Làng Châu Khê nằm cách thành phố Hải Dương 20 km về phía tây nam, đây là làng nghề chế tác vàng bạc nổi tiếng khắp nước.

Phố hàng Bạc

Vào thời vua Lê Thánh Tông, làng Châu Khê có ông Lưu Xuân Tín giữ chức Thượng thư bộ Lại được Vua giao cho đúc bạc nén làm tiền tệ tại kinh thành Thăng Long. Thời điểm ấy, bạc nén là đơn vị tiền tệ trong mọi hoạt động kinh tế, buôn bán, trao đổi của xã hội. Ông Tín cùng một vài người thợ của làng đến Kinh đô rồi mua đất lập xưởng đúc vàng, bạc nén phục vụ cho việc đúc tiền và đồ dùng trong Kinh thành, vị trí lập xưởng chính ở số 58 hàng Bạc ngày nay.

Từ đó nghề chế tác vàng bạc được hình thành và phát triển ở làng Châu Khê và ở Kinh thành, hình thành phường giáp, dựng hẳn Đình thờ vọng đức Thành hoàng làng, hình thành “Châu Khê Vọng Sở”, nơi đây được gọi tên là hàng Bạc. Vì thế mà có câu:

Tại hương tại phố một quê
Châu Khê-Hàng Bạc đi về ngược xuôi
Như hương tỏa khắp mọi nơi
Kim hoàn trang sức cho đời đẹp xinh.

Xung quanh xưởng đúc bạc hình thành cơ sở mua bán giao dịch, đổi bạc vụn lấy bạc nén, hình thành chợ mua bán vàng bạc đầu tiên ở Kinh thành.

Sau khi số bạc nén dùng phục vụ cho việc đúc tiền đã đủ, Vua giao cho Lưu Xuân Tín chỉ chế tác ra đồ trang sức cùng các vật phẩm trong Kinh thành.

Người Châu Khê kết hợp giữa đôi bàn tay khéo léo cùng bí quyết chế tác cổ truyền nhằm tạo ra được sản phẩm hoàn thiện nhất trong nước vào thời điểm đó. Những sản phẩm tinh tế như cành vàng, trâm ngọc, chén ngọc, được tiến vào trong hoàng cung.

Đến thời nhà Nguyễn, Kinh thành chuyển từ Thăng Long (Hà Nội) đến Phú Xuân (Huế). Một phần nhỏ người thợ chuyển đến Phú Xuân, đa số vẫn ở lại phố hàng Bạc, họ chuyển sang làm đồ dùng gia đình như xà tích, ống vôi, rồi mới đến vòng nhẫn, mặt đá. Các đồ chạm khắc ngày càng đa dạng và tinh xảo hơn.

Người làng Châu Khê ở hàng Bạc ngày càng khấm khá, phải gọi thêm người từ Định Công (Hà Nội) và Đồng Xâm (Thái Bình) đến làm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Làng nghề Châu Khê

Tại Châu Khê, đường làng cũng được mở rộng khang trang để khách các nơi đến nhận hàng và mua bán đồ trang sức. Hầu như nhà nào cũng có thợ đúc vàng bạc, khách đến đặt hàng không ngớt, việc mua bán cũng tấp nập như ở chợ.

Nửa thế kỷ trước, khách đến mua hàng cứ đi đò theo dòng sông Sặt đến bến đầu làng. Có hàng trăm loại mẫu hàng như vòng, lắc, nhẫn, chuông, khay, hộp… để khách lựa chọn. Bạc nơi đây được làm bóng như vàng trắng.

Khách ở Hà Nội có thể chọn đặt hàng ở phố hàng Bạc, yêu cầu này được báo đến thợ ở làng Châu Khê. Hàng được đặt rất nhiều khiến người thợ Châu Khê làm không xuể.

Người con gái làng Châu Khê cũng duyên dáng hơn khi mang trên mình đồ trang sức, vì thế mà có câu “Gái Châu Khê – Trăm bề duyên dáng”.

Pho Hang Bac 01
Phố Hàng Bạc vào năm 1883. (Ảnh: Dự án cải tạo Khu phố cổ Hà Nội, Public Domain)

Để được nhiều khách hàng tìm đến, nghề kim hoàn làng Châu Khê luôn giữ chữ tín, luôn giữ sự trung thực – đó cũng là đức của làng. Chính vì thế mà khách hàng luôn tin tưởng khi chọn Châu Khê.

Khi người Pháp chiếm Hà Nội đã gọi hàng Bạc là “Rue des Changeurs” (phố đổi bạc). Rất nhiều nhà văn được sinh ra tại nơi đây như Vũ Trọng Phụng, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên.

Trong tác phẩm “Giữ gìn 36 phố phường”, Tô Hoài đã viết: “Phố hàng Bạc xưa nghề kim hoàn đúc bạc nén, làm nữ trang bày bán tại chỗ, các cửa hàng tấp nập, đông vui, kẻ mua, người làm, người bán”.

Phố hàng Bạc và làng Châu Khê ngày nay

Ngày nay phố hàng Bạc chỉ còn lại 500 mét nhưng có đến hàng trăm cửa hàng làm nghề kim hoàn. Đây là một trong những số ít phố cổ lâu đời nhất ở Hà Nội vẫn giữ được tên gọi và nghề cũ. Khi cần chế tác đồ trang sức vàng bạc, người Hà Nội vẫn đến hàng Bạc, nơi đây vẫn có rất nhiều mẫu mã kiểu dáng khác nhau.

Ngày nay việc chế tác vàng bạc đã có nhiều máy móc hiện đại, người dân cũng chọn nhiều mẫu mã được nhập khẩu, vì thế mà nghề kim hoàn cũng thưa dần, nhưng vẫn còn đó những gia đình giữ được nghề chế tác thủ công từ cổ xưa. Cũng do diện tích chỉ còn lại 500 mét với rất nhiều cửa hàng, nên xưởng chế tác dần được chuyển đến nơi khác.

Qua thăng trầm của lịch sử, phố hàng Bạc bị thu nhỏ và khác nhiều so với xưa kia, nhưng hàng Bạc vẫn giữ được tên gọi cùng nghề xưa với khung cảnh giao dịch tấp nập trong nhịp sống hiện đại của Hà Nội.

Pho Hang Bac 02
Một ngã tư ở phố Hàng Bạc. (Ảnh: Gary Cycles, Flickr, CC BY 2.0)

Hai bên phố vẫn giữ được những ngôi nhà lợp ngói đỏ xen lẫn những ngôi nhà kiến trúc kiểu phương tây. Bên cạnh đấy là mái chùa, ngôi đình, miếu thờ Tổ nghề rêu phong nhuốm màu thời gian của phường nghề xưa.

Đình Kim Ngân vẫn giữ được kiến trúc cổ thời Lê Sơ, lưu giữ dấu tích phường nghề chế tác vàng bạc của người Châu Khê.

Còn ở Châu Khê, năm 2004, tỉnh Hải Dương đã công nhận đây là làng nghề thủ công. Cả làng có 300 hộ gia đình, 97% là theo nghề chế tác vàng bạc truyền thống. Do yêu cầu của thị trường nên người thợ cũng cần tìm tòi, sáng tạo nhằm có được sản phẩm tốt nhất đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nghề kim hoàn ở Châu Khê vẫn phát triển mạnh, thu nhập ổn định giúp người làng có được cuộc sống sung túc. Người thợ vẫn có những bí kíp nhằm đáp ứng tốt được nhu cầu của khách hàng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: