Đại dịch hạch Bắc Kinh khiến nhà Minh sụp đổ: Tình cờ hay nhân quả?
- Thiên Cầm
- •
Bệnh dịch không chỉ quyết định số phận của một cá nhân, mà đôi khi còn quyết định vận mệnh của cả một triều đại. Xuyên suốt lịch sử nhân loại ở cả phương Đông và phương Tây, những trận đại dịch đều cho thấy sức tàn phá khủng khiếp. Năm 2013, bộ phim “Đại Minh Kiếp” được công chiếu tại Trung Quốc. Bộ phim kể về trận đại ôn dịch cuối thời nhà Minh, trong đó thần y Ngô Hựu Khả (một nhân vật có thật trong lịch sử với trước tác “Ôn Dịch Luận”) đã chữa lành ôn dịch tại bất cứ nơi nào ông đi qua với câu chân ngôn của Đạo giáo và bài thuốc Đạt Nguyên Ẩm. Tuy nhiên, phạm vi chữa trị của ông rất hạn chế, sự lây lan nhanh chóng của đại dịch hạch đã không thể được ngăn chặn, nhất là tại Bắc Kinh. Lần đại dịch này cuối cùng đã lắng xuống và biến mất, sau khi trực tiếp kéo theo sự sụp đổ của nhà Minh.
Tóm tắt bài viết:
- Cuộc nổi loạn thuận lợi “vượt mọi dự liệu”
- Điều kỳ lạ thứ nhất
- Điều kỳ lạ thứ hai
- Điều kỳ lạ thứ ba
- Ôn dịch có mắt?
- Điều kỳ lạ thứ tư
- Nhìn lại một sự kiện lịch sử
- Thật sự là nhân quả?
- Hai câu hỏi cuối cùng
Bắc Kinh, thủ đô của vài triều đại Trung Quốc, có một vị thế chính trị, kinh tế và văn hóa không thể thay thế. Hơn 370 năm về trước, vào những năm cuối cùng của nhà Minh, tại Bắc Kinh đã xảy ra một trận đại dịch, nó không chỉ thảm khốc mà theo các tư liệu lịch sử còn vô cùng kỳ lạ. Nó cũng liên quan tới cuộc đánh chiếm Bắc Kinh của Lý Tự Thành, cuộc xâm chiếm Đại Minh của triều Mãn Thanh và việc hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh treo cổ tại Cảnh Sơn.
Cuộc nổi loạn thuận lợi “vượt mọi dự liệu”
Vào ngày mồng 1 năm Sùng Trinh thứ 17 (Ngày 8/2/1644), Lý Tự Thành đã thiết lập đội quân Đại Thuận tại Tây Kinh (nay là Tây An). Đa Nhĩ Cổn, người nắm quyền lực trong triều đại Mãn Thanh, đã viết thư cho Lý Tự Thành nhân danh Hoàng đế Thuận Trị (7 tuổi) và đề nghị ông cùng nhau đoạt lấy Trung Nguyên. Bởi tuyến phòng thủ của thành Đại Minh rất mạnh, đặc biệt là ở Bắc Kinh, nên thực sự không dễ tiến công. Cả Hoàng Thái Cực và Đa Nhĩ Cổn đều từng phải dừng bước dưới chân tường thành kiên cố. Lý Tự Thành đã bỏ qua đề nghị chia cắt trung nguyên của nhà Mãn Thanh.
Ngày 10/3, Lý Tự Thành đích thân chỉ huy một đội kỵ binh và bộ binh 500.000 người hành quân về phía đông, vượt sông Hoàng Hà từ Ngu Môn đến Sơn Tây [1]. Kể từ đó, quân Đại Thuận tốc chiến tốc thắng, nhiều nơi chỉ nghe thanh thế đã xin hàng. Sau khi chiếm toàn bộ lãnh thổ Sơn Tây vào cuối tháng 3, những người lính đã chiếm được Chân Định và Bảo Định của Hà Bắc [2]. Ngày 23/4, những người lính đã tiến đến ngoại thành Bắc Kinh (bên ngoài Tây Trực Môn) [1]. Cùng ngày, đội quân bảo vệ doanh trại nhà Minh đã bại trận và đầu hàng [3]. Vào ban đêm, hoạn quan đã mở cổng Chương Môn ngoại thành xin hàng [4]. Vào ngày 25, nội thành đã sụp đổ và hoàng đế Sùng Trinh không chạy trốn mà treo cổ tự tử ở Cảnh Sơn.
Cuộc tiến quân về phía đông giành lấy thiên hạ diễn ra thuận lợi, vượt quá dự liệu của mọi người, đặc biệt là Đa Nhĩ Cổn. Sau đó, đại quân Đại Thuận nổi tiếng đã tra khảo các quan viên ở Bắc Kinh, truy tìm quân lương [5]. Tướng sĩ của phiến quân hoành hành ngang ngược, dâm loạn vô độ, những người bị ép quy hàng chuẩn bị quy thuận tướng Ngô Tam Quế tại Sơn Hải Quan. Lý Tự Thành tiến quân về phía đông đến Sơn Hải Quan, Ngô Tam Quế thỉnh cầu người Mãn Thanh, quân Đại Thuận bị quân Thanh công phá, chạy trốn tán loạn. Chỉ 39 ngày sau khi Lý Tự Thành tiêu diệt Đại Minh, giang sơn lại đổi chủ.
Điều kỳ lạ thứ nhất trong đại dịch
Lý Tự Thành có thể diệt nhà Minh thuận lợi như thế, nhưng trước quân Mãn Thanh thì lại không chịu nổi. Trong khi đó, cần nhắc lại rằng quân Mãn Thanh đã nhiều lần phải dừng bước lui về trước khả năng phòng thủ của quân Minh. Đây quả là một điều kỳ lạ.
Phiến quân của Lý Tự Thành không có một khởi đầu thuận lợi. Đội quan này đã bị tiêu diệt ba lần, và ba lần lại ngoan cường nổi dậy, bắt đầu từ năm Sùng Trinh thứ 14 (năm 1641), thời vận mới biến chuyển. Năm 1642, Lý Tự Thành xưng bá ở Hà Nam. Năm 1643, Lý Tự Thành tiêu diệt đại quân của Tôn Truyền Đình, lực lượng chính của nhà Minh ở Đồng Quan. Năm 1644, phiến quân tiến về phía đông quét sạch Sơn Tây và Hà Bắc, dễ dàng chiếm được Bắc Kinh.
Vì sao đột nhiên mọi chuyện lại trở nên thuận lợi như vậy? Đối chiếu với một dữ liệu lịch sử khác có thể thấy rằng: Dịch bệnh đã khiến điều đó xảy ra.
Năm 1641, ôn dịch đã khởi phát và bắt đầu hoành hành nghiêm trọng. Khu vực lây lan của đại dịch tương đương với Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc [8], Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải [9], Sơn Đông, Hà Nam và An Huy [10]. Một số nơi, mười hộ gia đình, thì chết chín. Một ngõ hơn trăm gia đình không còn sót lấy một nhà, một nhà 10 người, cũng không ai sống sót, liên tục hoành hành đến năm 1644.
Sự kiện lịch sử này cũng được thể hiện trong bộ phim “Đại Minh Kiếp”. Nếu không nhờ thần y Ngô Hựu Khả, thì đội quân của Tôn Truyền Đình đã hoàn toàn mất đi sức phản kháng. Nhưng Ngô Hựu Khả không hề đến Bắc Kinh, mà tình hình đại dịch ở Bắc Kinh mới là tồi tệ nhất. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh tiêu điều xơ xác, không có bóng trẻ em chơi đùa trên phố. Đến tháng 4/1644, khi Lý Tự Thành bao vây Bắc Kinh, Bắc Kinh về cơ bản đã bị đại dịch quét sạch, không còn sức phản kháng.
Kết hợp hai sự thật về tình hình quân sự và dịch bệnh, một điều kỳ lạ khác lại xuất hiện.
Điều kỳ lạ thứ hai trong đại dịch
Hãy nói điều kỳ lạ này theo ngôn ngữ hiện đại:
- Phiến quân của Lý Tự Thành khi tiến vào Bắc Kinh có cách ly bệnh nhân? Không!
- Họ có đeo khẩu trang không? Không!
- Họ có được khuyên rửa tay thường xuyên không? Không!
- Họ có giữ khoảng cách xã hội với người dân ở Bắc Kinh? Không!
- Họ có phong tỏa thành phố và cách ly người dân? Không!
- Họ có ra lệnh cho tất cả các ngành nghề dừng sản xuất, khiến xã hội đình trệ? Không!
Trận đại dịch năm đó là dịch hạch [11]. Từ triệu chứng mà xét, thì nó là một “bệnh dịch hạch hỗn hợp” giữa nhiều loại dịch hạch như dịch hạch viêm phổi, dịch hạch nhiễm trùng máu… Sức truyền nhiễm, cấp độ nguy hiểm của nó trong điều kiện y tế thời đó có thể còn cao hơn cả dịch viêm phổi Vũ Hán trong điều kiện y tế thời nay.
Cuốn “Sùng Trinh thực lục” ghi lại rằng: “Năm thứ 16 (năm 1643) Bắc Kinh xảy ra đại dịch, hàng vạn người chết.” [10] Tỷ lệ tử vong của nhân khẩu tại Bắc Kinh là khoảng 40% trở lên. Tình hình dịch bệnh ở vùng ngoại ô Bắc Kinh cũng rất nghiêm trọng. Tại Thông Châu, “Đại dịch tháng 7 mùa hè, được gọi là bệnh ung nhọt, truyền nhiễm từ nhà này sang nhà khác, thông thường cả gia đình đều chết mà không có người nhận thi thể.”
Trong cuốn “Minh quý bắc lược” chép rằng:
“Tào Lương Trực, đại quan Binh Khoa Cấp Sự Trung (chức danh) thời nhà Minh có khách tới nhà, và ông đang ngồi đối diện với khách uống trà, vừa cầm tách trà lên, cúi xuống mời khách uống trà, còn chưa ngồi dậy thì đã chết ngay tại chỗ. Lương Hy Lai thuộc Bộ Binh vội vàng trở về nhà sau khi từ biệt khách, vừa bước vào nhà thì đã chết. Võ tướng Tiền Tấn Minh, đang nói chuyện với khách, chưa dứt lời thì chết ngay lập tức. Một lúc sau, vợ và người hầu của ông liên tiếp lăn ra chết, tổng cộng 15 người.”
“Lại có hai người nữa cưỡi ngựa, một người đi trước một người đi sau, vừa đi vừa trò chuyện. Người phía sau hỏi một câu, người phía trước không nói gì nữa, đến gần nhìn, mới phát hiện ra người phía trước đã chết, thi thể vẫn ngồi trên lưng ngựa, cây roi đang giơ trong tay tự động rủ xuống.”
“Còn có một gia đình giàu sang, cả nhà bị nhiễm dịch hạch, chết sạch không còn một ai. Hai tên trộm thừa cơ lấy cắp đồ, một tên trộm vào phòng để đóng gói đồ đạc, một tên khác nằm trên mái hiên, cúi xuống đỡ túi đồ. Hai người phân công nhau cùng hợp tác, đồ đạc đã được chất đống trên mái hiên, bên dưới vẫn còn rất nhiều đồ. Kẻ trộm dưới nhà lại nâng một túi đồ lên, kẻ trộm trên mái nhà đỡ lên. Hai người đột nhiên đều chết cứng, túi đồ trong tay ai nấy đều chưa kịp tiếp đất.”[12]
Khi quân của Lý Tự Thành vào đến Bắc Kinh, quân Bắc Kinh đã chết quá nhiều vì đại dịch hạch. 154.000 lỗ châu mai trong và ngoài Bắc Kinh chỉ được bảo vệ bởi 50.000 binh sĩ. Những người lính may mắn sống sót trong đại dịch, “quần áo rách nát, như những người ăn xin”, hoàn toàn mất đi sức phòng thủ.
Bệnh dịch hạch là do vi khuẩn gây ra, không chỉ lây qua bọ chét trên chuột. Những sự thực lịch sử ở trên và các lý thuyết khoa học ngày nay đã xác nhận rằng dịch hạch truyền nhiễm qua người. Bệnh truyền nhiễm nhanh và dữ dội, vi khuẩn lây lan qua hơi thở và tiếp xúc. Vậy, tại sao ở thành phố Bắc Kinh, nơi đại dịch hạch hoành hành ngang ngược, phiến quân của Lý Tự Thành lại không bị nhiễm dịch hạch ác tính này. Sau 31 ngày (thời gian ủ bệnh của dịch hạch thể huyết từ 2-8 ngày, và thời gian ủ bệnh của dịch hạch thể phổi từ 3-5 ngày, nhưng đôi khi dịch hạch chỉ cần vài giờ, 31 ngày là vượt quá xa thời gian ủ bệnh của dịch hạch) vẫn đánh nhau ác liệt với quân của Ngô Tam Quế tại Sơn Hải Quan?
Nó cho chúng ta thấy một sự thật sâu sắc rằng: Dịch hạch lúc bấy giờ không lây nhiễm cho phiến quân của Lý Tự Thành. Những “giả thuyết” nói rằng quân đội của Lý Tự Thành đã nhanh chóng bị quân Thanh đánh bại vì dịch bệnh chỉ là những suy đoán vô căn cứ. Những ghi chép lịch sử ghi lại rằng: Quân đội của Lý Tự Thành đã đánh rất ngoan cường vào thời điểm đó, sức phản kháng vô cùng mạnh mẽ. Họ đã chống lại đội quân kỵ binh dũng mãnh của Ngô Tam Quế tại Sơn Hải Quan. Nếu không phải hướng gió thay đổi đột ngột, đại quân Mãn Thanh thừa cơ tấn công, thì đội kỵ binh dũng mãnh đã bị Lý Tự Thành tiêu diệt toàn bộ. Vào thời điểm đó, một số đội quân của Ngô Tam Quế dẫu liều chết cũng không thể chống cự, một số đã đầu hàng.
Các tài liệu lịch sử của nhà Thanh cho biết: Tàn quân của Lý Tự Thành đi đến đâu, sẽ mang theo ôn dịch đến đó [13], đây cũng chỉ là một hiện tượng bề mặt. Sự thực là quân đội nhà Thanh truy đuổi tới đâu, sẽ phát hiện nơi đó dịch bệnh vẫn còn lưu lại tàn dư. Trên thực tế, dịch hạch sớm đã lan rộng ở những nơi đó và nó không được mang đến bởi những người lính bại trận. Nếu nó thực sự được mang đến bởi những người lính bại trận, thì sẽ không có chuyện quân Lý Tự Thành đại chiến ở Sơn Hải Quan, cũng không có chuyện quân Thanh sẽ thoát khỏi đại dịch do tiếp xúc với quân của Lý Tự Thành.
Vậy thì hay là quân đội Lý Tự Thành đã có khả năng “miễn dịch cộng đồng”?
Khoa học hiện đại có ba kết luận về bệnh dịch hạch:
- Kết luận 1: Ngày nay, nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, tỷ lệ tử vong của bệnh dịch hạch thể huyết là khoảng 75% và tỷ lệ tử vong của bệnh dịch hạch thể phổi là 100%. Trước khi con người tìm ra thuốc kháng sinh, thì không có loại thuốc đặc hiệu nào và con người phải đối mặt với tỷ lệ tử vong như vậy.
