Khu quận 5 Sài Gòn gắn liền với cái tên Chợ Lớn xưa kia có đường Hải Thượng Lãn Ông nổi tiếng về nghề thuốc bắc. Nơi đây có từ đường dòng họ Lý gốc Hoa, là gia sản còn lại của Bá hộ Xường Lý Tường Quang, người từng nổi tiếng giàu có, được liệt vào danh sách “Tứ đại phú hộ” của Sài Gòn xưa.

Cha Bá hộ Xường Lý Tướng Quang là ông Lý Sáng Ái, người huyện Phiên Ngung, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 1820, ông Lý Sáng Ái theo đoàn người Hoa vượt biển đến Cần Giờ định cư, hành nghề bốc thuốc chữa bệnh, xem tướng số. Ông Ái lấy vợ người Việt và sinh được các con Lý Đông Quang và Lý Tường Quang. 

Lý Tường Quang sinh năm 1842, tỏ ra thông minh từ nhỏ, giỏi cả cầm kỳ thi họa, biết tiếng Hoa, tiếng Việt, sau này Pháp vào Nam bộ ông cũng nhanh chóng rành cả tiếng Pháp.

Bấy giờ người Hoa ở Chợ Lớn mời ông làm Bang chủ Tiều Châu. Người Pháp nghe tiếng ông giỏi tiếng Hoa, tiếng Việt và cả tiếng Pháp thì mời ông làm thông ngôn, rồi giao cho chức Bang trưởng cai quản cả 7 Bang người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn.

Lý Tường Quang: Bá hộ Xường giàu có nổi tiếng Sài Gòn xưa
Ông Lý Tường Quang và vợ Nguyễn Thị Lâu (Tranh tư liệu do gia đình cung cấp, Vtc.vn)

Làm thông ngôn thời ấy được biết rất nhiều chuyện cơ mật, được người Pháp tin tưởng, lại cũng dễ dàng leo cao trong hàng ngũ chính quyền, tuy nhiên Lý Tường Quang không thích con đường quan lộ như thế. Năm 30 tuổi ông xin nghỉ làm thông ngôn cho người Pháp và đi buôn bán.

Đầu tiên ông mua cá tươi ở Lục tỉnh rồi bán ở Sài Gòn và Chợ Lớn. Sau đó ông chế biến cá khô và mắm để bán ra các vùng xa hơn, xuất khẩu cả cá khô ra nước ngoài.

Nhờ có mối quan hệ tốt với người Pháp, ông lập công ty Kim Bảo thu mua thực phẩm ở miền tây rồi bán ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Ngược lại ông cũng mua nhu yếu phẩm từ Sài Gòn – Chợ Lớn đưa đến miền Tây. Dần dần ông mở rộng thu mua đến khắp các tỉnh thành.

Việc kinh doanh buôn bán ngày càng phát đạt và mở rộng, giới buôn bán thời ấy kháo nhau rằng một nửa dân miền Tây đều mua nhu yếu phẩm từ Lý Tường Quang.

Lý Tường Quang trở thành người giàu có, được dân gian gọi là Bá hộ Xường. Cái tên này là do tên đệm của ông là “Tường”, nhưng gia đình ông người Hoa phát âm thành “Xường”, đâm người ta quen gọi ông như vậy.

Bá hộ Xường mở rộng việc kinh doanh sang bất động sản, mua các khu đất ở vị trí đẹp, xây nhà rồi cho thuê. Sau vài năm nhà đất của ông đã chiếm phân nửa Chợ Lớn, lan ra tận Gia Định.

Lý Tường Quang cũng là người thích các kinh điển của Nho gia. Ông dịch các cuốn “Ấu học thi diễn nghĩa”, “Thiên tự văn diễn nghĩa”, “Tam tự kinh diễn nghĩa” từ chữ Hán sang chữ Nôm, chuyển thể thành thơ lục bát cho dễ đọc dễ nhớ.

Vốn xuất thân là người ham học nên ông nuôi dạy các con rất nghiêm túc, con cháu ông đa số trở thành kỹ sư, bác sỹ, công chức, hoặc chọn con đường kinh doanh dù không ai thành công được như ông.

Con ông là Lý Văn Mạnh xây một loạt nhà máy đường, lại mở rộng cả một khu ở vùng Đức Hòa, Đức Huệ của Long An ngày nay để trồng mía cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động.

Lý Tường Quang mất vào năm 1894 khi mới chỉ 54 tuổi. Con cháu ông tiếp tụp cai quản tài sản, đến năm 1975 thì nhiều người phải hiến nhà cửa cho chính quyền rồi đi ra nước ngoài, một số vẫn ở lại.

Hiện nay ngôi mộ của Bá hộ Xường Lý Tường Quang nằm ở trong hẻm 79/30 đường Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú), Sài Gòn.

Trần Hưng tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: