân Pháp tiến vào thật gần sát mới xông ra đánh.
Quân Pháp bất ngờ bị trúng mai phục, vì xáp chiến nên vũ khí hiện đại của quân Pháp không phát huy được tác dụng. Quân Pháp đại bại, số sống sót chạy thục mạng, không kịp ra sông lấy thuyền mà theo bờ sông chạy đến đồn Quảng Khê.
Hôm sau quân Pháp từ đồn Quảng Khê kéo đến, nhưng nghĩa quân đoán biết trước quân Pháp sẽ đến nên cùng dân làng rút vào rừng hết. Quân Pháp không gặp được ai bèn đốt nhà trong làng.
Trận đánh này được tác giả Lưu Trọng Lư, người làng Cao Lao Hạ, ghi lại trong bài viết “Con voi già của Hàm Nghi”.
Căn cứ Trại Nái
Nghĩa quân đến vùng đồi núi cao rừng rậm ở phía nam của làng Cao Lao Hạ là Trại Nái (ngày nay gọi là Ba Trại) lập căn cứ. Tại đây nghĩa quân cũng lập đài quan sát có thể nhìn thấy tận ngoài sông Gianh, nếu quân Pháp hành quân ở Quảng Khê sẽ bị phát hiện.
Phía đông căn cứ là hệ núi Hòn Bung cao 232m liên tiếp giăng dày như một bức tường thành che chắn căn cứ, phía tây là núi đồi rừng rậm, có nơi cao đến 166 mét. Do vậy nếu không biết đường thì không thể vào bên trong căn cứ mà chỉ có thể vào được phía ngoài.
Nhờ căn cứ hiểm yếu, nghĩa quân đẩy lui các cuộc tiến công của quân Pháp, dân chúng các làng cũng làm tai mắt giúp nghĩa quân. Thông qua khuyên nhủ, một số ngụy quân tham gia quân Pháp đã quay về và gia nhập vào nghĩa quân.
Kiểm soát huyện Bố Trạch
Lê Mô Khởi phối hợp với nghĩa quân ở Thanh Thủy của Lê Trực cùng tiến đánh quân Pháp, nổi tiếng là các trận đánh vào đồn Hoàn Lão, thành Động Hải. Nghĩa quân cũng kiểm soát các tuyến đường tiếp tế.
Quân Pháp ở Đồng Hới không thể chống giữ lâu phải cầu cứu quân Pháp ở Huế đến chi viện.
Tháng 11/1886, Lê Mô Khởi cho quân tiến đánh đồn Quảng Khê, quân Pháp phải cố thủ trong đồn, dùng vũ khí hiện đại chống trả, không dám ra ngoài nữa.
Một vùng lớn thuộc Bố Trạch được nghĩa quân Trại Nái chiếm giữ, danh tiếng vang xa.
Paul Bert lợi dụng vua Đồng Khánh
Tháng 1/1886, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh cho Paul Bert sang cai trị hai xứ Trung kỳ và Bắc kỳ.
Paul Bert đến Đại Nam, qua phân tích tình thế nhận thấy các cuộc tiến quân bắt vua Hàm Nghi khiến quân Pháp bị thiệt hại rất lớn. Càng hành quân lùng bắt Vua thì càng khiến các cuộc khởi nghĩa mạnh hơn.
Paul Bert thực hiện kế sách khác, yêu cầu vua Đồng Khánh phải đích thân đến Quảng Bình giải tán các phong trào cần vương và đưa vua Hàm Nghi trở về.
Vua Đồng Khánh đến Quảng Bình suốt 3 tháng, ban chức tước, tiền bạc nhằm dụ dỗ các thủ lĩnh cần vương bãi binh. Tuy nhiên các cuộc khổi nghĩa hiểu việc triều chính nằm trong tay quân Pháp nên không ai bãi binh.
Quân Pháp ở đồn Quảng Khê cũng gửi thư cho Lê Mô Khởi khuyên ông nên nghe theo vua Đồng Khánh. Lê Mô Khởi đáp lại rằng: “Tôi là người Đại Nam chỉ một lòng phò vua yêu nước, còn các ông là giặc đến cướp nước chúng tôi. Vì vậy tôi không bao giờ đầu hàng giặc” (Theo “Con voi già của vua Hàm Nghi”).
Lực lượng nghĩa quân Trại Nái đã phát triển đến trên ngàn người.
Quân Pháp quyết đánh Trại Nái
Âm mưu dùng vua Đồng Khánh thu phục các thủ lĩnh nghĩa quân không được, Paul Bert cho quân tấn công các cuộc khởi nghĩa ở Quảng Bình vốn đang bảo vệ cho vua Hàm Nghi.
Quân Pháp phân tích kế hoạch tiến quân thì thấy buộc phải vượt qua nghĩa quân Trại Nái trước tiên, bởi trước đây quân Pháp qua vùng này để tiến đánh các cuộc khởi nghĩa khác thì thường bị chặn đầu hoặc chặn đường rút về. Nhưng nơi đây hiểm trở, quân Pháp không biết đường vào bên trong căn cứ.
Mặt khác động tĩnh của quân Pháp ở đồn Quảng Khê, Hoàn Lão đều bị nghĩa quân Trại Nái biết được. Chính vì thế quân Pháp quyết tâm tiến đánh Trại Nái đầu tiên.
- Xem phần 3
Trần Hưng
Tham khảo:
- Đại Nam thực lục chính biên, tập 37
- “Con voi già của vua Hàm Nghi”, Lưu Trọng Lư
Xem thêm:
- Cao Thắng: Người học chế tạo súng trường chống quân Pháp (P1)
- Cao Thắng: Người học chế tạo súng trường chống quân Pháp (P2)
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử nhà Nguyễn khởi nghĩa phong trào Cần Vương chống Pháp