- Kết luận thứ 2: Cơ thể con người không có khả năng miễn dịch tự nhiên đối với vi khuẩn hình que của bệnh dịch hạch và rất dễ lây nhiễm, đều dễ bị lây nhiễm. Tất cả mọi người đều có thể nhiễm bệnh.
- Kết luận thứ 3: Những người đã nhiễm dịch hạch có thể có được khả năng miễn dịch lâu dài và hiếm khi bị tái nhiễm.
Các triệu chứng của đại dịch hạch cuối thời nhà Minh cho thấy đó là một bệnh dịch hạch hỗn hợp. Không một ai có sức đề kháng và rất ít người sống sót sau khi nhiễm bệnh. Dịch bệnh bắt đầu ở Sơn Tây vào năm Sùng Trinh thứ 6 (năm 1633), và sau đó lan ra cả nước. Dịch bệnh bùng phát liên tục, từng đợt một, không hình thành “miễn dịch nhóm”, những người may mắn sống sót cũng không thể ngăn dịch bệnh bùng phát trở lại.
- Xem thêm loạt bài: Tộc Nữ Chân đánh chiếm Trung Nguyên như thế nào?
Điều kỳ lạ thứ ba trong đại dịch
Vậy quân Thanh thì sao? Họ cũng không cách ly bệnh nhân, không đeo khẩu trang, không rửa tay thường xuyên, không cách ly xã hội với người dân… Và họ cũng không mắc bệnh.
Để giải thích hiện tượng kỳ lạ rằng quân Thanh không bị nhiễm dịch hạch, một số học giả đã đưa ra “Thuyết chiến mã kháng dịch”, nói rằng quân Thanh chủ yếu là kỵ binh, và mùi trên cơ thể ngựa chiến có thể xua đuổi bọ chét, vì vậy quân Thanh không mắc dịch hạch. Tuy nhiên, lời giải thích này chỉ để giải thích mà thôi, không có được chỗ đứng vững chắc.
Quân Thanh cũng có bộ binh. Vì sao bộ binh không nhiễm bệnh? Quân đội nhà Minh cũng có kỵ binh, vậy tại sao sức chiến đấu của họ suy giảm mạnh bởi dịch bệnh? 500.000 quân Đại Thuận của Lý Tự Thành tiến công về phía Đông chủ yếu là bộ binh. Tại sao họ không nhiễm bệnh?
Hơn nữa, như đã đề cập trước đó, sự lây lan của bệnh dịch hạch không chỉ phụ thuộc vào bọ chét trên chuột. Khi gặp gỡ nói chuyện (lây nhiễm qua giọt bắn), chạm vào vết thương, đồ vật, hàng hóa, tài sản, v.v., vi khuẩn vẫn truyền từ người sang người. Hơn nữa, từ tình trạng bi thảm của dịch bệnh được ghi lại trong các tài liệu lịch sử ở trên, bệnh dịch hạch lúc đó không phải chỉ đang lây lan dịch bệnh, mà là lây lan sự chết chóc, hoàn toàn không cần đến bọ chét.
Ôn dịch có mắt?
Phiến quân của Lý Tự Thành đã quét sạch quân đội nhà Minh trong vùng dịch bệnh, và dễ dàng đoạt được Bắc Kinh, nơi đại dịch là nghiêm trọng nhất. Họ còn duy trì được sức chiến đấu mạnh mẽ khi tiến công Sơn Hải Quan. Tại nơi dịch hạch đang hoành hành dữ dội, họ đi qua mà không ảnh hưởng gì.
Quân Thanh quét sạch quân của Lý Tự Thành, họ cũng đi qua nơi dịch hạch từng hoành hành, vậy mà họ cũng không sao.
Đây phải chăng chính là Thiên ý, là nhân quả?
Nhưng nếu là Thiên ý, thì vì sao quân Thanh đã giết chóc, cướp của và tàn sát nhiều người, gây ra rất nhiều điều tổn hại đạo lý, tại sao dịch bệnh lây lan mạnh như vậy lại không lây nhiễm cho quân Thanh?
Bởi lẽ nhà Thanh thay nhà Minh cũng là Thiên ý. Dù không có biện pháp y tế nào đáng kể, bệnh dịch hạch thảm khốc đã tự rút đi cùng với sự sụp đổ của nhà Minh, và sự thay thế của triều đình Mãn Thanh.
Hãy cùng nhìn lại một điều kỳ lạ tiếp theo.
Điều kỳ lạ thứ tư trong đại dịch
Trong số quân đội nhà Minh bấy giờ, chỉ duy có một đội quân có thể đương đầu dũng mãnh với Lý Tự Thành. Đó chính là đội quân thiết kỵ Quan Ninh của Ngô Tam Quế bảo vệ Sơn Hải Quan. Họ có thể chiến đấu với 20 vạn quân của Lý Tự Thành, chứng tỏ họ cũng không bị nhiễm bệnh dịch hạch.
