Không đọc sách cũng không sao…
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Chẳng mấy khi có hoa hậu chiếu cố nói về văn hóa đọc nên lại bình luận tí ti cho vui.
Không chỉ hoa hậu Kỳ Duyên mà nhiều người cũng tuyên bố thẳng “Tôi không đọc sách” hoặc “Tôi không cần đọc sách”.
Cũng không sao cả.
Nhân loại mới có sách khoảng 7-8 ngàn năm trở lại đây thôi. Loài người đã sống rất dài trong lịch sử mà không đọc gì cả.
Rất nhiều vĩ nhân cũng không đọc sách hoặc viết sách ở thời tiền cổ đại.
Nhưng nên nhìn nhận chuyện đó như một thực tế hoặc cầu thị hơn, khôn ngoan hơn, tinh tế hơn, khiêm tốn hơn thì nên nhìn nhận đó như một khuyết điểm của bản thân.
Nó không có gì đáng tự hào cả!
Tự hào về điều mình không thể, không có khả năng là một sự tự hào… không hay!
Ví dụ tôi không biết khiêu vũ, không biết hát, không biết nhạc, không biết vẽ… Tôi coi đó là khiếm khuyết lớn về văn hóa của bản thân và cảm thấy xấu hổ chứ không hề thấy có chút gì tự hào kiểu “dù chả biết mấy cái đó tôi vẫn…”.
Học là vô cùng vô tận.
Nếu em hoa hậu đã đẹp rồi mà không đọc sách thì tiếc cho em vì trong cương vị hoa hậu mà em đọc sách để giao tiếp tinh tế hơn, cải thiện khả năng tư duy, diễn thuyết, thậm chí có thể tự mình viết sách (tự truyện hay cái gì đó tương tự chẳng hạn) thì em còn nổi tiếng hơn nữa, kiếm được nhiều tiền hơn nữa, được nghe nhiều từ ngữ yêu thương hơn nữa.
Thậm chí, em có thể có thêm rất nhiều người hâm mộ điên cuồng như anh – người không bao giờ xem thi hoa hậu, cũng không đọc tạp chí để xem ảnh hoa hậu, người mẫu bao giờ dù rất thích gái đẹp.
Đại khái thế!
Tâm lý miệt thị những người đọc sách, coi thường người đọc sách, chê họ là nghèo, xa rời thực tế, vô dụng… là một tâm lý xã hội rất đáng quan tâm, nghiên cứu, thay đổi.
Tâm lý đó không có lợi cho sự tiến bộ của cộng đồng, khả năng tự khai sáng của từng cá nhân trong cộng đồng đó, đồng thời cản trở quá trình tri thức hóa nền kinh tế!
Không cần đọc sách vẫn sống được, lao động được nhưng không có quốc gia nào có nền kinh tế tri thức mà dân lại đọc sách ít cả. Đấy là một thực tế.
Ở ta chân lý đôi khi được quyết định bởi số đông trong khi cái mới thường lại xuất phát như là thiểu số.
Phát triển văn hóa đọc như là một nền tảng cơ bản nhất của xã hội văn minh không có gì là mới với thế giới. Nước Nhật thế kỉ 18-19 đã có tác giả bán được cả triệu bản sách rồi.
Nhưng ở ta vẫn là mới! Bởi thế, sự áp đảo của số đông làm cho nhiều người yêu sách e ngại không cả dám đọc sách công khai.
Còn tôi, từ chỗ e ngại, tôi đã tiến tới coi những lời chê “mọt sách” là những… lời khen.
Con tôi, tôi cũng chỉ mong chúng thành người ham đọc. Và nếu ước được tôi cũng chỉ mong vợ tôi thích đọc sách như tôi. Khi đó tôi sẵn sàng đi lau nhà, rửa bát gấp đôi hiện tại.
Nguyễn Quốc Vương
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Quốc Vương khuyến đọc