Lãnh hải Trung Quốc dưới thời nhà Minh
- Hồ Bạch Thảo
- •
Tìm hiểu lãnh hải Trung Quốc dưới thời nhà Minh cần phải biết qua những phần đất không thuộc nước này, tức các quốc gia láng giềng Trung Quốc tiếp giáp với biển lúc bấy giờ. Qua Minh Sử, bộ chánh sử cuối cùng trong Nhị Thập Tứ Sử, có thể tìm thấy những nước này tại phần Liệt truyện, mục Ngoại Quốc, từ quyển 320 ngoại quốc tập 1, đến quyển 325 ngoại quốc tập 6; tính từ bắc chí nam, có thể lập biểu đồ như sau:
Tên nước | Tên nước hiện nay | Minh Sử quyển | Ngoại quốc tập | Vị trí |
Triều Tiên | Triều Tiên | 320 | 1 | Giáp Trung Quốc |
Kê Lung Sơn | Trung Hoa | 323 | 4 | Ðài Loan hiện nay |
Lưu Cầu | thuộc Nhật Bản | 323 | 4 | Nay sáp nhập vào Nhật Bản |
Nhật Bản | Nhật Bản | 322 | 3 | Nhật Bản |
An Nam | Việt Nam | 321 | 2 | Giáp phía nam T. Q. |
Chiêm Thành | thuộc Việt Nam | 324 | 5 | Trung phần Việt Nam |
Lữ Tống | thuộc Phi Luật Tân | 323 | 4 | Phi Luật Tân |
Chân Lạp | Căm Pu Chia | 324 | 5 | Căm Pu Chia và nam Việt Nam |
Tiêm La | Thái Lan | 324 | 5 | Giáp Căm Pu Chia |
Mãn Thứ Gia (Melaka) | một bang của Mã Lai | 325 | 6 | Melaka |
Mỹ Lạc Cơ (Malacca) | Singapore | 323 | 4 | Singapore và một phần Mã Lai |
Bành Hanh | Một bang của Mã Lai | 324 | 5 | Pahang |
Bột Nê | thuộc Nam Dương, Mã Lai | 325 | 6 | Borneo |
Tam Phật Tề | thuộc Nam Dương | 324 | 5 | Phía tây Java |
Tô Môn Ðáp Thứ | thuộc Nam Dương | 325 | 6 | Sumatra |
Trảo Oa | thuộc Nam Dương | 324 | 5 | Java |
Tuy Thái Giám Trịnh Hoà từng mang hạm đội đến viếng thăm một số nước nêu trên để đòi hỏi triều cống, nhưng không thực sự chiếm nước nào cả, và một vài nước trong số này cũng không chịu thần phục một cách dễ dàng. Ðiển hình vào năm 1407 chiến thuyền của Trịnh Hoà đến nước Trảo Oa [Java], khi đổ bộ bị phe Tây Vương đánh giết, Minh Thái Tông bèn đem việc An Nam bị đô hộ ra hù doạ để đòi bồi thường 60.000 lạng vàng:
Ngày 23 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [23/10/1407]
Tây Vương Ðô Mã Phản nước Trảo Oa sai sứ Á Liệt Gia Ân đến triều cống tạ tội. Trước đây Tây Vương Trảo Oa và Đông Vương Trảo Oa đánh nhau, phe Đông Vương Trảo Oa bị tiêu diệt. Lúc bấy giờ triều đình sai sứ đến các nước Phiên, đi qua phần đất trước đây Đông Vương cai trị; quan quân lên bờ mua bán, bị phe Tây Vương giết 710 [170?] (1) người. Tây Vương biết được nên sợ hãi, đến nay sai người đến tạ tội.
Thiên tử sai sứ mang sắc dụ Đô Mã Phản rằng:
“Ngươi vốn ở biển nam, làm tròn chức cống, Sứ giả qua lại biết lấy lễ đáp lại, Trẫm riêng khen điều đó. Mới đây bọn ngươi cùng Đông Vương gây việc binh đao; khiến 170 người của Thiên triều sai đến đều chết, tội lỗi rành rành. Vả lại ngươi và Đông Vương đều được triều đình phong tước, nhưng vì sự tham giận, tự tiện tiêu diệt chiếm nước của Đông Vương, trái đạo trời nghịch mệnh, còn tội nào lớn hơn vậy! Sắp đem quân đi thảo phạt, thì ngươi sai Á Liệt Gia Ân đến kinh khuyết chịu tội. Trẫm nghĩ ngươi biết hối hận, nên dừng binh không tiến; nhưng nghĩ đến 170 người chết một cách oan uổng, thì làm sao bỏ qua được! Bởi vậy ngươi phải nộp 6 vạn lạng vàng bồi thường tính mệnh người chết để chuộc tội, mới bảo hộ được đất đai và nhân dân của ngươi .Nếu không tuân thì không thể tránh được việc quân đi hỏi tội; hãy xem sự việc tại An Nam để làm tấm gương soi!”
