Lịch sử trung tâm thương mại Chợ Lớn
- Trần Hưng
- •
Nằm cách trung tâm Quận 1 chỉ 6km, Chợ Lớn từng là trung tâm thương mại sầm uất nhất Nam bộ, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nam bộ xưa kia.
Từ Cù Lao Phố…
Khi người Mãn Châu đánh bại nhà Minh và thành lập triều đại nhà Thanh, Trần Thượng Xuyên là Tổng binh 3 Châu của nhà Minh gồm Cao châu, Lôi châu và Liêm châu không chịu quy phục. Năm 1679 ông và tướng Dương Ngạn Địch cùng 3.000 người đến Đàng Trong nương nhờ chúa Nguyễn, xin được làm con dân Đại Việt.
Bấy giờ vùng đất phía nam nhiều nơi chưa được khai phá, chúa Nguyễn liền cho nhóm người Hoa này đến vùng đất thuộc Đồng Nai ngày nay.
Người Hoa đến Đồng Nai, sau đó phát hiện ra Cù Lao Phố – một bãi sa bồi hoang sơ nằm giữa sông Hương Phước (một đoạn của sông Đồng Nai). Nơi đây vô cùng thuận tiện giao thương đi lại, dễ dàng ngược lên phía bắc hay xuôi xuống phía nam, thuận tiện ra biển Cần Giờ hay sang tận Cao Miên.
Bấy giờ nơi đây mới chỉ có một ít người Việt đến trước, người Hoa và người Việt cùng nhau khai phá vùng này, mở mang đất đai, lập phố chợ, giao thông buôn bán. Dần dần các tàu thuyền người Hoa, người phương Tây, Indonesia đến đây buôn bán ngày càng tấp nập.
Thương nghiệp phát triển dẫn đến các nghề thủ công nghư dệt chiếu, tơ lụa, gốm, đúc đồng, nấu đường, làm bột, đồ gỗ gia dụng, chạm khắc gỗ, đóng thuyền, làm pháo, v.v. rất phát triển.
Là nơi thuận tiện giao thông thủy bộ, buôn bán tấp nập, Cù Lao Phố trở nên phồn thịnh, giàu có và nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Nam bộ.
Năm 1776 và 1777, quân Tây Sơn đánh Gia Định, tàn phá Cù Lao Phố, người Hoa bị thảm sát, trung tâm thương mại hoàn toàn bị phá hủy. Quân Tây Sơn cướp bóc của cải chở về Quy Nhơn, những gì còn lại đều bị đốt sạch. Những người Hoa may mắn còn sống sót chạy đến Đề Ngạn tính kế sinh nhai.
…đến Chợ Lớn
Đề Ngạn là tên gọi cũ của Chợ Lớn sau này, xuất hiện từ trước năm 1698. Năm 1778 khi gặp nạn, người Hoa quyết định chạy trốn đến đây bởi vùng này từ lâu đã có làng Minh Hương của người Hoa. Cũng bởi vậy mà nơi đây mới trở nên đông đúc.
Người Hoa đã mở rộng ngôi chợ nhỏ từ trước để thuận tiện trao đổi buôn bán. Chợ này so với khu chợ Tân Kiểng của người Việt thì lớn hơn nên người dân gọi là Chợ Lớn, sau đó tên Chợ Lớn cũng được dùng để chỉ cả vùng đất người Hoa ở đây.
Chợ Lớn tiếp nhận thừa hưởng sự di dời của trung tâm thương mại Cù Lao Phố trù phú, các thương nhân người Hoa cũng kế thừa từ việc buôn bán cũ, chuyển đổi hình thức hoạt động phù hợp với điều kiện mới, dần dần Chợ Lớn trở thành trung tâm thương mại quan trọng của Nam bộ.
Lần thứ 2 bị quân Tây Sơn thảm sát
Năm 1782, quân Tây Sơn lại đến Gia Định, Nguyễn Nhạc đến “18 thôn vườn trầu” thì bị phục kích thua trận. Nhận thấy nơi đây có nhiều người Hoa chống mình, Nguyễn Nhạc tức giận quyết định thảm sát người Hoa.
Nhà nghiên cứu Sơn Nam trong cuốn “lịch sử khẩn hoang miền Nam” mô tả rằng:
“Nhạc bèn giận lây, phàm người Tàu không kể mới cũ đều giết cả hơn 10.000 người. Từ Bến Nghé đến sông Sài Gòn, tử thi quăng bỏ xuống sông làm nước không chảy được nữa. Cách 2, 3 tháng người ta không dám ăn cá tôm dưới sông. Còn như sô, lụa, chè, thuốc, hương, giấy, nhất thiết các đồ Tàu mà nhà ai đã dùng cũng đều đem quăng xuống sông, chẳng ai dám lấy. Qua năm sau, thứ trà xấu một cân giá bán lên đến 8 quan, 1 cây kim bán 1 quan tiền, còn các loại vật khác cũng đều cao giá, nhân dân cực kỳ khổ sở”.
