Danh ngôn nhân sinh: “Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ”
- Quán Minh
- •
Đối đại đa số người mà nói, có lẽ điều quý giá nhất trong thế gian chính là thân tình. Tuy nhiên, điều mà những người cao thượng thời xưa coi trọng nhất trong đời lại là nhân phẩm của chính bản thân mình, bởi vì nhân phẩm quyết định thiện ác, quyết định chính tà, cũng quyết định nhân quả kiếp người. Có một câu thơ Đường rất hay biểu đạt lý niệm này: “Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ”.
Trong rất nhiều bài thơ cổ của các thi nhân nhà Đường thì “Phù Dung lâu tống Tân Tiệm” (Tiễn Tân Tiệm ở lầu Phù Dung) của tác giả Vương Xương Linh thời Đường tuy rằng ngắn ngủi nhưng lại có thể chứa đựng khí phách rất lớn, thể hiện tiết tháo chính trực, liêm khiết và một tấm lòng trong sáng, không tạp lẫn, khiến người đời sau đã đọc qua là không quên được. Câu “Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ” (một khối băng trong suốt trong chiếc bình ngọc) là danh ngôn được lưu truyền rộng rãi và hình thành nên câu thành ngữ “Nhất phiến băng tâm”.
Bài thơ đầy đủ bao gồm bốn câu:
Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô,
Bình minh tống khách Sở sơn cô.
Lạc Dương thân hữu như tương vấn,
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.
Dịch thơ:
Đang đêm mưa lạnh vào Ngô,
Sáng ngày đưa khách, núi cô trập trùng.
Lạc Dương bầu bạn hỏi cùng,
Băng tâm một mảnh ở trong ngọc hồ.
(Trần Trọng Kim, Đường thi, NXB Văn hoá thông tin, 1995)
Đại ý của bài thơ là tả về cảnh sau một đêm mưa lạnh bao phủ cả đất Ngô, sáng hôm sau tác giả từ biệt bạn ở lầu Phù Dung. Lúc này tác giả cảm thấy cô độc tịch mịch, chỉ có ánh nắng ban mai chiếu rọi trên dãy núi phía xa xa. Tác giả đã dặn bạn rằng nếu như bạn bè thân thích của ông ở nơi Lạc Dương xa xôi có hỏi thăm thì xin hãy nói với họ rằng nội tâm của ông vẫn thuần khiết, không tỳ vết như cũ, trong suốt tựa như băng và sáng tựa như ngọc vậy.
Bài “Phù Dung lâu tống Tân Tiệm” được sáng tác vào năm Thiên Bảo thứ nhất thời Đường Huyền Tông khi Vương Xương Linh bị giáng chức xuống làm Giang Ninh thừa. Tân Tiệm là người bạn thân thiết của ông dự định từ Nhuận Châu vượt sông, qua Dương Châu, đi về phía bắc đến Lạc Dương. Vương Xương Linh đã cùng ông đi từ Giang Ninh đến Nhuận Châu, rồi hai người từ biệt nhau ở đó.
Đây là bài thơ tiễn biệt bạn trước lúc đi xa, nhưng những cảm xúc chia tay lưu luyến sầu muộn giữa những người bạn lại được viết một cách rất nhẹ nhàng, thậm chí có phần đạm nhạt, thay vào đó lại nhấn mạnh về tư cách đạo đức cao đẹp và sự chính trực mà một người nên có. Hai câu đầu mô tả cảnh mưa lạnh trải khắp trên mặt sông và đất Ngô tô đậm thêm nỗi cô tịch hiu quạnh của buổi tiễn biệt. Hai câu sau sử dụng băng tâm ngọc hồ để biểu đạt tấm lòng khoáng đạt rộng rãi cùng với tính cách kiên cường.
Dù gặp phải nghịch cảnh nhưng tác giả vẫn không thay đổi tính cách cao thượng. Ngay cả khi bị giáng chức, ông vẫn kiên định với đức hạnh của mình. Đây là phong cốt và cũng là nguồn nuôi dưỡng tinh thần mà các văn nhân thời cổ theo đuổi.
Thời cổ đại, từ thời Lưu Tống Lục triều, thi nhân Bào Chiếu đã sử dụng “thanh như ngọc hồ băng” để so sánh với phẩm cách trong sạch cao thượng. Vào năm Khai Nguyên thời Đường, tể tướng Diêu Sùng đã từng viết “Băng hồ giới”, và các thi nhân thời Đường như Vương Duy, Thôi Hạo, Lý Bạch … cũng đều từng sử dụng “băng hồ” như là một thủ pháp văn chương để tự khích lệ bản thân và tán dương phẩm cách cao thượng, quang minh lỗi lạc.
Trong bài thơ này, Vương Xương Linh đã sử dụng “băng tâm ngọc hồ” để khích lệ chính mình, lấy ra một trái tim trong suốt thuần khiết không tỳ vết ở trong chiếc bình ngọc để gửi đến bạn bè. Điều này có thể bày tỏ tình cảm sâu sắc của ông dành cho những người thân và bạn bè ở Lạc Dương tốt hơn bất kỳ lời nói yêu thương nào. Thông điệp mà Vương Xương Linh muốn ủy thác cho người bạn Tân Tiệm của mình không phải là một lời nhắn nhủ bình an thông thường mà là tinh thần băng thanh ngọc khiết, kiên trì thủ giữ phẩm đức, dù là lúc thất ý cũng không thất chí, khiến người đời kính trọng và khâm phục. Cũng vì lẽ đó mà người đời sau thường hay trích dẫn “Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ” để biểu thị khát vọng, chí hướng cao thượng thanh khiết.
Con người sống trên đời, mỗi người sẽ có chí hướng chí nguyện riêng, mục tiêu nhân sinh mà người ta theo đuổi cũng khác nhau. Trong nhân sinh hữu hạn ngắn ngủi này, có người cho rằng tiền tài là quan trọng nhất nên cả đời đều truy cầu tài phú, có người lại cho rằng danh dự là quan trọng nhất nên cả đời đều truy cầu danh vọng. Cũng có người cho rằng chỉ cần có quyền thế thì sẽ có thể có được danh và lợi nên coi truy cầu quyền lực là mục tiêu của đời mình. Lại cũng có người cho rằng tình cảm và tình thân là quan trọng nhất nên họ đem việc duy trì tình cảm với người khác đặt lên vị trí hàng đầu. Chỉ những người có đạo đức cao thượng mới có thể vượt qua thế tục này, không bị danh lợi mê hoặc, cho dù cả đời không có được tiếng tăm gì nhưng vẫn giữ được sự thuần khiết và cao quý trong sâu thẳm tâm linh và chiếu sáng một vùng đất bằng nhân cách cao quý của mình. Kỳ thực với những người buông bỏ được danh lợi thân tình của thế tục, điều họ có được lại là cả một thế giới khác.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Quán Minh
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Chính trực Thuần khiết Nhân phẩm nhân sinh cảm ngộ