Tàu điện – Nét văn minh của Hà Nội xưa
- Băng Sơn
- •
Tiếng chuông tàu điện (còn gọi là xe điện) leng keng có ở Hà Nội khoảng sáu bảy chục năm, bắt đầu từ đâu thế kỷ 20 và lặng chìm, tắt hẳn vào thập kỷ bảy mươi.
Lớp trẻ sinh ra sau 1975 thì không còn được nghe tiếng chuông leng keng ấy nữa và cũng không còn được nhìn thấy con cuốn chiếu khổng lồ đi từ từ chậm rãi trong lòng Hà Nội và trên lưng nó có một chiếc cần câu, to hơn cần câu rê để câu cá chuối, nó vút lên trời như muốn câu lấy một chút mây cho đường phố thêm vui.
Từng có 4 tuyến đường tàu điện trong Hà Nội. Một đường bắt đầu từ chợ Mới Mơ qua các phố Bạch Mai, Hàng Bài (có thời kỳ phố này mang tên Đồng Khánh) qua ga chính là Bờ Hồ trên phố Đinh Tiên Hoàng, chỗ đài phun nước ngày nay, tên chính là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khi dỡ bỏ đường tàu điện thì mới có đài phun nước. Đường tàu điện tiếp tục từ ga này qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường. Hàng Giấy, Chợ Đồng Xuân, Quán Thánh, Thụy Khuê và kết thúc ở chợ Bưởi, chỗ có gốc đa cổ thụ và cái giếng thơi cũng cổ. Đường tàu điện này dài hơn 10 cây số.
Đường thứ hai bắt đầu từ ga chính Bờ Hồ qua Hàng Gai, Hàng Bông, Cửa Nam, Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học), Kim Mã, đền Voi Phục (Thủ Lệ) và kết thúc chỗ đầu dốc gần chiếc cầu của cửa Ô Tây Dương, tức Ô Cầu Giấy.
Đường thứ ba chung với đường trên một đoạn, cũng bắt đầu từ ga Bờ Hồ qua Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đẫy, đến đoạn Văn Miếu mới rẽ trái qua Hàng Bột, Nam Đồng và đi thẳng vào Hà Đông, dừng lại bến cuối cùng là Cầu Đơ bắc qua sông Nhuệ, không đi vào đến thị xã.
Đường thứ tư, cũng là đường có mặt sau cùng, là từ cửa bệnh viện Bạch Mai (còn có tên cũ là nhà thương Robin) qua đường Kim Liên, Hàng Lọng, cửa ga Hàng Cỏ, Cửa Nam, đầu hàng Bông, đến ngã ba Phùng Hưng thì rẽ theo đường Phùng Hưng, song song với cây cầu cạn trên cao của xe lửa, rẽ lên Hàng Cót, qua Hàng Than và kết thúc ở Ô Yên Phụ, sau khi vượt qua Nhà máy nước Yên Phụ và bến Tân Ấp.
Mỗi tuyến đường đều xấp xỉ 10 cây số. Trong nội thành, đường ray xe điện là riêng biệt, được đánh chìm xuống lòng đường, chỉ còn một cái gờ nhỏ tạo ra cái khe cho bánh xe bám vào, thuận tiện cho các loại xe khác vì không bị vấp, nhưng cũng do đó mà từng làm nhiều người bị ngã, nhất là lúc có mưa, đường trơn, đi xe đạp chưa vững, bánh xe đạp lọt thỏm vừa khít vào cái khe đó. Các tuyến đường tàu điện khi đi ra đến ranh giới nội ô và ngoại ô thì để tiết kiệm, Công ty xe điện cho đặt nổi đường ray trên mặt đường chung, nó giống hệt đường ray tàu hỏa, từ Ngã Tư Sở đến Hà Đông, từ dốc Hàng Than đến Ô Yên Phụ, từ bến xe Kim Mã đến Ô Cầu Giấy, từ Kim Liên qua Ô Đồng Lầm đến cổng bệnh viện Bạch Mai, từ Thụy Khuê đến chợ Bưởi. Những quãng đường nổi này cũng được chăm lo, nhưng nó là con đường lộ thiên, giống như đường xe lửa, nó luôn có cỏ mọc xen vào khe đá củ đậu. Nhiều khi người ta còn bắt gặp những vẹt cỏ màu đen đi sát hai bên đường ray, đó là dầu máy từ đầu tàu rỏ xuống kéo đi thành vệt dài.
Nhà tập kết, bến chính, nơi sửa chữa là nhà ga Thụy Khuê ngoài cổng có đường ray để mọi tuyến đường đều có thể dẫn đoàn tàu về nhà máy và cần thì đi tuốt vào trong xưởng, có nhà vòm cao, con tàu đi vào đấy một cách thênh thang khiến nhiều người thời đó nói vui là “nhà của con tàu nên to thật” (thời đó Hà Nội làm gì có nhà cao cửa rộng như bây giờ). Ngoài nhà máy này, Công ty xe điện còn có ga tạm thời, sửa chữa nhỏ, cũng có mái nhà (không tường bao) ngay nơi Cầu Mới, trước cửa Nhà máy Trung quy mô, sau này là Nhà máy cơ khí Hà Nội, đường tàu đi qua lòng mái nhà để sang phía bên kia, vào Hà Đông hoặc ra Hà Nội.
