Một ghi chép kỳ lạ về nạn châu chấu thời Đường
- Lý Tinh Thành
- •
Nạn châu chấu, lũ lụt và hạn hán được gọi là ba thảm họa lớn trong lịch sử nông nghiệp cổ đại. Bên cạnh sao chổi, các hiện tượng của tinh tú, thì nạn châu chấu cũng được coi là một loại “thiên tượng”. Có rất nhiều ghi chép lịch sử về điều này.
Trong “Thi Kinh”, châu chấu được gọi là “chung”, và thường được gọi là châu chấu sau thời Chiến Quốc. Tới thời nhà Tống, châu chấu lại được gọi là “nam”, hay “hoàng nam”. Âu Dương Tu hình dung về châu chấu như sau: “Khẩu hàm phong nhận tật phong vũ, Độc trường bất mãn nghi thường cơ”, nghĩa là miệng chứa dao sắc mạnh như vũ bão, ruột độc không đầy nên thường đói.
Trong cuốn “Nông chính toàn thư” của Từ Quang Khải thời nhà Minh nói: “Có ba nguyên nhân gây ra nạn đói là lũ lụt, hạn hán và nạn châu chấu. Đất có cao thấp, mưa có vơi đầy, vẫn còn nhiều nơi may mắn tránh được. Duy chỉ có nạn châu chấu, suốt vài ngàn dặm, cỏ cây tận diệt, trâu ngựa, sâu bọ tận diệt, họa hại vô cùng thê thảm, hơn cả lũ lụt, hạn hán.”
Trong “Thượng Thư-Vi Tử Thiên” nói: “Thiên độc giáng tai hoang”, nghĩa là thiên tai là sự trừng phạt của Thiên thượng đối với con người. Người xưa cho rằng sự xuất hiện của may mắn và tai họa báo hiệu sự thịnh suy, tồn vong của quốc gia. Do vậy, “Trung Dung” nói: “Quốc gia sắp hưng, ắt có điềm lành; Quốc gia sắp vong, ắt có yêu nghiệt”.
Đổng Trọng Thư thời nhà Hán đề xuất học thuyết thiên nhân cảm ứng, cho rằng: “Đất nước sẽ bại vì mất đạo, trời sẽ giáng tai họa trước để khiển trách. Không biết phản tỉnh, thì lại xuất hiện những việc kỳ quái khiến người thất kinh. Nếu vẫn chưa biết chừng mực, thì sự phương hại sẽ đến cùng cực. Từ đó có thể thấy rằng Trời nhân từ với quân vương, muốn ngăn y làm loạn.”
Do đó, các bậc quân vương minh chủ đa phần đều có thể cúi mình phản tỉnh khi tai họa ập đến, trách tội bản thân, để cầu xin Trời xanh rộng lòng thương xót, phá trừ thiên tai tại nhân gian.
Trong “Trinh Quán chính yếu” có ghi lại một câu chuyện kỳ lạ về Đường Thái Tông và nạn châu chấu như thế này.
Vào ngày Tân Mão tháng Tư năm Trinh Quán thứ hai, Kinh sư gặp đại hạn hán, châu chấu hoành hành ngang ngược, bay rợp trời, khiến nông nghiệp chịu tổn thất nặng nề. Đường Thái Tông vô cùng phiền muộn, quyết định đích thân tới cánh đồng xem xét tình hình dịch bệnh.
Nhìn thấy châu chấu ở khắp mọi nơi, Đường Thái Tông đau buồn nhặt một vài con lớn nói: “Người dân coi miếng ăn như Trời, coi ngũ cốc như mệnh. Các ngươi ăn hết lương thực, gây tổn hại lớn biết chừng nào cho bách tính trong thiên hạ! Nếu thương sinh trong thiên hạ có lầm lỗi gì, tội riêng mình trẫm. Nếu châu chấu các ngươi quả thực có linh tính, thì các ngươi cứ ăn tim ta, đừng làm tổn hại đến bách tính!”
Nói rồi, Thái Tông nuốt châu chấu vào bụng. Các vị đại thần tả hữu xung quanh vội vàng ngăn lại, nói: “Long thể phải bảo trọng, làm vậy sẽ mắc bệnh, nhất quyết không nên.”
Thái Tông nói: “Ta hy vọng tai họa trong thiên hạ chuyển hết lên thân ta, thì còn sợ bệnh tật gì nữa?” Nói xong lại nuốt châu chấu vào trong bụng.
Sau việc này, rất nhanh chóng, nạn châu chấu rợp trời đã biến mất.
Chuyện này đều được ghi chép lại trong “Tư Trị Thông Giám” và “Cựu Đường Thư”, có thể thấy rằng những gì được ghi lại không phải là hư cấu, mà là sự thật lịch sử. Cho đến ngày nay, câu chuyện này đã lưu truyền khắp vùng phía Tây Nam và Đông Nam khu vực Sơn Tây.
Tại khu Tấn Thành, dân gian cũng lưu truyền câu chuyện này, còn kể thêm rằng sau khi Đường Thái Tông nuốt châu chấu, ngày Quý Dậu trời giáng cam lộ xoa dịu thiên tai. Vì vậy mà người dân vùng huyện Trưởng Tử đã lập miếu thờ cúng, cung kính bái lạy thánh ân.
Trương Trác thời nhà Đường, đã ghi lại trong bút ký “Triều Dã Thiêm Tái” rằng sau khi Đường Thái Tông nuốt châu chấu, trên trời xuất hiện những con quạ to, bay thành bầy cực lớn, ăn hết toàn bộ châu chấu chỉ trong một ngày. Phù Hưu Tử, một cận thần của Đường Huyền Tông cảm thán nói: “Đây là kết quả có được nhờ sự chân thành của Văn Vũ Thánh Hoàng Thượng (tên thụy của Đường Thái Tông) đã cảm động trời xanh. Bậc minh quân nên hồng dương việc dùng đức trị và cẩn trọng thực thi hình phạt, nhằm đáp lại lời cảnh báo của Thiên thượng.”
Lòng nhân từ của Đường Thái Tông cũng đặt ra một hình mẫu cho các vị hoàng đế và đại thần đời sau. Vào cuối năm Đường Thiên Hựu, một lượng lớn châu chấu xuất hiện và chui ra khỏi lòng đất. Hoàng đế được tin thì đến thị sát, thở dài nói với châu chấu: “Ta đã phạm tội gì, mà các ngươi lại ăn cây giống của ta?” Chẳng bao lâu sau, châu chấu biến mất.
Chu Hy thời Tống từng phụng chỉ tới miền đông Chiết Giang thị sát nạn châu chấu. Ngoài việc bắt châu chấu ở Cối Kê, Quảng Hiếu ra, ông cũng thường xuyên cầu nguyện. Ông viết trong cuốn “Khất tu đức chính dĩ mị thiên tai trạng” (Mong tu đức trị để chấm dứt thiên tai) rằng: “Với cách hiện nay, ngoài thánh tâm ra, phải nhanh chóng hạ lệnh, tự thân chân thành hối cải sâu sắc… Sau đó quân thần khuyên răn nhau, quyết lòng hối cải… thì có thể khiến tinh thần cảm ứng linh thông, chuyển họa thành phúc…”
Theo The Epoch Times tiếng Trung
Lý Tinh Thành
Tài liệu tham khảo:
- “Trinh Quán chính yếu” quyển 8
- “Triều dã thiêm tái”
- “Kê Thần Lục”
- “Hối am tiên sinh Chu Văn Công tập”
Xem thêm:
Từ khóa Đường Thái Tông Thiên tượng Nạn châu chấu