(Minh Thực Lục v. 11, tr. 997-998; Thái Tông q. 71, tr. 6a-6b)
Cũng vào năm này Tiêm La [Thái Lan] bắt Sứ giả các nước Chiêm Thành, Tô Môn Ðáp Thứ [Sumatra], Mãn Thứ Gia [Melaka] trên đường triều cống Trung Quốc trở về, vua Thái Tông nhà Minh lại một lần nữa đem việc An Nam ra để răn đe:
Ngày 21 tháng 10 năm Vĩnh Lạc Thứ 5 [20/11/1407]
Quốc vương Tiêm La Chiêu Lộc Quần Ưng Đá La Đế Thứ sai bọn Sứ giả Nại Bà Tức Trực Sự Thế dâng biểu cống voi thuần, chim anh vũ, khổng tước; ban cho tiền giấy, y phục. Mệnh bộ Lễ ban cho Vương nước này lụa ỷ dệt kim, lụa là.
Trước đó nước Chiêm Thành sai sứ triều cống, lúc trở về gặp bão phiêu dạt đến nước Bành Hanh [Pahang]. Tiêm La cậy mạnh áp lực Bành Hanh bắt Sứ giả câu lưu, sự việc có kẻ báo cho triều đình biết. Vương các nước Tô Môn Đáp Thứ, Mãn Thứ Gia cũng sai người tố cáo Tiêm La cường bạo, sai lính đoạt ấn tín và bản chế cáo nhận từ triều đình; người trong nước kinh hãi vì không được sống yên ổn. Do đó ban sắc dụ Chiêu Lộc Quần Ưng Đá La Đế Thứ rằng:
“Chiêm Thành, Tô Môn Đáp Thứ, cùng nước ngươi bình đẳng nhận mệnh của triều đình; sao ngươi dám tự thị mạnh bắt Sứ giả đến triều đình, chiếm đoạt ấn và bản chế cáo. Đạo trời rành rành làm thiện được phúc, ác gặp tai hoạ; vết bánh xe đổ của cha con nhà họ Lê (2) tại An Nam còn rõ ràng trước mắt, có thể lấy đó mà soi. Hãy lập tức phóng thích ngay Sứ giả Chiêm Thành, cùng trả ấn, cáo cho Tô Môn Đáp Thứ, Mãn Thứ Gia . Từ nay phải an phận giữ lễ, hoà mục với lân bang, ngõ hầu hưởng được thái bình mãi mãi.”
(Minh Thực Lục, v. 11,tr. 1008-1009; q. 72, tr. 4b-5a)
Lại có thời vua Mãn Tứ Gia [Malaka] không chịu hướng về phương bắc quỳ lạy làm lễ thần phục và bắt Sứ giả Trung Quốc giam đói, rốt cuộc nhà Minh cũng phải làm lơ:
Ngày 17 tháng 6 năm Hoằng Trị thứ 18 [17/7/1505]
…Như trước đây Cấp sự trung Lâm Tiêu đi sứ, vua Mãn Thứ Gia [Melaka] không chịu hướng về phương bắc quỳ lạy, bắt Sứ giả giam đói; nhưng không thể mang quân đi hỏi tội; mệnh vua, quốc thể, thực lấy làm đáng tiếc!…
(Minh Thực Lục v. 61, tr. 72-74; Vũ Tông q. 2, tr. 18b-19b)
Trong các nước ngoại quốc nêu trên, xét về lãnh hải thì vị trí Ðài Loan mà tên thời Minh gọi là Kê Lung Sơn rất quan trọng, nên chúng tôi xin dịch nguyên văn:
Kê Lung Sơn ở phía đông bắc đảo Bành Hồ, nên có tên là Bắc Cảng, lại có tên là Ðông Phiên, cách Tuyền Châu (3) không xa. Ðịa lý nhiều núi và hồ lớn; có chỗ tụ lại, có chổ tản ra linh tinh. Ðất này không có vua, có 15 xã; xã đông khoảng 1000 người, xã nhỏ khoảng 6 hoặc 700 người. Không có thuế má, gia đình có nhiều con nắm uy quyền, nhà khác tuân hiệu lệnh. Tuy định cư tại biển, nhưng lại sợ biển, không rành dùng thuyền; cho đến chết gìà, không thông thương với nước khác.
