Lễ Vu Lan, nói chuyện Mục Kiền Liên và lễ cầu siêu
- Thiên Đức
- •
Xuất phát từ câu chuyện về tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần thông nhưng không cứu được mẹ khỏi cõi Ngạ quỷ, và sau đó Đức Phật Thích Ca chế định ra cách siêu độ, người Việt chúng ta có ngày lễ Vu Lan báo hiếu vào rằm tháng 7 hàng năm, cũng là ngày Xá tội vong nhân. Năm nay 2023, ấy chính là hôm nay 30/8 theo Tây lịch. Vào ngày này —theo Phật giáo Đại Thừa truyền từ Ấn Độ qua Trung Quốc tới Việt nam— được người Việt chúng ta dành cho hoạt động báo hiếu cha mẹ, cúng tổ tiên, và cúng cho các vong hồn không nơi nương tựa. Nhân dịp này, Trí thức VN xin có bài viết về câu chuyện tôn giả Mục Kiền Liên.
Câu chuyện tôn giả Mục Kiền Liên
Tôn giả Mục Kiền Liên là một trong 10 đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, danh hiệu là đệ nhất về thần thông. Theo cách xếp hạng thập đại đệ tử của Phật giáo Đại Thừa (Mahayana), ông được xếp thứ 2, sau Ma Ha Ca Diếp, đệ nhất về đầu đà (tức là tu hành khắc khổ).
Truyện kể rằng có lần tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần thông tìm tới người mẹ đã khuất của mình, và thấy bà đã chuyển sinh làm ngạ quỷ. Trong Phật giáo, ngạ quỷ (quỷ đói) là phải chịu hành hạ đói khổ rất ghê gớm. Đói mà không được ăn.
Bà chuyển sinh thành ngạ quỷ bởi vì khi còn sống làm người đã mắc nhiều tội nghiệp. Khi làm người bà không chịu bố thí thậm chí một hạt cơm cho con kiến, theo cách miêu tả của Phật giáo cổ xưa.
Ông bèn dùng thần thông của mình đưa cơm đến cho mẹ. Bấy giờ một quỷ đói khác thấy thế muốn tới xin. Bà bèn cầm bát cơm quay đi. Nhưng lập tức cơm trong bát liền biến thành than, thành lửa đỏ, và không thể ăn được.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng về phép siêu độ
Tôn giả Mục Kiền Liên sau đó bèn hỏi Đức Phật.
Đức Phật trả lời ông rằng không thể dùng thần thông để cứu theo cách như vậy được.
Nhân quả báo ứng, không tránh được. Mẹ của ông khi nhận bát cơm đã không có Thiện niệm, nên cũng không nhận được phúc phận ấy.
Phật giáo vì thế luôn luôn giảng khuyến Thiện. Trong khổ nạn mà vẫn giữ được Thiện tâm, thì chư Thần chư Phật mới giúp, khổ nạn mới có thể mau chóng vượt qua. Còn trong khi khổ nạn mà mang tâm oán hận, tâm ích kỷ, thì rất khó được chư Thần chư Phật giúp đỡ.
Đức Phật sau đó chế ra cách siêu độ: Tăng chúng lấy uy đức của mình mà siêu độ các cô hồn dã quỷ không nơi nương tựa.
Đây là Pháp lực do tập thể người tu luyện hợp thành, không phải nhắm vào một chúng sinh đơn lẻ, mà là nhắm vào các sinh mệnh trong địa ngục đang chịu khổ, nhắm vào những ai mà có thể đáng được trợ giúp. Đây là thể hiện từ bi của người tu luyện.
Tôn giả Mục Kiền Liên chưa tu thành mà muốn cứu mẹ, ấy là một chấp trước lớn trên đường tu, là chấp trước vào tình cảm thân quyến. Tăng chúng lấy uy đức của mình để siêu độ, thì đó là thể hiện từ bi của người tu luyện. Ý nghĩa khác nhau rất nhiều.
Tại sao gọi là ‘siêu độ’ mà không phải là ‘cứu độ’?
Đức Phật Thích Ca giảng ‘cứu độ’ là tuân chiếu theo tiêu chuẩn của vũ trụ rộng lớn. Ở đó, các tầng các giới có tiêu chuẩn về tâm tính cho chúng sinh ở từng tầng thứ khác nhau.
Cứu độ mà Phật Thích Ca giảng là dạy cho người ta đạt tới cảnh giới tư tưởng cao hơn, từ đó được cứu độ lên tầng thứ tương ứng.
Tu tâm tính đạt tới cảnh giới người trời, thì được độ lên thành người trời. Tu tâm tính đạt tới cảnh giới La Hán, thì được độ lên thành bậc La Hán. V.v. Tức là tu được tới cảnh giới nào thì được độ tới cảnh giới đó. Ấy là ‘cứu độ’ mà Đức Phật Thích Ca giảng.
Siêu độ thì không đòi hỏi đối tượng được siêu độ phải tu. Mà là người tu luyện dùng uy đức của mình trực tiếp hóa giải tội nghiệp. Có thể là nhắm vào những cô hồn dã quỷ, như những người bị giết chết trong khi đường đời chưa kết thúc. Do đường đời chưa đi hết mà đã chết, nên phải du đãng không nơi tá túc, rất là khổ. Sau khi được siêu độ thì lập tức chuyển sinh sang đời sau, và được làm người.
Siêu độ mà Phật Thích Ca Mâu Ni năm đó chế định ra cho tăng chúng, là một trong những phương tiện, giúp người tu luyện phát triển tâm từ bi, và cũng là tạo Thiện duyên với chúng sinh. Chứ không phải để phát triển tâm chấp trước vào tình cảm thân quyến của các tu sỹ Phật giáo.
Mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên cuối cùng đã được siêu độ sau khi tăng chúng thực thành theo chế định của Phật Thích Ca.
Lễ cầu siêu
Phật giáo phát triển qua năm tháng, nay đi vào dân gian, và có những nghi lễ tôn giáo trở thành tập tục tập quán của dân chúng.
Lễ cầu siêu Vu Lan là bắt nguồn từ câu chuyện tôn giả Mục Kiền Liên nói trên, và được cử hành vào ngày rằm tháng 7 hàng năm tính theo Âm lịch. Nhà chùa cũng có thể tổ chức lễ cầu siêu vào các dịp khác.
Ngoài Lễ Vu Lan báo hiếu, thì ngày rằm tháng 7 cũng là ngày Xá tội vong nhân, ý tứ là giúp đỡ các cô hồn dã quỷ.
Từ khóa Vu Lan Mục Kiền Liên văn hóa tu luyện Lễ cầu siêu