Khởi nghĩa Xuân Nương: Cùng em Thi Sách chống quân Hán (Phần 2)
- Trần Hưng
- •
Xuân Nương là một danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Thần tích và ngọc phả tại Đền Hương Nộn, Hương Nha, Nam Cường ghi chép lại về cuộc khởi nghĩa của Xuân Nương chống quân Hán ở châu Đại Man khá chi tiết. Dưới đây chỉ là tài liệu dã sử, để “tham khảo thêm” về một thời kỳ ít được ghi chép tường tận trong chính sử.
- Tiếp theo phần 1
Nước Lĩnh Nam
Năm 40 SCN, Hai Bà Trưng xuất quân ở Hát Môn, chia quân tiến đánh các nơi. Hai Bà Trưng chiếm các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải, v.v… tức bao gồm cả tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông Trung Quốc ngày nay.
Sách sử nhà Hán có ghi chép lại rằng:
“Năm Kiến Vũ thứ 16 (tức năm 40 sau công nguyên), người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh phá quận. Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, là vợ Thi Sách người Chu Diên, rất hùng dũng. Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Trưng Trắc phẫn nộ, vì thế mà làm phản. Do vậy, những người Man, người Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Gồm chiếm được 65 thành tự lập làm vua. Thứ sử Giao Chỉ và các thái thú chỉ giữ được thân mình mà thôi.”
Quân Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Hán đến tận hồ Động Đình (nằm giữa tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam của Trung Quốc ngày nay).
Trưng Trắc lên ngôi Vua, đặt tên nước là Lĩnh Nam (tức phía nam núi Ngũ Lĩnh). Vua Trưng phong Xuân Nương làm Đông cung công chúa Nhập nội trưởng quản quân cơ nội các.
Em ruột của Thi Sách là Thi Bằng giữ chức Trưởng quản thủy quân các đạo, đã góa vợ, thấy Xuân Nương xinh đẹp lại dịu dàng thì đem lòng yêu mến, bèn nhờ Vua Trưng làm mai mối. Xuân Nương nghe lời Vua Trưng kết hôn cùng với Thi Bằng.
Cuộc chiến chống quân Hán bảo vệ Giang Sơn
Năm 42 sau công nguyên, Hán Quang Vũ Đế phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm phó tướng cùng với Đoàn Chí đem quân tiến đánh Lĩnh Nam.
Mã Viện cử phó tướng Lưu Long chỉ huy thủy quân tiến theo sông Thao đánh phá các trại quân của Lĩnh Nam ở bên sông. Tình thế nguy cấp, Trưng Vương lệnh cho các tướng đóng quân ở ngã ba Bạch Hạc (nơi hợp lưu của sông Đà, sông Lô và sông Hồng), giao cho vợ chồng Xuân Nương và Thi Bằng lập phòng tuyến ngăn quân của Lưu Long ở quê nhà. Đây là phòng tuyến quan trọng cuối cùng bảo vệ cho quân Lĩnh Nam đang tập trung ở Bạch Hạc.
Thi Bằng chỉ huy thủy quân chặn quân Hán trên sông, Xuân Nương chỉ huy quân trên bộ chặn giặc. Xuân Nương lúc này đang mang thai.
Quân Hán tấn công suốt 7 ngày nhưng không phá vỡ được phòng tuyến của vợ chồng Xuân Nương. Sau đó Lưu Long dùng mưu vây Thi Bằng ở bến sông, Thi Bằng cố gắng chống cự và hy sinh giữa trận. Xuân Nương chỉ huy quân xông vào trận không sao giải vây được, lại do mang thai nên bị trọng thương.
Xuân Nương vừa đánh vừa rút đến hương sở ở Hương Nha. Tự biết bản thân khó qua khỏi, bèn căn dặn binh tướng mọi việc, rồi khi trời tối thì bí mật một mình một ngựa ra đi, nhắm đến ngôi chùa ở làng Hương Nộn. Vừa đến được chùa Hương Nộn thì Xuân Nương cũng mất. Tương truyền nơi Xuân Nương mất 2 ngày sau mối đùn lên thành gò, người dân gọi đấy là mộ Xuân Nương.
5 ngày sau khi Xuân Nương ra đi, quân Hán cuối cùng cũng đột phá được đồn trại Hương Nha. Những tướng sĩ trung thành với Xuân Nương đã dũng cảm hy sinh ở đây.
Tưởng nhớ
Ngày nay từ bến đò Ngọc Tháp (Phú Thọ) tới bến Trung Hà, các xã Hương Nha, Vực Trường, Thanh Uyên, Tam Cường, Cổ Tiết, Hương Nộn, đều có miếu thờ Xuân nương. Chùa ở làng Hương Nộn là Khánh Long tự, ở bên sông Thao, xã Hương Nộn.
Đình và miếu thờ Xuân Nương có ở khắp những nơi nữ tướng từng dẫn quân đi qua, đặc biệt nằm dọc theo bên hữu ngạn sông Thao (sông Hồng), trong đó có đình Tự Cường ở xã Tam Cường, huyện Tam Nông. Năm 2001 ngôi đình này được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Lễ hội đình Tự Cường tổ chức vào 2 ngày chính trong năm là 11/9 và ngày 18/10 âm lịch là ngày tưởng nhớ đến nữ tướng Xuân Nương đã có công đánh giặc giữ nước và xây dựng đình.
Ở Hương Nha quê nhà của Xuân Nương, dân chúng đều tổ chức tưởng niệm bà vào tháng 2 âm lịch hàng năm, được cho là ngày mà Xuân Nương mất.
Ngày nay Miếu thờ Xuân Nương ở Hương Nha còn lưu lại rất nhiều câu đối như:
Độc lập thụ tiên tinh, vạn cổ huân danh huyền nhật nguyệt
Song lưu Trưng hiển tích, thiên thu nghĩa ký đối sơn hà.
Diễn nghĩa:
Dựng cờ độc lập, công danh vạn cổ tỏ rõ cùng nhật nguyệt
Chiến công vẫn còn sống mãi với triều Trưng vương, thiên thu nghĩa khí sánh cùng sông núi.
Và:
Yểu điệu phù Trưng trung quán nhật
Quật cường cự Hán tiết lăng sương.
Diễn nghĩa:
Yểu điệu phù Trưng , lòng trung sáng như mặt trời
Quật cường cự Hán, khí tiết vượt cả thời gian.
Hay:
Anh kiệt vô song, vạn cổ thanh danh lưu nữ sử
Quân thần câu hoá, nhất không trung nghĩa tối thanh thiên.
Diễn nghĩa:
Anh kiệt vô song, vạn cổ thanh danh lưu nữ sử
Vua tôi cùng mất, lòng trung nghĩa cao tuyệt dưới gầm trời.
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
- Dấu tích chiến công của các tướng Lĩnh Nam tại Trung Quốc
- Vị nữ tướng nước Nam “một tay nhổ núi Nga Mi, một tay nhổ núi Thái Sơn”
- Nữ tướng Thánh Thiên: “Dụng binh như thần, trí dũng thiên phương”
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Lĩnh Nam nữ tướng