Đại Mão: Làng văn hiến nổi tiếng xứ Kinh Bắc
- Trần Hưng
- •
Người dân làng Đại Mão (thuộc xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) luôn tự hào với câu nói “văn vật khả quan” được ghi trên bức hoành phi treo trang trọng ở hậu cung ngôi Đình Chợ, khẳng định đây là vùng đất văn vật.
Làng văn hiến
Đình làng Đại Mão nằm ở vị trí trung tâm, được xây dựng vào thời nhà Lê, thờ Thành Hoàng là Lạc thị đệ nhị Đại vương là một trong 3 vị Thần thuộc dòng dõi Lạc Long Quân, tương truyền từng hiển linh giúp Hai Bà Trưng đánh quân Hán.
Làng cũng có Văn Chỉ thờ Khổng Tử cùng các vị tiên hiền, có bia đá ghi danh những người đỗ đạt của làng. Trong lịch sử khoa bảng làng có 70 người thuộc 6 dòng họ đỗ từ tú tài trở lên, trong đó có 4 người đỗ tiến sĩ được ghi danh trong văn miếu Quốc Tử Giám và văn miếu Bắc Ninh, có 35 người làm quan lớn có danh tiếng. Tiêu biểu có thể kể đến như:
- Quan Tư đồ trấn quốc công Trịnh Đức Mại thời Trần.
- Nguyễn Đình Khuê đỗ tiến sĩ thời nhà Mạc, làm quan đến Hiến sát sứ Sơn Tây, Hải Dương
- Trịnh Đức Vận đỗ tiến sĩ thời Hậu Lê, làm quan đến Giám sát ngự sử.
- Lê Doãn Giản đỗ tiến sĩ thời Hậu Lê, làm quan đến Hữu thị lang bộ Công.
- Lê Doãn Thân đỗ tiến sĩ thời Hậu Lê, được phong làm Thừa chính sứ tước Trí xuyên
Làng có 94 người thuộc 11 dòng họ mở trường lớp dạy học, hay đi dạy chữ Hán ở các vùng xung quanh.
Đại Mão là làng quê có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo, người dân khéo léo với nghề dệt cổ truyền. Từ xưa người làng có câu:
Đại Mão có lịch, có lề
Có ao tắm mát, có nghề cửi canh
Là đất ham học, ham hành…
Trong làng hầu như ai cũng biết chữ nghĩa, lại giữ được nét thuần phong mỹ tục từ văn hóa cổ truyền nên được người thời đó suy tôn là “làng văn hiến”, Đình chợ của làng có bức hoành phi với bốn chữ “Văn vật khả quan”.
Dòng họ Lê Doãn
Xưa kia làng có 12 dòng họ thì dòng họ Lê Doãn có tiếng nhất là có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Theo gia phả và các tài liệu được lưu giữ ở nhà thờ dòng họ, thì Lê Doãn là dòng họ lớn của làng đã ở đây từ nhiều đời, có nhiều người trở thành công thần của Triều đình. Cụ thủy tổ đến làng Đại Mão từ thời vua Lê Uy Mục, đến thời Lê Trung Hưng thì có 7 thế hệ với 11 người làm quan.
Đời thứ 8 có Lê Doãn Nghi là Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ và được phong tặng Lễ bộ Tả thị lang, tước Tiên Lĩnh hầu. Cụ Lê Doãn Nghi đã xây nhà thờ họ vào năm 1744 và hoàn thành vào năm 1750, nhà thờ có đầy đủ gia phả, hoành phi, câu đối, bia đá… Nhà thờ họ có lần tu sửa lớn vào năm 2019.
Tại gian giữa nhà thờ có các bức hoành phi như: “Trung hiếu truyền gia” (truyền thống gia đình trung hiếu); “Quang tiền thùy hậu” (sáng đời trước, rạng đời sau); “Thế trạch trường” (ơn tiên tổ dài lâu) và nhiều câu đối khác.
Đặc biệt có bức “gia giáo ngâm” được khảm trai và viết bằng chữ Hán, đây là một bản tộc ước quy định lẽ sống cho con cháu dòng tộc tránh xa điều ác, sống giản dị và làm điều thiện.
Trong nhà thờ họ cũng ghi chép lại cuộc đời của Phó bảng Lê Doãn Nhã, người được làng Đại Mão tự hào là vị quan thanh liêm.
Lễ hội làng
Lễ hội làng Đại Mão được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm. Quy định rằng các năm tý, ngọ, mão, dậu làng mở hội lớn hơn, có tổ chức rước Thành Hoàng về nghè Đại Mão công đồng ở khu Đường Cầu. Tương truyền đây là nơi Hai Bà Trưng xưa kia lập đàn cầu xin các vị Thần giúp sức, trong thần phả cũng ghi lại trận đánh ác liệt nơi đây. Nay dân vẫn truyền trong lễ hội có tục thi chạy ngựa giữa 3 thôn với nhau, một hình thức diễn xướng tưởng nhớ trận đánh năm xưa.
Trong lễ hội chính của làng ngày mùng 10 tháng 2 có tục thi đọc Mộc Dục, nội dung bản Mộc Dục có câu:
Ở ăn hoà thuận quây quần
Nhún nhường niềm nở xa gần mến yêu
Tu nhân tích đức ở đời
Là điều mong ước mọi người chớ quên…
Đồng thời các dòng họ trong làng cùng tổ chức lễ hội “xuân tế tổ” vào mùng 10 tháng giêng hàng năm.
Các nhà thờ họ đều có các bức hoành phi, câu đối với nhũng lời dạy sâu sắc nhớ về cội nguồn và đạo lý làm người: Như ở nhà thờ họ Nguyễn Viết có bức hoành phi “Nhân bản hồ tổ” (Người ta vốn có tổ tiên ); nhà thờ họ Lê Nho có bức hoành phi “Bắc sơn đức thụ” (Cây đức ở núi phương Bắc) ca ngợi công đức tổ tiên; nhà thờ họ Nguyễn Hữu có đôi câu đối: “Nhất bản tư bồi vinh đức thụ/ Tam chi phồn diễn triển gia phong” (Một gốc vun trồng xanh tươi cây đức/ Ba chi thịnh vượng rạng rỡ gia phong).
Các nhà thờ họ cũng có những lời ghi chép của để răn dạy con cháu sau này, giống như dòng họ Lê Doãn.
Không quên cội nguồn, ghi nhớ lời dạy của tổ tiên, ngày nay làng Đại Mão có nhiều người đỗ đại học, mỗi năm có hàng chục học sinh đỗ đại học, cao đẳng, nên được xem là làng đại học của Bắc Ninh.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa làng quê Làng khoa bảng