Suốt mấy chục năm, tàu điện không có ghế ngồi cho người “vát-man”, tức người lái tàu. Ông ta phải đứng suốt chuyến đi, nghĩa là suốt ngày đêm, một tay điều khiển chiếc vô-lăng là vòng hãm phanh, tay kia cầm chiếc chìa khóa bằng đồng lắp vào cái đĩa đồng có chữ số cao ngang tầm bụng người để điều khiển máy ngầm phía trong, nhanh hoặc chậm, đi hoặc dừng. Và khi ông ta dậm chân cho chiếc chuông nơi sàn tàu kêu leng keng là lúc một chân co một chân duỗi, chẳng khác con cò đứng trên cánh đồng là mấy, mà tiếng chuông ấy đã âm vang trong hồn người Hà Nội suốt gần thế kỷ, kể cả những người đi xa, những nhạc sĩ và thi sĩ… Sau năm 1954, Công ty xe điện do Hà Nội tiếp quản mới lắp cái ghế riêng cho người lái tàu được ngồi.
Tàu điện có toa đầu và toa đuôi. Toa đầu có cả hai cái máy ở hai đầu nên đoàn tàu không cần xoay để trở chiều. Khi đến bến, muốn quay lại thì người lái tàu chỉ việc bảo anh soát vé cầm lấy sợi dây chão to bằng cổ tay, đầu chão buộc vào cái cần câu trên nóc tàu, đu người lên rồi quay ngược cần câu 1800, đầu tàu đi ngược lại một chút, nối với các toa, thế là đầu thành đuôi, đuôi thành đầu.
Có một bài ca dao khuyết danh nói về tàu điện thuở đó:
Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài
Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh
Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành
Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường
“La ga” thì ở Thụy Chương
Dây đồng cột sắt tìm đường kéo lên
Bồi bếp cho chí bồi bàn
Chạy tiền kí cược đi làm “sơ vơ”
Xưa nay có thế bao giờ
Có cái tàu điện đứng chờ ngã ba…
Thụy Chương tức Nhà máy xe điện ở phố Thụy Khuê. Còn “sơ vơ” là anh bán vé kiêm cầm cần vẹt, lương kha khá lại có thể bán lậu vé tàu mà kiếm chác.
Nhiều chục năm đầu tiên, tàu điện chỉ sơn một màu đỏ nâu, giống như toa tàu hỏa của ngành đường sắt. Sau này mới có toa sơn nửa đỏ nửa xanh theo chiều dọc toa tàu. Ghế cũng thế, đầu tiên chỉ có ghế ngồi dọc, không chia từng chỗ, ngồi sát vào nhau, nhường nhịn hay không thì tùy. Giữa toa để trống, chỗ cho hàng hóa, thúng mủng, quang gánh. Sau khi toa sơn đổi màu, bắt đầu có ghế đặt ngang toa, hai người một ghế, ít khi toa ghế ngang này ngồi ba người vì tàu điện không bao giờ quá đông. Người đứng khá nhiều, có thể đứng giữa toa, đứng ngay đầu toa, hay sát vào người lái tàu cũng được.
Chuyện sẵn sàng tự nguyện nhường ghế cho người già, phụ nữ có mang cũng từng là phong cách hàng ngày của người Hà Nội. Thực ra tàu điện là phương tiện giao thông công cộng thuận tiện nhất, thô sơ nhưng rẻ tiền, phục vụ người nghèo là chính, đi từ ngoại ô vào thành phố là chính. Vé mua một lần đi suốt một tuyến mà rất rẻ, thường chỉ có 5 xu, tương đương với ngày nay mua một quả chuối, hoặc một phần mười bát phở bình dân.
Các tuyến tàu điện đều ra ngoại ô nên không lạ gì toa thứ hai và toa thứ ba thường dành cho người có quang gánh. Bún Phú Đô, rau xanh Bạch Mai, Bảy Mẫu, bánh cuốn Thanh rì, xôi lúa Hoàng Mai, cốm Vòng, bún Tứ Kỳ… và nói chung là những sản vật các nơi chở về cung cấp cho nội thành. Tàu điện đông từ chuyến đầu tiên, lúc sáng sớm, khởi hành từ Nhà máy Thụy Khuê, có vài đoàn tàu ngủ đêm tại ga Bờ Hồ để bắt đầu từ đây. Cũng có đoàn tàu ngủ đêm tại Cầu Mới… Nên mạch máu giao thông bình dân rẻ tiền này phục vụ người dân Hà Nội một cách đắc lực.