Ngày 26/5/1644, quân đội của Lý Tự Thành đã đến Sơn Hải Quan, đại chiến với 5 vạn quân thiết kỵ Quan Ninh của Ngô Tam Quế. Trong 5 vạn quân này kỳ thực có cả bộ binh, tinh binh thiết kỵ Quan Ninh chưa đến 2 vạn người. Đấu với quân số gấp 4 lần mình, thiết kỵ Quan Ninh đánh mãi cho tới sáng sớm ngày 28/5, mới có chiều hướng không thể chống cự.
Lúc này, hướng gió thay đổi rất lớn, gây bất lợi cho quân Đại Thuận, quân Mãn Thanh đột nhiên xuất kích. Trước khi quân Thanh ra tay, thiết kỵ Quan Ninh lấy ít địch nhiều, có thể chống lại cuộc tấn công mạnh mẽ của quân Đại Thuận suốt hai ngày đêm, đủ thấy sức chiến đấu của họ rất mạnh mẽ. Đây tuyệt đối không phải là một đoàn quân bị nhiễm bệnh dịch hạch trầm trọng. Đây chính là điều kỳ lạ thứ tư.
Dịch hạch hoành hành vào cuối triều Minh suốt 12 năm, tình hình dịch bệnh nơi kinh đô là tồi tệ nhất trong thời kỳ sau đó. Trên toàn quốc đều không phong tỏa thành phố và cấm đi lại, các khu vực vẫn qua lại không ngừng, Ngô Tam Quế trấn thủ tại Ninh Viễn, cả một vùng Sơn Hải Quan, quân binh được bổ sung đều đến từ thành Bắc Kinh, người nhà của họ hầu hết cũng đều ở Bắc Kinh. Làm thế nào bệnh dịch hạch lại không lây nhiễm tới đó?
Nhưng trên thực tế, thiết kỵ Quan Ninh không bị nhiễm dịch hạch. Sau này, Ngô Tam Quế đã lãnh đạo đội quân dũng mãnh này truy kích quân Đại Thuận, tiêu diệt Nam Minh, băng qua Hà Bắc, bình định Sơn Đông, trở về Cẩm Châu, tiến vào Hán Trung, tiêu diệt phía tây bắc, bình định Vân Quý, trở về Vân Nam [14]. Đội quân này đi khắp gần như quá nửa Trung Quốc, mà vẫn duy trì sức chiến đấu mạnh mẽ, cũng như đi qua vô số khu vực nhiễm bệnh dịch hạch.
Dịch hạch nghiêm trọng hết lần này tới lần khác lướt ngang qua đội quân thiết kỵ Quan Ninh, như là không quan tâm đến họ. Nếu là Thiên ý, thì chi tiết lịch sử này tiết lộ cho chúng ta điều gì?
Nhìn lại một sự kiện lịch sử
Quân thiết kỵ Quan Ninh là đội quân mạnh nhất do Viên Sùng Hoán xây dựng vào cuối triều đại nhà Minh. Năm Thiên Khởi thứ 6, Viên Sùng Hoán cùng hơn một vạn người bảo vệ thành trống, đẩy lùi cuộc tấn công áp đảo 13 vạn người của Nỗ Nhĩ Cáp Xích trong 4 ngày, đảo ngược thế suy tàn của nhà Minh.
Năm Thiên Khởi thứ 7, Ninh Cẩm đại thắng, Viên Sùng Hoán đã đẩy lùi cuộc tấn công giằng co kéo dài suốt 24 ngày của đại quân 6 vạn người của Hoàng Thái Cực.
Trong trận chiến bảo vệ Kinh Sư vào năm Sùng Trinh thứ 2, Viên Sùng Hoán đã thống lĩnh hơn 8.000 quân thiết kỵ Quan Ninh, ở bên ngoài cổng của Quảng Cừ Môn, đánh bại đội quân hơn 4 vạn kỵ binh tinh nhuệ do mãnh tướng Mãn Thanh Mãng Cổ Nhĩ Thái, A Ba Thái, Đa Nhĩ Cổn, Hào Cách và thân vương Mông Cổ thống lĩnh và chặt đầu hàng ngàn người [15].
Một kỳ tích đã xảy ra: Văn nhân Viên Sùng Hoán lại có thể huấn luyện được một đội kỵ binh hùng mạnh nhất thiên hạ. Trong trận chiến với đội kỵ binh tinh nhuệ bậc nhất của Bát Kỳ Mãn Thanh, họ đã đánh bại kẻ thù nhiều gấp năm lần. Viên Sùng Hoán đích thân lâm trận, suýt chút nữa thì bị chém chết, hai bên sườn trúng tên tua tủa nhiều như gai nhím. May mắn thay, ông mặc áo giáp nặng, nên tên không thể bắn xuyên qua. [16] Quả thực là Viên Sùng Hoán mệnh lớn.
Chỉ tiếc là Viên Sùng Hoán đã bị chính triều đình nhà Minh bức hại đến chết.
