Hoa Kỳ lập quốc: Đôi nét về nhà hiền triết Cicero và Luật tự nhiên
- Thiên Cầm
- •
Cicero là một nhà hiền triết, một luật sư, một chính trị gia La Mã nổi tiếng. Ông là người đóng vai trò quan trọng trong việc du nhập triết học Hy Lạp vào nền văn minh La Mã. Cicero là một vị quan xuất chúng, được người dân tin yêu ủng hộ, và từng trở thành quan chấp chính La Mã, chức quan cao nhất lúc bấy giờ. Tuy nhiều lần lui về ở ẩn và tập trung vào các tác phẩm triết học của mình, ông vẫn không tránh khỏi một cuộc đời đầy sóng gió trong hoàn cảnh Caesar lên nắm quyền và bị ám sát. Cuối cùng, chính Cicero cũng bị ám sát dã man trong khi chuẩn bị bỏ trốn: bị chặt đầu và hai bàn tay, đưa đi đóng đinh tại quảng trường.
- Tiếp theo loạt bài Hoa Kỳ lập quốc
Trong suốt cuộc đời mình, nhà hiền triết Cicero đã nghiên cứu các thể hệ chính trị khác nhau trên thế giới. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông, gồm “Bàn về Cộng hòa” và “Bàn về luật pháp”, đã được lưu hành rộng rãi và trí tuệ của ông được công nhận là vượt thời đại. Ông cũng được coi là người mà tư tưởng có ảnh hưởng tới các vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ.
Sau các nhà hiền triết Hy Lạp, nổi bật là Aristotle, thì Cicero là người bàn về sự tồn tại của Luật tự nhiên (Luật của Chúa) khá chi tiết. Đối với các vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ, Cicero đã là một nguồn cảm hứng vượt thời gian. Thời đại của Cicero là trước Công Nguyên. Tại thời điểm đó, Chúa Giê-su còn chưa xuất hiện. Vậy mà điều Cicero nắm bắt lại rất có tính liên kết với hiểu biết của Kitô giáo sau này, rằng có một vị Chúa Sáng Thế đã sáng tạo ra thế gian, và luật của Ngài hiện hữu trong vạn vật. Cicero đã cho rằng quy luật này là hiển nhiên, là hợp với logic, và con người không thể thay đổi nó, tồn tại vĩnh viễn như vậy.
Trong cuốn “Bàn về Cộng hòa”, nhà hiền triết Cicero viết:
Thật sự có một luật, là lý trí đúng đắn, hoàn toàn tuân theo tự nhiên; tồn tại trong tất cả, bất biến, và vĩnh cửu. Luật đó chỉ đạo cho chúng ta điều gì là tốt, cấm chúng ta làm điều xấu. Nó tràn ngập trong người tốt, nhưng người xấu thì sẽ không thấy sự hiện hữu của nó. Không có một luật lệ nào có thể thay thế nó, không có phần nào có thể bị lấy đi khỏi nó, và nó cũng không thể bị hủy bỏ. Không người dân hay nghị sĩ nào có thể thoát khỏi nó. Nó không thay đổi, không phải là một thứ này ở Rome, và một thứ khác ở Athens: không phải một thứ này ngày hôm nay và một thứ khác vào ngày mai. Nó là vĩnh cửu, không thay đổi đối với tất cả quốc gia và trong mọi thời điểm.
Nói theo quan niệm ngày nay, thì chúng ta biết rằng các định luật vật lý tồn tại vĩnh viễn, và con người chỉ là đang khám phá ra những điều chúng ta chưa biết. Nhân loại không hề tạo ra một điều gì mà chỉ vận dụng những điều mà tự nhiên hé lộ cho thôi. Chúng ta không sáng tạo ra các hằng số, không sáng tạo ra các công thức, không có thứ gì mà chúng ta tạo ra cả. Ngay cả trong các phát minh của chúng ta, chúng ta cũng chỉ đang xử lý và chắp ghép những vật mà tự nhiên cung cấp theo một quy tắc mà chúng ta hiểu được từ tự nhiên. Con người bé nhỏ như vậy đó.
Những người vô thần thường hỏi: “Chúa có tồn tại không? Vì sao tôi lại không thể nhìn thấy?” Những điều này dường như là một vấn đề quá phức tạp và bí ẩn đối với tư duy của con người hiện đại. Kỳ thực có rất nhiều thứ là không cần phải chứng minh, như Descartes đã nói: “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại”. Mọi người đều cảm nhận được về bản thân mình, điều này đủ để biết rằng mình đang tồn tại.
Hãy suy ngẫm về điều này: Bạn cầm cái bút chì, và bạn biết nó là nhân tạo mà không cần phải chứng minh. Vì sao lại như vậy? Vũ trụ này chứa đầy những điều đáng kinh ngạc và các cơ chế khác nhau đằng sau chúng. Sự tồn tại và vận hành có trật tự của toàn bộ vũ trụ có thể là sự ngẫu nhiên chăng? Có bao nhiêu khả năng ngẫu nhiên để tạo ra một cái bút chì? Một con khỉ ngồi trước bàn phím máy tính thì có bao nhiêu khả năng ngẫu nhiên để nó lập trình được Windows XP? Có bao nhiêu khả năng ngẫu nhiên để có những điều kiện sống cho con người, chẳng hạn như chín đại hành tinh quay quanh mặt trời một cách tuần tự với khoảng cách phù hợp? Có bao nhiêu yếu tố ngẫu nhiên có thể tạo ra một cơ thể người, hoặc thậm chí chỉ đơn giản là một bông hoa, một chiếc lá?
