Đọc sách là thú vui hay nghĩa vụ?
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Có lần đi nói chuyện khuyến đọc ở một thành phố nọ, sau buổi nói chuyện có một thầy hiệu trưởng trẻ đến gặp tôi.
Thầy cười bảo tôi: “Em rất muốn đọc sách mà chưa đọc được. Thầy có cách nào làm cho em thích đọc sách không?”.
Thấy thầy cũng dễ thương, thân thiện tôi nói rất thật: “À, với giáo viên nhất là hiệu trưởng như thầy thì không thể coi đọc sách là thú vui, thích hay không thích được. Nó phải là NGHĨA VỤ”. Tôi nhấn mạnh từ “nghĩa vụ”.
Thầy không giận, không tự ái mà cười rất tự nhiên rồi gật đầu xác nhận: “Thầy nói đúng. Phải cố gắng thôi”. Sau đó chúng tôi trò chuyện về văn hóa đọc ở trường, về cách người lớn có thể dành 10-20 phút mỗi ngày để đọc gì đó nếu bận rộn. Tức là đọc theo “chiến thuật phân tán”.
Điều tôi nói với thầy cũng là điều tôi muốn nói với nhiều người khác.
Nếu là trẻ em nhỏ tuổi hay là người đang sống, làm việc ở vị trí ít có ảnh hưởng tới người khác, ít chịu trách nhiệm xã hội thì đọc sách có thể chỉ là thú vui, đọc cũng được, không đọc cũng được, chẳng sao.
Nhưng nếu đã là cán bộ, giáo viên, công chức, viên chức, cha mẹ, bác sĩ, kĩ sư… mà không đọc thì tức là CHƯA HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM.
Đơn giản vì có đọc mới có thể có nhận thức, kĩ năng, phẩm chất tốt để hoàn thành công việc của mình ở mức cao nhất, mới có thể làm việc bằng 100% năng lượng và đem lại giá trị cho xã hội, gia đình, người khác.
Tất nhiên, đấy là với người nhận thức được rằng đọc sách là cần thiết, là tốt. Giống như thầy hiệu trưởng nói trên, thầy biết đọc sách là tốt chỉ có điều là chưa thực hiện được mà thôi.
Còn đối với người không cho rằng đọc sách là quan trọng thì đúng là… cực khó!
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- Đọc sách – Một cách thức để hòa nhập với thế giới văn minh
- Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam?
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Quốc Vương khuyến đọc