Nhiều người đều biết rằng vụ án bất công nhất vào cuối triều đại nhà Minh là vụ án của Viên Sùng Hoán, trung thần và đại công thần bậc nhất có công vãn hồi nhà Đại Minh. Ông đã bị Hoàng đế Sùng Trinh bắt giam một cách vô tội, ngụy tạo tội danh phản lại triều đình, cấu kết với Mãn Thanh, và khép ông vào hình phạt nặng nhất: Lăng trì tùng xẻo. Lịch sử ghi lại rằng: Trước màn tra tấn thảm khốc, những người dân bị triều đình lừa dối không chỉ mắng nhiếc Viên Sùng Hoán như một tội đồ phản bội, mà còn tranh giành lấy thịt của ông. Viên Sùng Hoán bị tra tấn ba ngày sau mới chết, người dân lại tranh nhau cướp nội tạng, bằm nát để giải hận… [22] Đây là cảnh tượng thê thảm chưa từng có.
“Minh Sử” ghi lại rằng sau khi xử lăng trì Sùng Hoán ngoài chợ, triều đình phát hiện ra nhà ông không dư dả, không có con, người viết sử bình luận rằng: “Quả thực là nỗi oan khiên trong thiên hạ”. [23] Cần lưu ý rằng đây không phải là “người trong thiên hạ” nghĩ rằng Viên Sùng Hoán bị oan. Triều đình cũng không có ai đề cập rằng Viên Sùng Hoán bị oan cả. Đây là sử gia nhìn nhận. Bản thân một số tác giả dã sử Trung Quốc, tức là tác giả dân gian, vẫn so sánh Viên Sùng Hoán với Tần Cối, một kẻ bán nước hãm hại trung lương thời Nam Tống.
3 vạn quân thiết kỵ Quan Ninh của Viên Sùng Hoán sau đó được chia ra, một phần trong số đó rơi vào tay Ngô Tam Quế. Khẩu hiệu “Thiết kỵ Quan Ninh, thiên hạ vô địch” được hét lên trong phim không phải là sự khoe khoang của Ngô Tam Quế. Sau khi mở rộng, đội quân hùng mạnh này đã cùng Ngô Tam Quế quét sạch quá nửa Trung Quốc, tiêu diệt quân Đại Thuận, quân Đại Tây, quân Nam Minh. Sau này họ lại phản quân Thanh, đánh trận nào thắng trận đó, đến mức hoàng đế Khang Hy đã hạ lệnh cấm quân Mãn Châu chủ động giao chiến với quân Quan Ninh, cuối cùng đã quét sạch đội quân bất khả chiến bại này bằng vũ khí tầm xa [17].
Sau khi Viên Sùng Hoán bị hãm hại, Tổ Đại Thọ đã dẫn một phần thiết kỵ Quan Ninh rút lui và trở về Ninh Viễn, Sơn Hải Quan, tự bảo tồn, đồng thời chống lại lệnh của hoàng đế, xin lập công chuộc tội cho Viên Sùng Hoán. Sùng Trinh đế hoảng hốt nhanh chóng yêu cầu Viên Sùng Hoán tự tay viết thư triệu hồi Tổ Đại Thọ. Tổ Đại Thọ không cứu được Viên Sùng Hoán, nhưng trong việc thay triều đổi đại này, ông và quân của mình có thể nói là tránh được đại họa, dùng dằng giữa Đại Minh và Mãn Thanh, hai lần đầu hàng Mãn Thanh, cuối cùng cũng được an lành.
Thật sự là nhân quả?
Lịch sử của nhà Minh có hai đặc điểm chính: Thứ nhất là có nhiều bệnh dịch, đặc biệt là trong thời kỳ sau. Theo thống kê, trong suốt 277 năm thống trị của nhà Minh, có ít nhất 168 năm xảy ra dịch bệnh và có hơn 330 lần dịch bệnh xảy ra tại các khu vực khác nhau. Thứ hai là nhà Minh có nhiều án oan.
Cơ cấu gián điệp của nhà Minh phát triển nhất. Thái giám kiểm soát Đông Xưởng, Tây Xưởng, cũng như Cẩm Y Vệ, Chấn Phù Ti (chức danh), nhằm giám sát, hãm hại các triều thần, cai trị đất nước bằng sự khủng bố, án oan phổ biến rộng rãi, bức hại nhục hình tồi tệ nhất trong các triều đại. Thậm chí quan lại không cần phải có tội, chỉ cần một câu của hoàng đế đã có thể đánh đập đại thần, thậm chí đánh tới mức tàn phế, hay chết người. Nhà Minh cũng thiết lập chế độ lăng trì (tùng xẻo bằng ngàn vạn nhát đao). Nếu phạm nhân chết trước khi bị hành hình bởi hàng vạn nhát đao, thì đao phủ sẽ bị trừng phạt nặng nề…
Trên thực tế, hai đặc điểm trên của nhà Minh là có mối quan hệ nhân quả. Án oan là một trong những nguyên nhân sâu xa của bệnh dịch hạch và các thảm họa tự nhiên khác. Trước đây, khi gặp thiên tai, phiền phức, bệnh tật hoặc thân nhân đau ốm, hoàng đế thường đại xá thiên hạ, triều thần can gián hoàng đế lật lại các vụ án oan nhằm hóa giải thảm họa, trong sách sử ghi chép chuyện này nhiều vô số.
