Đôi nét về Kẻ Bưởi (P1)
- Trần Hưng
- •
Hà Nội có nhiều địa danh bắt đầu từ “Kẻ” như Kẻ Bưởi, Kẻ Đơ, Kẻ Vẽ, v.v… Những ngôi làng như vậy đều là làng cổ, có những sắc thái mang đậm dấu ấn văn hóa của người Việt, đặc biệt là nghề thủ công.
Kẻ Bưởi là khu vực rộng lớn ở phía tây bắc thành phố Hà Nội, là một vùng gồm nhiều ngôi làng như Nghĩa Đô, Bái Ân, Yên Thái, Trích Sài, Đông Xã… được gọi chung là “Kẻ Bưởi”. Tên gọi “Kẻ Bưởi” có nguồn gốc từ xa xưa.
Xưa kia khu vực này ở nằm ngã ba sông Tô Lịch và sông Thiên Phù, hai con sông này trước đây không bị lấp như ngày nay; sông Hồng còn nối với Hồ Tây. Khi bưởi ở vùng Phú Thọ, Đoan Hùng rụng xuống theo dòng nước chảy qua hồ Tây, đến ngã ba sông Tô Lịch và sông Thiên Phù thì dừng lại. Người dân nơi đấy vớt rất nhiều bưởi, ăn không hết lại còn đem bán được, vì thế mà nơi đây được gọi là Kẻ Bưởi.
Người dân Kẻ Bưởi có 2 nghề thủ công nổi tiếng là dệt lĩnh ở làng làng Bái Ân, Trích Sài; và làm giấy ở làng Hồ Khẩu, Yên Thái.
Nguồn gốc dệt lĩnh
Nghề dệt lĩnh nơi đây có từ đầu thời Lê Sơ và được gọi là lĩnh Bưởi. Sản phẩm lĩnh hoa nổi tiếng khắp nơi, không chỉ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước khác, trở thành một mặt hàng thủ công đặc sắc của người Việt.
Nguồn gốc dệt lĩnh có từ thời vua Lê Thánh Tông.
Tương truyền năm 1470, vua Chiêm là Trà Toàn cho 10 vạn quân tiến đánh Đại Việt. Nhận được tin cấp báo, vua Lê Thánh Tông quyết định đưa 26 vạn quân tiến đánh nhằm dẹp yên Chiêm Thành. Đại Việt toàn thắng. Dẹp yên Chiêm Thành xong vua Lê Thánh Tông trở về cùng một số người Chiêm bị bắt, trong đó có cô gái rất xinh đẹp được Vua đặt tên cho là Phạm Thị Ngọc Đô.
Ngọc Đô không chỉ xinh đẹp mà còn khéo tay, giỏi thêu thùa, đặc biệt là có tài canh cửi dệt vải lĩnh. Vì có nhiều ý kiến về việc để một cô gái dị tộc trong cung, Vua Lê Thánh Tông bèn đưa Ngọc Đô đến làng Trích Sài để ở, có 24 cung nữ theo hầu cùng 80 mẫu đất. Vua lập điện Huy Văn để Ngọc Đô cùng 24 cung nữ ở.
Ngọc Đô thấy người dân nơi đây rất cực khổ, hàng ngày phải đốn củi, bắt cá để sinh sống, bèn lấy đất Vua ban hướng dẫn dân chúng trồng dâu, nuôi tằm kéo tơ trên mảnh đất này, lập thành trang trại gọi là Thiên Niên.
Nhận thấy nghề dệt ở đây đã có nhưng sợi thô và không tinh khéo, Ngọc Đô bỏ tiền thuê thợ đóng khung dệt, rồi truyền nghề dệt lĩnh cho dân, tạo ra những tấm lụa tinh xảo khác hẳn lụa đương thời, được khắp nơi ưa chuộng. Dân chúng làng Trích Sài từ đó mà trở nên khấm khá, cuộc sống no đủ.
Từ đó nghề dệt lĩnh được truyền sang làng bên, phát triển mạnh ở làng Bái Ân, dệt lĩnh nơi đây dược gọi là lĩnh Bưởi, dân chúng lưu truyền thành ca dao:
The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn.
Nhắn ai trẩy hội kinh thành,
Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về…
Lĩnh Bưởi đến Kinh thành Thăng Long và trở thành mặt hàng quý của các vương tôn quý tộc, nhiều người ở Kẻ Bưởi trở nên giàu có.
Quy trình dệt lĩnh ở Kẻ Bưởi rất khắt khe, từ chọn người đến chọn tơ tằm, không phải cứ cha truyền con nối là được, mà phải phải yêu nghề và có mức độ tinh tế nghệ thuật cao, bình thường cứ 4, 5 người học thì chỉ chọn được 1 người. Chọn tơ tằm cũng vậy, vì phải là sợi tơ đều và bóng nên thường cứ 5 sợi tơ mới chọn được một sợi tơ để dệt lĩnh, các sợi còn lại thì dùng để dệt lụa. Vì thế mà lĩnh Bưởi rất quý và đắt, mang nhiều đặc tính quý và tốt hơn hẳn vải lụa tơ tằm thời đó. Thường chỉ vua quan, quý tộc và các gia đình giàu có mới dùng lụa lĩnh Bưởi.
Trong quá trình học nghề, người thợ cũng đúc ra được kinh nghiệm lưu truyền thành thơ:
Hồ trơn ngang nhỏ dệt đan
Thân mình cũng sướng như quan phủ Hoài
Hồ to ngang sấn dệt dày
Cũng bằng cha mẹ bắt đày biển Đông
Lụa tơ tằm dễ nhàu, nhưng lụa lĩnh Bưởi dù có vò cũng không nhàu, phụ nữ mặc vào bước đi được ví như có sóng quyện quanh chân, chỗ khuất thì có bóng, chỗ lộ thì sáng biến ảo khiến chỉ muốn nhìn không rời, vì thế mà lụa lĩnh Bưởi chỉ có giới quyền quý ở Kinh thành mới có
Nhắn ai trẩy chợ kinh thành
Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về
Sau khi Phạm Thị Ngọc Đô mất, dân chúng biết ơn lập miếu thờ và tôn làm “Bà chúa dệt lĩnh”. Cứ vào mùng 5 tháng giêng hàng năm người dân Kẻ Bưởi làm làm lễ tế “Bà chúa dệt lĩnh”, trong bài hát chầu lễ tế có đoạn:
Nhờ đức thiên tôn dạy nết cửi canh
Chân giày tay dệt đã nhanh
Văn chương có chữ rành rành bởi ai
Việc cung chức thiên tài đủ vẻ
Dạy nữ công văn nghệ cho tường
Quay tơ lựa chỉ nhiều đường
Dọc theo dậm mắt, dệt ngang có mành…
Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa dệt vải làng nghề lụa tơ tằm