Linh mục Andre Tôn trong bức thư viết ngày 1/7/1784 mô tả số người chết trong cuộc thảm sát này là 10.000 đến 11.000 người, trong đó phần lớn là người Hoa (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, trang 392).
Vượt qua lần thảm sát này, Chợ Lớn vẫn tiếp tục phát triển.
Phát triển tột bậc
Vào thời nhà Nguyễn, năm 1812, Lê Văn Duyệt được cử làm Tổng trấn Gia Định và có nhiều chính sách khuyến khích giao thương với nước ngoài. Thời kỳ này Chợ Lớn phát triển vượt bậc, nhiều tàu nước ngoài đến đây buôn bán. Đến tận ngày nay người Hoa ở Sài Gòn vẫn nhớ đến công lao của Lê Văn Duyệt.
Dưới thời thuộc Pháp, Chợ Lớn trở thành trung tâm thương mại lớn nhất, là chìa khóa của tất cả các hoạt động thương mại ở Nam kỳ. Nhiều người Hoa từ Trung Quốc cũng sang đây khiến Chợ Lớn càng tấp nập và phát triển.
Khi phái đoàn Phan Thanh Giản qua Pháp điều đình, lúc trở về đến Gia Định vào năm 1864 có ghé bến cảng dọc kênh Tàu Hủ tham quan, và phải sửng sốt kinh ngạc khi chứng kiến hải cảng to lớn tại đây.
Ngày 3/10/1865, quyền Thống đốc Nam kỳ Pierre Roze ra 2 nghị định về Sài Gòn và Chợ Lớn, theo đó quy định diện tích Sài Gòn là 3km2 thuộc khu vực quận 1 ngày nay, Chợ Lớn gồm 1km2 thuộc quận 5 ngày nay.
Thủ đô của lúa gạo
Chợ Lớn cũng là trung tâm xay xát lúa với nhiều xưởng của người Hoa. Đến năm 1874, nhà máy xay lúa bằng hơi nước đầu tiên được thành lập do ông Spooner bỏ tiền ra đầu tư, nhiên liệu để đốt chạy máy hơi nước là vỏ trấu nên rất tiện lợi.
Rất nhanh chóng, người Hoa cũng có các nhà máy xay lúa chạy bằng hơi nước. Năm 1897, có 8 nhà máy xay lúa lớn chạy bằng hơi nước, trong đó có 7 nhà máy của người Hoa. Đến năm 1900 thì có 9 nhà máy xay lúa, cả 9 nhà máy này đều thuộc về chủ là người Hoa, có những nhà máy dùng giám đốc điều hành là người Pháp.
Đến năm 1931, có 75 nhà máy xay lúa, trong đó 3 nhà máy của người châu Âu, còn lại của người Hoa. Trong đó 8 nhà máy rất lớn cho sản lượng mỗi ngày 1.800 tấn.
Các nhà máy này đều ở bờ sông rạch, nhằm tiện lợi dùng ghe thuyền vận chuyển đến miền Tây, hoặc ra cảng xuất khẩu đi các nước khác.
Gạo miền nam nổi tiếng thơm ngon, nơi đây góp phần xay xát đóng gói chuyển ra cảng để xuất khẩu gạo ra khắp thế giới, nhờ đó mà gạo miền nam mới được thế giới biết đến và rất ưa chuộng. Năm 1940, sản lượng xuất khẩu đến 2 triệu tấn, Chợ Lớn được mệnh danh là thủ đô của lúa gạo.
Hợp nhất với Sài Gòn
Năm 1882, tuyến xe điện đầu tiên ở Việt Nam dài 5 km nối liền Sài Gòn và Chợ Lớn đi vào hoạt động.
Năm 1899, tỉnh Chợ Lớn được thành lập bao gồm thành phố Chợ Lớn và các quận Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa, Gò Đen (tức Chợ Lớn, huyện Bình Chánh, một phần của tỉnh Long An ngày nay).
Năm 1931, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh hợp nhất Sài Gòn và Chợ Lớn làm một, và gọi là khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1951, Khu Sài Gòn – Chợ Lớn đổi thành Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn và đến năm 1956 đổi thành Đô thành Sài Gòn.
Sau năm 1975, Chợ Lớn không còn được chú trọng và phát triển, vai trò của Chợ Lớn cũng không còn, người Hoa ở Chợ Lớn cứ dần dần ra đi. Nếu năm 1975 có 1,5 triệu người thì năm 1999 chỉ còn một nửa.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa sài gòn xưa Chợ Lớn