Trong cuốn sách về thiên tượng “Ất Tỵ Chiêm” của nhà tiên tri nổi tiếng Lý Thuần Phong xuất hiện nhiều lần câu: “Dĩ xá giải chi” (Ân xá nhằm hóa giải thiên tai). Ân xá trực tiếp giải quyết các vụ án oan, nhưng làm thế nào mới có thể giải quyết thiên tai? Bởi lẽ có những thiên tai, nguyên nhân sâu xa của nó là Thiên ý trừng phạt việc xử án bất công nơi thế gian. Nên chỉ cần giải quyết tận gốc vấn đề, tự nhiên sẽ có thể giải quyết được những thiên tai tương ứng. Tất nhiên, không phải tất cả các tình huống đều có thể được “giải quyết bằng ân xá”, “Ất Tỵ Chiêm” cũng nói rằng chỉ có một số thiên tượng nhất định mới có thể “giải quyết bằng ân xá” mà thôi.
Lịch sử kỳ thực cũng không thiếu các ghi chép về niềm tin thiên tai gắn liền với đức hạnh của triều đình. Chẳng hạn như Tống Thái Tổ không sợ hãi dùng nhục thân cầu nguyện cho bầu trời quang đãng [18], Trịnh Hiệp cầu xin Tống Thần Tông phế Vương An Thạch, để xin trời giáng mưa, hóa giải hạn hán [19], hay văn khấn của Vương Dương Minh nhà Minh [20] và việc cầu mưa [21], v.v.
Nói theo cách này, dịch bệnh lớn nhất vào cuối triều đại nhà Minh chắc chắn sẽ tương ứng với sự bất công lớn nhất: đó là án oan của Viên Sùng Hoán. Viên Sùng Hoán có công cứu nhà Minh khỏi rơi vào thế vạn kiếp bất phục, nhưng triều đình nhà Minh cùng người dân nhà Minh lại đối xử với ông bằng hình phạt lăng trì tùng xẻo thảm khốc, thậm chí là chết không toàn thây, bị dân chúng xâu xé thịt và nội tạng để bằm nát.
Đại quân Mãn Thanh, phiến quân của Lý Tự Thành và quân thiết kỵ Quan Ninh của Ngô Tam Quế và Tổ Đại Thọ đều không bị nhiễm bệnh. “Điều kỳ lạ ba bên” này và căn nguyên việc nhà Đại Minh bị Trời diệt, đều vì một lý do đơn giản: Viên Sùng Hoán. Dịch hạch nghiêm trọng là Trời trách tội mà giáng xuống, bởi Đại Minh đại nghịch vô đạo tới tận cùng, tin theo lời sàm tấu của các quan viên, lại đáp trả đại ơn của Viên Sùng Hoán bằng sự tàn bạo thảm khốc nhất.
Hai câu hỏi cuối cùng về đại dịch
Nhiều người có thể hỏi rằng: “Nếu những vụ án bất công là nguyên nhân sâu xa của bệnh dịch trong triều đại nhà Minh, tại sao những người dựng nên những nhà tù bất công, Đông Xưởng, Tây Xưởng và hôn quân Sùng Trinh đế không gặp báo ứng trước, mà người gặp kiếp nạn trước lại là dân thường?”
Kỳ thực sự phục tùng, tán đồng và bảo vệ của người dân là nền tảng để những kẻ hôn quân trở nên mạnh mẽ và độc đoán. Đại dịch luôn chừa lại cơ hội, không phải là một lần giết tận, nhưng vào thời điểm mạt Minh ấy, chẳng có ai đứng ra khuyên hoàng đế hối cải, khuyên triều đình hối cải. Người dân cũng chỉ vì thông báo của triều đình mà căm hận Viên Sùng Hoán tận xương tủy, thậm chí chia nhau xâu xé thịt và nội tạng của ông để băm nát, mà không nhớ đến hiện thực trước mắt là Viên Sùng Hoán nhiều lần cứu thoát họ khỏi vó ngựa Mãn Thanh.
Vậy nên những người dân cũng sẽ phải gặp kiếp nạn. Mà thật ra Hoàng đế Sùng Trinh và các phi tần, con cái của ông ta cũng chẳng phải lần lượt gặp quả báo như vậy hay sao?
Trong đại dịch, dẫu là những người góp sóng thành bão khi nghe theo những lời dối trá, hay “có vẻ như oan khuất”, thì vận mệnh cũng không có gì khác biệt, chẳng thể trốn chạy khỏi Thiên ý, chẳng thể trốn chạy khỏi tội lỗi gây ra.
Một số người có thể hỏi tiếp: “Có quá nhiều vụ án lớn bất công và giết người oan sai trong lịch sử. Theo cách này, lẽ ra mỗi lần đều sẽ có đại dịch, tại sao lại không có? Hàn Tín những năm đầu của triều đại Tây Hán, Nhạc Phi những năm đầu thời Nam Tống đều bị giết oan, đều là đại án oan của các đại công thần. Tại sao triều đại Tây Hán và Nam Tống đều tồn tại suốt một thời gian dài mà không bị dịch bệnh diệt quốc?”