Những gánh xôi đậy vỉ buồm còn nóng hổi, hơi bốc lên làm nâu bóng chiếc vỉ buồm đó. Những gánh bún đậy lá chuối xanh biếc. Những gánh cốm đựng trong lá sen, cái đòn gánh cong một đầu, khi lên tàu dược dựng đứng cạnh ghế ngồi. Những gánh rau xanh chất ngất đủ loại, cả sọt cua, rổ cá… trăm thứ bà rằn. Chiều về, hàng hết, người ta còn thấy những quang gánh như thế xếp đầy lòng toa, có khi còn treo lơ lửng phía cuối cùng của toa cuối, còn người thì ngồi trong toa, quần nâu, áo vá, chân đất, khăn vuông, khăn vấn… toàn dân lao động lam lũ vất vả.
Đã có những chú bé Hà Nội thỉnh thoảng đi chơi bằng cách lên tàu điện, đi một chuyến. Vì còn nhỏ nên chú bé không ngồi được, mà nếu có ngồi thì cũng không xem được gì bên ngoài, nên phải quỳ trên ghế, nhìn quan cửa sổ toa tàu (cửa sổ rất rộng) để nhìn phố xá, nhà cửa cứ chạy lùi trở lại và còn tò mò xem cái chuông keng keng nó kêu ở chỗ nào?…Chú bé sẽ mang theo kỷ niệm ấy suốt đời cho đến khi lang bạt sang nửa bên kia địa cầu, hình ảnh một Hà Nội cửa kính lấp lánh, xe cộ ngược xuôi, hoặc những quả sấu chín vàng cứ lơ lửng trên ngọn cây của mùa thu Hà Nội…
Anh “sơ vơ” lúc nào cũng có cặp vé gồm nhiều loại. Lúc xé vé mặt này, lúc xé vé mặt kia của cặp vé theo một quy định nào đó để kiểm soát cho dễ, mỗi tuyến một loại vé khác nhau. Nhiều người mua vé ngậm ngay nó vào môi, mặc nó lay động phất phơ, xuống tàu, thổi phù nó đi là xong.
Năm 1945, năm độc lập đầu tiên, người Pháp đang muốn trở lại Đông Dương. Theo thỏa hiệp tạm thời, quân Pháp được vào Hà Nội. Pháp khiêu khích bằng cách nhiều lần xe nhà binh 10 bánh to kềnh càng đi sát vào thành xe điện, những ai bám vào thành toa phía ngoài đều bị rơi rụng xuống đường và bị chẹt chết, như đã xảy ra ở giữa phố Hàng Bông.
Cũng còn nhớ, phố Đinh Tiên Hoàng thì tàu điện đi sát vào vỉa hè phía bờ hồ, chỉ có cây mà không có nhà. Phố hàng Gai, tàu đi sát vào vỉa hè phía bên số lẻ, đến gần Hàng Bông mới đi ra giữa đường. Các phố khác, hầu như đường tàu điện luôn đi giữa đường, như vạch sơn sau này chia bên phải, bên trái.
Khoảng giữa những năm bảy mươi của thế kỷ trước có đề án chạy tàu điện bánh hơi, thay tàu điện bánh sắt. Đã chăng dây, đã chạy thử nghiệm, nhưng vì lý do nào đó, đề án không thực hiện được, và cuối thời bao cấp, không hiểu có phải vì quá lạc quan không mà toàn bộ đường tàu điện bị bóc đi quá sớm. Toa tàu để gỉ và mục nát ở Thụy Khuê. Đường tàu bán sang Nhật với giá sắt vụn, dù nhiều thanh ray còn mới tinh.
Sang đầu thế kỷ 20, mới thấy tiếc là không còn đường tàu điện, nhưng muộn mất rồi, nhất là hình ảnh của nó đã đi sâu vào lòng người, trở thành một nét riêng của Hà Nội.
Không ai còn nhớ những chỗ tàu điện tránh nhau: cửa chợ Mơ, ngã tư Ô Cầu Dền, Hàng Bài, cửa bệnh viện Bạch Mai, cửa ga Hàng Cỏ, cửa chợ Đồng Xuân, giữa phố Quán Thánh, đầu Ô Chợ Dừa… hoặc chỗ đường tàu rẽ bắt vào nhau bằng cái ghi ngầm ở ngã ba hàng Bột – Hàng Đẫy, ngã ba Hàng Bông – Phùng Hưng, ngã ba Hàng Cót – Quán Thánh…
Chắc sẽ đến ngày Hà Nội phục hồi một vài đoạn tàu điện để làm du lịch. Cũng là điều hay. Hy vọng ngày ấy, tiếng chuông kleng keng lại vang lên từ tinh mơ tới tối mịt trên một vài con đường nào đó của Thăng Long – Hà Nội nghìn năm!
Chỉnh sửa từ bài viết “Leng keng chuông tàu điện” của nhà văn Băng Sơn.
Xem thêm:
Từ khóa Hà Nội xưa tàu điện