Điều đáng chú ý là ở đây, Cicero có sự minh triết rất rõ ràng. Nếu như có một Luật tự nhiên phổ quát như vậy ở trong tất cả, thì con người cũng không nằm ngoài đó. Luật của tự nhiên mà Cicero nói tới ở đây không chỉ là những quy luật hiện hữu trong tự nhiên mà con người quan sát thấy, như ngày đêm, bốn mùa, mưa gió, thủy triều. Theo Cicero, luật này còn bao hàm cả cách con người sinh sống và tồn tại. Do đó, Cicero cho rằng Luật tự nhiên quy định nên các giá trị đạo đức. Điều này cũng lại phù hợp với những điều Kitô giáo dạy, tức là nền tảng đạo đức của con người do Chúa Sáng Thế đặt định ra, thể hiện ở Kitô giáo là những điều răn của Chúa.
Cicero cũng nói: “Đạo đức mà chúng ta cần tu dưỡng, thường là nguồn hạnh phúc của chúng ta, và phương pháp tốt nhất để phát triển nó là sống với những người khác trong sự đoàn kết và lòng khoan dung, điều được gắn kết bởi lợi ích chung của mọi người.”
Với sự minh triết này, Thomas Jefferson, một trong các vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ, đã tôn kính gọi nhà hiền triết Cicero là “cha đẻ của hùng biện và triết học” (Jefferson’s Literary Commonplace Book).
Vậy cụ thể hơn, Luật tự nhiên mà nhà hiền triết Cicero mô tả và các vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ sử dụng thể hiện trong cách xã hội Hoa Kỳ (hay các xã hội ổn định nói chung) vận hành như thế nào?
Chẳng hạn, là một con người, họ có những quyền không thể tước đoạt. Ví như quyền sống, người ta không được phép tùy tiện giết hại lẫn nhau, không được phép tước đoạt tự do và hạnh phúc của nhau. Điều này được quy định trong 10 điều răn của Chúa, và cũng được quy định trong luật pháp và Hiến pháp Hoa Kỳ.
Một ví dụ khác, con người cũng có những trách nhiệm không thể trốn tránh. Bạn sinh con thì bạn phải nuôi nấng dạy dỗ chúng. Bạn không thể nói rằng tôi chỉ sinh con mà không muốn nuôi dạy chúng. Như vậy không được, bạn phải nuôi con. Bạn là một người chồng, bạn phải yêu thương vợ con của mình. Bạn là một người vợ, bạn phải yêu thương chồng mình, đây cũng là trách nhiệm không thể chối cãi.
Một ví dụ nữa, chẳng hạn trước khi bị kết án, mọi người có quyền trải qua trình tự xét xử, chính quyền không thể nói rằng tôi muốn giam giữ ai thì giam giữ. Nếu không trải qua một trình tự chứng minh rằng họ có tội, thì chính quyền không thể bắt giam họ. Đây cũng là quyền vốn có của con người. Con người có quyền được xét xử, không thể nhìn nhận chủ quan rằng ai đó có tội và mặc nhiên tống họ vào tù.
Một điều quan trọng không kém là quyền lực của chính phủ phải bị giới hạn, điều này cũng bắt nguồn từ Luật tự nhiên. Bạn không thể cho phép chính phủ có quyền lực vô hạn, để một số người thành lập chính phủ, họ có thể giết chóc và cướp bóc, hoặc dám làm bất cứ điều gì. Chính phủ cũng phải tuân theo Luật tự nhiên, và quyền lực của chính phủ chắc chắn phải bị hạn chế.
Người nộp thuế có quyền đại diện, nghĩa là khi tôi trả tiền cho chính phủ, tôi có quyền phát ngôn, không thể nói rằng tôi đã nộp tiền và không có quyền gì. Đây cũng là một sự công bằng và biểu hiện của Luật tự nhiên.
Đây là một số ví dụ về Luật tự nhiên.
Luật pháp được tạo ra bởi con người chưa hẳn sẽ phù hợp với Luật tự nhiên. Nếu chúng mâu thuẫn với Luật tự nhiên, chúng sẽ không còn hợp lý và vấn đề sẽ nảy sinh. Con người có thể tạo ra nhiều luật ác và từ đó chuốc lấy tai họa. Do đó, tuân theo Luật tự nhiên là một nguyên tắc lập quốc. Vậy nên trong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ mới đề cập tới Luật tự nhiên, là luật Chúa Sáng Thế quy định ngay trong câu mở đầu.
Trong câu thứ hai, Tuyên ngôn cũng viết: “…all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights”. Câu này thường được người Việt dịch nhầm hoặc hiểu nhầm thành “con người sinh ra là bình đẳng”. Kỳ thực, câu này có nghĩa là: “…con người được tạo ra bình đẳng, và được Chúa Sáng Thế ban cho những Quyền bất khả xâm phạm”. Điều này đã nói rất rõ đức tin của các vị Cha Lập quốc: Chúa Sáng Thế tạo ra con người, ban cho con người nhân quyền, và cũng quy phạm đạo đức của con người. Đây chính là nền tảng cốt lõi của Luật tự nhiên.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đế chế La Mã Hoa Kỳ lập quốc luật tự nhiên hiền triết Cicero