Báo ứng là có nặng có nhẹ. Thứ nhất là Hàn Tín hay Nhạc Phi đều không bị chết thảm như Viên Sùng Hoán. Thứ hai là báo ứng chẳng phải cũng tới đó sao? Đại dịch không đến, nhưng triều chính nhà Hán cũng phải trải qua thời kỳ Lã Hậu nắm quyền suốt 15 năm, hoàng đế nhà Hán có để mà có. Đại dịch không đến, nhưng thay vì khôi phục giang sơn, thì sau khi Nhạc Phi qua đời, nhà Tống phải chấp nhận xưng thần với nhà Kim, cắt đất từ Đường châu, Đặng châu.
Trong vụ việc Hàn Tín và Nhạc Phi, người dân không ủng hộ, quần thần không hùa theo, nên tất nhiên là đại dịch không thể đổ ập xuống lấy mạng người. So sánh ra, trong án oan của Viên Sùng Hoán, quá nửa quan viên, đa số bách tính đều tin theo những lời dối trá của triều đình, ủng hộ việc hãm hại, trước sự thật hiển nhiên rằng Viên Sùng Hoán nhiều lần cứu mạng họ, bảo toàn Đại Minh, hơn nữa số người biết sự thực dám lên tiếng cho Viên Sùng Hoán chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đại dịch diệt Đại Minh vì vậy có thể nói là Thiên ý.
Nhật nguyệt tuần hoàn, lịch sử tái diễn, khi đối diện với đại kiếp, có thể lấy lịch sử làm tấm gương soi lại mình. Tấm gương này được viết bằng sinh mệnh của biết bao nhiêu thế hệ vậy.
Theo Sound Of Hope
Tác giả: Vương Nhuận, Văn Tư Mẫn
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Tài liệu tham khảo:
[1] “Minh quý bắc lược, quyển 20” của Kế Lục Kỳ (Cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh)
[2] “Minh thực lục – Sùng Trinh thực lục, quyển 17”
[3] “Sùng Trinh trường biên, quyển 2” của Uông Tiếp (Cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh)
[4] “Minh sử – Bổn kỷ, quyển 23” của Trương Đình Ngọc (thời nhà Thanh)
[5] “Tảo lâm tạp trở” của Đàm Thiên (Cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh)
[6] “Bình khấu chí” của Bành Tôn Di (Cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh)
[7] “Hậu giám lục” của Mao Kỳ Linh (thời nhà Thanh)
[8] “Minh sử – Bổn kỷ, quyển 24”: “Tháng 7, mùa thu năm (Sùng Trinh) thứ 14 (năm 1641), Kinh sư đại dịch”
[9] Cuốn “Ôn dịch luận – Nguyên tự” của Ngô Hữu Tính (Cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh) chỉ ra rằng: “Sùng Trinh Tân Dĩ (Năm 1641) dịch bệnh hoành hành, Sơn Đông, Chiết Giang, dọc theo hướng Nam Bắc, người nhiễm bệnh rất nhiều. Tới tháng 5, tháng 6 còn nhiều hơn, thậm chí đóng cửa nhà vẫn bị nhiễm bệnh.”
[10] Cuốn “Minh thực lục – Sùng Trinh thực lục, quyển 14” viết rằng: “Tháng 4 năm 1641 (năm Sùng Trinh thứ 14), Khai Phong xảy ra đại dịch”; ” Tháng 7 năm Sùng Trinh thứ 14, Bắc Kinh nhiễm dịch rất nghiêm trọng, chết chóc suốt đêm ngày, đóng cửa thành trong đau buồn”, “Từ tháng 2 mùa xuân năm Sùng Trinh thứ 16 đến nay (tháng 7), Kinh Sư xuất hiện đại dịch, mỗi ngày hàng vạn người tử vong.”
[11] “Nghiên cứu lịch sử” kỳ 1 năm 1997, dịch hạch hoành hành và những thay đồi trong xã hội vùng Hoa Bắc của Tào Thụ Cơ.
[12] “Minh quý bắc lược, quyển 19”
[13] “Hoài Lai huyện chí” do Ban biên tập tạp chí địa phương huyện Hoài Lai, tỉnh Hà Bắc, bản dịch tiếng nước ngoài tháng 8/2001.
[14] “Minh Sử Cảo – Ngô Tam Quế Truyện”
[15] “Thanh Thái Tông thực lục”
[16] “Liêu sư nhập vệ kỷ sự” hay còn gọi “Liêu tây nhập vệ kỷ sự” của Chu Văn Úc (nhà Minh): “Mũi tên của quân giặc như mưa, hai bên sườn tua tủa như nhím, may có áo giáp nặng nên không xuyên qua.”
[17] “Thanh Thánh Tổ thực lục”
[18] “Tục tư trị thông giám trường biên, quyển 17”
[19] “Tống Sử – Trịnh Hiệp Truyện”
[20] “Kì vũ từ” (Văn khấn cầu mưa) của Vương Dương Minh (nhà Minh)
[21] “Hội Xương huyện chí” của Lưu Trường Cảnh, Trần Lương Đống, Vương Kí (nhà Thanh), phiên bản năm Đồng Trị thứ 11 (Năm 1872)
[22] “Thạch Di Thư” của Trương Đại (Cuối thời nhà Minh, đầu thời nhà Thanh)
Từ khóa Đại ôn dịch nhà Minh Viên Sùng Hoán Ngô Tam Quế nguyên nhân đại dịch Lý Tự Thành đại dịch Nhà Thanh