Hoàng Đôn Hòa: Vị lương y có học trò chữa khỏi bệnh cho Càn Long Đế
- Trần Hưng
- •
Hoàng Đôn Hòa thi đỗ Giám sinh, nhưng ông không thi tiếp hay ra làm quan mà chọn ở quê nhà chữa bệnh cho dân chúng. Truyền nhân của ông sau này có Trịnh Đôn Phác chữa khỏi bệnh cho vua Càn long.
Lương y lấy công chúa
Vào năm 1533 ở nước ta, một dịch bệnh lan ra khắp nơi ở miền bắc, nhiều người bị mọc các đốm đỏ, đau nhức toàn thân rồi chết, ngay cả gia sức cũng chết hàng loạt, các thầy lang cũng không hiểu là bệnh gì.
Giữa lúc lo lắng tuyệt vọng thì người ta truyền nhau một bài thuốc thần kỳ với những lá cỏ rất dễ thấy giúp dân chúng khỏi bệnh, chẳng mấy chốc bệnh dịch vì thế mà cũng hết. Lúc này người dân mới biết người truyền bài thuốc cứu người ấy là lương y Hoàng Đôn Hòa ở làng Đan Khê (nay là làng Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Cũng từ đó mà danh tiếng Hoàng Đôn Hòa vang xa.
Lúc này tại Kinh thành, công chúa Phương Anh lâm bệnh nặng, các quan ngự y đều chịu không chữa được. Vua cho mời các danh y đến nhưng họ sau khi bắt mạch xem bệnh thì đều tìm cách rút lui mà không dám chữa.
Lúc này có người tâu với Vua ở Đan Khê có Hoàng Đôn Hòa nổi tiếng chữa được bệnh dịch, Vua cho mời ngay đến. Hoàng Đôn Hòa khi ấy còn rất trẻ, tự tay sắc thuốc rồi dâng cho công chúa uống. Bệnh công chúa dần dần thuyên giảm rồi hết hẳn, khỏe mạnh như xưa. Vua mừng lắm gả luôn công chúa cho Hoàng Đôn Hòa, rồi phong cho làm quan ngự y trong cung.
Thế nhưng Hoàng Đôn Hòa không ham phú quý, xin đưa công chúa về quê nhà. Công chúa Phương Anh đổi tên thành Phương Dung, học nghề thuốc từ chồng, hai vợ chồng hàng ngày cùng bào chế thuốc chữa bệnh giúp dân. Công chúa Phương Dung trở thành nàng dâu hiếu thảo ở vùng quê.
Hoàng Đôn Hòa truyền nghề thuốc cho học trò của mình, ông cũng dành thời gian viết “Hoạt nhân toát yếu” với hơn 300 bài thuốc và dưỡng sinh để lại cho đời sau.
Sau khi vợ chồng Hoàng Đôn Hòa mất, người dân lập miếu thờ tôn Hoàng Đôn Hòa là Thành Hoàng của làng. Dân làng ghi tạc 3 bức hoàng phi “Âm dương hợp đức”, “Lương y quốc”, “Thọ tư dân”. Nhiều câu chuyện về hai vợ chồng danh y được người dân nhớ mãi, xem Hoàng Đôn Hòa như “dược vương”.
Truyền nhân chữa bệnh cho vua Càn Long
Có một chuyện dân gian kể rằng hai thế kỷ sau, Hoàng đế Càn Long nhà Thanh bị căn bệnh nan y, các ngự y cùng danh y ở Trung Nguyên cứu chữa nhưng bệnh Vua vẫn không hết.
Lúc này có người xem thiên văn nói phương nam có khí lành tất có danh y, Hoàng đế Càn Long bèn cho người tìm hiểu thì biết nước nam có danh y Hoàng Đôn Hòa nhưng đã mất 200 năm rồi. Càn Long Đế cho rằng là danh y tất có trò giỏi, nên cho tìm trò giỏi nhất đến.
Sứ thần tìm được Trịnh Đôn Phác đưa về nhà Thanh. Trịnh Đôn Phác vốn được truyền lại “Hoạt nhân toát yếu” của Hoàng Đôn Hòa đã tìm ra được nguyên nhân, nhờ đó mà chữa khỏi bệnh cho Càn Long Đế. Sau đó ông cũng xem bệnh cho Hoàng hậu cùng công chúa.
Càn Long Đế trọng thưởng cho Trịnh Đôn Phác và mời ông ở lại làm quan, nhưng ông nói học theo Hoàng Đôn Hòa, không nhận chức quan mà muốn trở về quê nhà.
Càn Long Đế đã ban tặng các vật phẩm cho Trịnh Đôn Phác, nhưng ông nói rằng chữa khỏi bệnh là nhờ học theo Hoàng Đôn Hòa nên những tặng phẩm này không dám nhận.
Càn Long Đế liền cho người đến đất Việt làm lễ lớn tế danh y Hoàng Đôn Hòa, rồi ban các tặng phẩm gồm một cái choé, một áo gấm tím, một cây đèn lễ, một đôi hài bằng đồng. Hiện nay các vật phẩm này vẫn còn và được đặt trang trọng trong đền thờ Thần Hoàng làng Đa Sĩ.
Trịnh Đôn Phác nhờ học được “Hoạt nhân toát yếu” mà trở thành nhân tài, đứng đầu trong Thái y viện. Học trò của ông có Ngô Thì Nhậm, Lưu Hy Thái sau này đều đỗ tiến sĩ và trở thành nhân tài.
Tưởng nhớ
Hàng năm người dân làng Đa Sĩ đều tổ chức lễ hội tưởng nhớ lương y Hoàng Đôn Hòa. Trong lễ hội có tổ chức lễ rước kiệu Ông và kiệu Bà (tức Hoàng Đôn Hòa và công chúa Phương Dung) từ miếu thờ về Đình làng. Kiệu Ông với biểu tượng 8 con rồng và kiệu Bà với biểu tượng 8 con phượng sơn son thếp vàng.
Lễ hội diễn ra trong vài ngày cùng với các trò chơi dân gian như hát chèo, hát quan họ, cờ tướng, kéo co, chọi gà… thu hút được nhiều khách thập phương tham gia.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Nguyễn Đức Cần: Lương y siêu phàm mà khoa học vẫn chưa thể lý giải
- Giải mã Đông y: Dụng thuốc như dụng binh, lương y như lương tướng
Mời xem video:
Từ khóa đông y lương y y học cổ truyền danh y