Màu của Hy vọng
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Em Đỗ Hà Cừ – một người làm khuyến đọc rất hiệu quả trong khi bản thân bị khuyết tật nặng phải ngồi xe lăn – sắp phát hành một cuốn tự truyện. Nhân dịp này em có đề nghị tôi viết vài lời giới thiệu.
Tôi vui vẻ nhận lời vì tôi đã quen biết Cừ nhiều năm và theo dõi sát nhiều hoạt động khuyến đọc của Cừ.
Dưới đây là lời giới thiệu của tôi. Cuốn sách rất hữu ích và thú vị. Bạn nào mua sách thì liên lạc trực tiếp với em Đỗ Hà Cừ nhé!
HÃY CÙNG ĐỖ HÀ CỪ
HY VỌNG VÀ HÀNH ĐỘNG
Trong một tuần qua khi Hà Nội nồm ẩm mưa phùn tôi ở lỳ trong nhà đọc “Màu của Hy vọng” – tự truyện của Đỗ Hà Cừ.
Biết Cừ đã lâu, đã từng hai, ba lần đến nhà Cừ chơi, tôi cảm thấy rất vinh dự khi Cừ nhắn qua Facebook “Anh Vương viết cho em mấy dòng vào đây nhé” kèm theo bản thảo cuốn sách “Màu của hy vọng”.
Cho dù đã trò chuyện với Cừ, mẹ Cừ – Cô Kim Sơn, đã đến nhà Cừ và quan sát gia cảnh của Cừ, tôi vẫn cảm thấy bất ngờ và xúc động khi đọc những gì Cừ và gia đình đã trải qua. Khó có thể diễn tả hết được khó khăn, vất vả và cả nỗi buồn mà Cừ cùng gia đình đã đối mặt kể từ khi Cừ sinh ra. Chỉ riêng chuyện Cừ đi viện thôi cũng đủ nói lên nỗi khổ cực trần ai hiếm có. Người ta chỉ vào viện một lần thôi đã đủ sợ đằng này ngay từ lúc sinh ra cho đến tận bây giờ Cừ đã đến không biết bao nhiêu là bệnh viện và đã trở thành “vật thí nghiệm” cho không biết bao nhiêu thầy lang và phương thuốc dân gian.
Nhưng nỗi đau, sự nhọc mệt về thể xác của Cừ, của mẹ và gia đình chỉ là một phần. Tôi nghĩ phần đau đớn, khổ sở lớn hơn và khó có thể giãi bày là nỗi khổ tinh thần. Ai là cha, là mẹ đều hiểu cảm giác bất an, lo lắng, buồn bã khi con mình đau ốm. Nhưng ốm rồi cũng khỏi. Trẻ nhỏ rồi cũng lớn lên. Nhưng với Cừ, do di chứng chất độc màu da cam, em sinh ra đã khác thường và cho đến tận bây giờ vẫn sống với hình hài nhỏ bé và bất toàn. Gia đình, nhất là cô Kim Sơn – mẹ Cừ đã vĩ đại biết bao khi dám chấp nhận thực tế, dũng cảm đối mặt với khó khăn và nỗi đau để chăm sóc Cừ, dạy Cừ học và cao cả hơn hết là cùng Cừ sống một cuộc sống thật sự là người.
Đấy là cuộc sống với những hạnh phúc đời thường cùng với khao khát đi đến tận cùng ước mơ, dám dấn thân để sống hữu ích và phụng sự xã hội.
Với xuất phát điểm như Cừ, chỉ cần bản thân Cừ, cô Kim Sơn và gia đình sống vui vẻ, bình thường thôi đã là một kì tích. Tuy nhiên Cừ đã học, đã đọc sách, đã nâng cao nhận thức để rồi trở thành một người cống hiến cho cho cộng đồng thông qua sáng lập Không gian đọc Hy Vọng và giúp đỡ, lãnh đạo hàng chục không gian đọc khác. Những suy nghĩ của Cừ và hoạt động khuyến đọc mà Cừ tiến hành đã có tác dụng khơi gợi cảm hứng lớn lao, tiếp thêm sức mạnh cho nhiều người khuyết tật và gia đình của họ trên cả nước. Bản thân tôi, một người may mắn được sinh ra lành lặn, được đến trường đi học khi nhìn vào hoạt động của Cừ cũng cảm thấy mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Bởi thế, tôi nghĩ rằng cuốn sách “Màu của Hy vọng” này sẽ là cuốn sách khơi gợi cảm hứng lớn lao cho nhiều người, nhất là những ai đang cảm thấy buồn khổ, tuyệt vọng, hoang mang trước cuộc sống.
Cho dù chủ định của Cừ khi viết ra cuốn sách này không phải là để nêu gương hay “dạy dỗ” bất cứ ai, tôi vẫn nghĩ rằng sau khi đọc xong cuốn sách này, bản thân tôi và nhiều người sinh ra khỏe mạnh, được học hành khác sẽ giật mình khi nhận ra nếu chỉ sống cho mình thôi, chỉ tìm kiếm cuộc sống vinh hoa phú quý cho gia đình mình thôi thì thật là ích kỉ và thật sự chưa sống trọn vẹn đời sống con người.
Tôi hi vọng cuốn sách này sẽ đến tay đông đảo bạn đọc trên mọi miền đất nước để ngày càng có nhiều người biết đến, đồng cảm và đồng hành với Đỗ Hà Cừ trong hành trình khuyến đọc và phụng sự xã hội.
Chúng ta hãy cùng Cừ hy vọng và nỗ lực hành động mỗi ngày để biến ước mơ, hi vọng về một đất nước hòa bình, dân chủ, giàu mạnh, hạnh phúc thành sự thực.
Hà Nội, ngày 19/03/2024
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tự truyện Nguyễn Quốc Vương khuyến đọc