Vào thời Vĩnh Lạc [1403-1424], Trịnh Hoà đi khắp các biển đông tây, không có nước nào mà không tranh hiến đồ quý; chỉ có Ðông Phiên trốn không chịu đến. Hoà ghét, đem cho chuông đồng nhỏ bảo đeo vào cổ; ý coi khinh như là nước chó (cẩu quốc). Nhưng sau đó, dân này lại cho là vật quý, người giàu tìm mua bằng được một vài cái, con cháu hãnh diện bảo là của tổ tiên để lại. Tục chuộng sức mạnh, lúc rảnh tập chạy, một ngày vài trăm dặm, không thua gì phi ngựa; da chân dày cả phân, đạp qua gai coi như là đất bằng. Trai gái gặp nhau, khỏa thân cũng không kiêng dè. Con gái mặc quần bằng lá cây, gặp người cao tuổi thì đứng quay lưng lại, đợi qua rồi mới cất bước. Con trai xâu tai; con gái 15 tuổi xuyên môi đến tận răng để trang sức; tay chân xâm hoa văn, rồi mời cả làng đến ăn mừng, tốn kém mấy cũng không tiếc. Người nghèo không có của để ăn mừng, thì không dám xâm. Về thời tiết, cứ đến mùa cỏ xanh coi là đầu năm. Ðất đai trồng ngũ cốc, nhưng không rành về lúa nước. Sau khi gieo ngũ cốc xuống đất thì dừng việc giết nhau, gọi là làm việc tốt, giúp trời, để mong có miếng ăn. Ðến mùa thu hoạch, cắm cây nêu tre trước cửa, gọi là cắm màu xanh, lúc này gặp người ngoài, ai đi qua thì giết. Trong thôn có thù hằn, hẹn ngày đến đánh; nếu gặp người khoẻ thì vài người đến khiêu chiến, đánh đến chết mới tan. Gặp người thắng, được chúng khen “Tráng sĩ có sức thắng người”; gặp người thua cũng được mừng “Tráng sĩ không sợ chết!” ngày hôm sau lại hoà hảo như cũ.
Ðất nhiều tre, to bằng mấy bàn tay ôm, dài cả chục trượng; lấy tre làm nhà, dùng cỏ che mái; nhà vừa rộng vừa dài, cả họ họp nhau ở chung. Không có lịch, chữ viết; gặp việc quan trọng tụ tập nhau để bàn. Giỏi dùng giáo cán tre, mũi sắt nhọn; thử đâm hươu, hươu chết; đâm cọp, cọp chết. Tính vốn sợ biển, bắt cá tại khe mà thôi. Suốt tháng săn hươu, dùng giáo lao trúng, chất như gò đống. Riêng không ăn thịt gà và chim trĩ, chỉ lấy lông làm trang sức. Trong vùng có nhiều khe, chảy ra biển, nước đạm lạt, nên có tên là Ðạm Thủy Dương.
Vào cuối đời Gia Tĩnh [1522-1566], giặc Nuỵ [Nhật Bản] cướp phá Phúc Kiến; Ðại tướng Thích Kế Quang đánh bại, Nuỵ bèn đóng tại đây, có bọn cướp Lâm Ðạo Càn hùa theo. Sau Ðạo Càn sợ Nuỵ diệt, lại sợ quan quân truy kích; bèn dương buồm thẳng đến Bột Nê [Borneo], khai khẩn đất này, nay tại đó còn có cảng Ðạo Càn. Còn Kê Lung bị Nuỵ cướp đốt, nước tàn phá. Lúc đầu định cư tại bờ biển, gặp nạn giặc Nuỵ, phải rút lui sống tại miền núi. Rồi thuyền đánh cá Trung quốc phiêu bạt đến cảng này, thường đi về giao dịch buôn bán. Vảo cuối đời Vạn Lịch [1573-1619], người Hồng Mao [Hà Lan] ghé tàu thuyền vào, khai khẩn, đặt thương điếm, gọi là Ðài Loan.
Vào năm Sùng Trinh thứ 8 [1635] Cấp sự trung Hà Giai điều trần về việc dẹp yên giặc biển như sau:
“Từ khi Viên Tiến, Lý Trung, Dương Lộc, Dương Sách, Trịnh Chi Long, Lý Khôi Kỳ, Chung Bân, Lưu Hương tiếp tục làm loạn; trên biển không có một ngày nào yên ổn. Nay muốn dẹp yên giặc, nếu không phá từ hang ổ thì không thể được. Vậy hang ổ giặc tại đâu? Ðài Loan vậy. Ðài Loan vị trí tại bên ngoài Bành Hồ, cách các châu Chương, Tuyền khoảng 2 ngày hải trình; đất rộng lại tốt. Trước đây dân nghèo đến đất này, tìm nguồn lợi về cá, muối; sau đó thấy binh uy không tới nơi, nên thường làm đạo tặc. Gần đây Hồng Mao xây thành chỗ này, cùng gian dân buôn bán; đương nhiên trở thành bộ lạc lớn. Nếu dẹp tan nó đi, sau này không gặp can qua nữa. Phải thi hành nghiêm lệnh cấm biển, khiến Hồng Mao không còn chỗ để mưu lợi. bọn gian dân không còn chỗ để kiếm ăn; rồi mang binh 4 phía, quân ta nhắm chỗ hư nhược mà đánh, thì rất đắc ý. Hồng Mao bỏ chỗ này cút đi, khi đó mới yên biển được.”
Nhưng lời điều trần không được dùng.
Ðất này phía bắc từ Kê Lung, phía nam tới Lãng Kiều, chiều dài hơn ngàn dặm. Phía đông từ Ða La Mãn, phía tây tới Vương Thành có thể hơn 900 dặm. Ðường biển thuận gió, từ Ðạm Thửy, Kê Lung đến cảng Phúc Châu đáp thuyền 5 canh có thể tới; từ cảng Ðài Loan đến Bành Hồ 4 canh có thể tới; từ, từ đảo Bành Hồ đến đảo Kim Môn, 7 canh có thể tới; đông bắc đến Nhật Bản, 70 canh có thể tới; phía nam tới Lữ Tống [Phi Luật Tân] 60 canh có thể tới. Vì đường biển không kể bằng lý, người đi thuyền chia ngày đêm làm 10 canh, vậy kể canh để suy ra đường dài.
*
Qua những điều đã tìm hiểu, thì dưới thời nhà Minh các đảo lớn như Ðài Loan, Bành Hồ có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, mà vẫn chưa nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, thì các đảo nhỏ ở nơi xa xôi heo hút như Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc Trung Quốc là điều dễ hiểu. Xét về mặt địa lý hành chánh; miền duyên hải nước này chỉ có vùng phía đông lục địa Trung Quốc và đào Hải Nam. Bởi vậy dù nước này có tham lam đòi hỏi lãnh hải ra đến tận 200 hải lý thì cũng không vươn đến các quần đảo Hoàng sa và Trường Sa của nước ta; điều này không phải là phỏng đoán mà chính tài liệu của Trung Quốc hiện nay xác nhận rằng từ các hải cảng gần nhất như Du Lâm và Thành Lan tại đảo Hải Nam đến Hoàng Sa khoảng cách đều trên 320 hải lý (4).
Hồ Bạch Thảo
Đăng lại từ Forum Diễn Đàn (diendan.org)
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France.
Chú thích:
1. Trong văn bản này bên trên chép 710 người bị giết, phía dưới chép 170 người; xin chép lại để tồn nghi.
2. Lê: tức Lê Quí Ly, hay Hồ Quí Ly.
3. Chương, Tuyền: các châu Chương, Tuyền thuộc tỉnh Phúc Kiến.
4. Trang mạng Trung Quốc chép như sau: 西沙群岛是我国南海诸岛四大群岛之一,现属海南省。位于海南岛东南方。以永兴岛为中心,距 三亚市榆林港约330多海里,距文昌县清澜港也是约330多海里。(Quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa] là một trong 4 quần đảo lớn của nước ta tại Nam Hải, hiện thuộc tỉnh Hải Nam, vị trí tại phía đông nam tỉnh Hải Nam. Dùng đảo Vĩnh Hưng lảm trung tâm; cách cảng Du Lâm thị xã Tam Á ước 330 hải lý; cách cảng Thanh Lan, huyện Văn Xương 330 hải lý)
Xem thêm:
Từ khóa chủ quyền biển đảo Hồ Bạch Thảo